Liệu có phải chúng ta đang ngày càng lệ thuộc vào smartphone?
(Sóng Trẻ) - Sự xuất hiện của smartphone đã đem lại nhiều thuận tiện và niềm vui giải trí cho con người. Thế nhưng, khi con người càng ngày càng không thể rời mắt khỏi màn hình điện thoại, và luôn kè kè chiếc smartphone bên cạnh, liệu có phải chúng ta đang ngày càng lệ thuộc vào sản phẩm thông minh ấy?
Nếu như ngày xưa, điện thoại di động chỉ có hai chức năng cơ bản là gọi điện và nhắn tin. Thì giờ đây, nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật mà điện thoại thông minh đã ra đời. Chúng có khả năng đáp ứng hầu hết những nhu cầu của con người như: chụp ảnh, nghe nhạc, xem phim, chơi game, thậm chí là soạn thảo văn bản, lập biểu đồ,... để giải quyết công việc.
Những tiện ích phong phú đó đã tạo nên sức hút cho điện thoại thông minh. Nhưng có vẻ như sức hút ấy đã trở nên quá lớn, khiến con người không thể rời xa chúng.
Dễ dàng có thể bắt gặp hình ảnh một người cúi gằm mặt, tai nghe headphone, mắt nhìn chăm chú vào màn hình điện thoại trong khi tay đang gõ phím ở bất cứ nơi đâu. Người ta tranh thủ đọc một tin nhắn facebook trong lúc đợi đèn đỏ, dạo qua những trang web khi đang đợi xe buýt, nghe nhạc trong khi đi đường, đọc tin tức từ các trang báo trong lúc đang ăn cơm.
Bạn Đỗ Thị Hải Yến – sinh viên trường Đại học Nại Ngữ cho biết: “Việc đầu tiên mình làm khi thức dậy buổi sáng là cầm điện thoại để xem facebook có thông báo gì không. Lúc nào cũng phải cầm điện thoại trong tay, vừa lướt facebook vừa ngóng xem có ai like, rồi bình luận vào status mình vừa đăng không. Hễ phải bỏ điện thoại xuống là lại thấy thiếu thiếu, bứt rứt. Thậm chí trong giờ học cũng phải lôi ra, tranh thủ dùng mới thấy đỡ trống vắng.”
Bạn Phạm Công Thành – sinh viên trường Đại học Văn hóa chia sẻ: “Mình bị các anh cảnh sát phạt mấy lần vì tội đeo tai nghe lúc đi đường rồi đấy. Xót tiền nên cũng muốn bỏ thói quen này lắm. Nhưng khó quá. Không có điện thoại bật nhạc là bứt rứt không yên.”
Bạn Trần Huyền Trang – sinh viên trường Đại học Công Đoàn lại cho rằng: “Lệ thuộc hay không lệ thuộc cũng tùy vào cách dùng của mỗi người thôi. Biết điều tiết thời gian sử dụng là được. Nhưng mà đúng là có người dùng điện thoại hơi quá mức thật, lắm lúc đang trên đường, thấy chị bên cạnh đang lái xe máy mà còn lôi điện thoại ra nhắn tin được. Mình thấy thế cũng hoảng. Hoặc gặp lũ bạn cũ mà đứa nào cũng nhấp nhỏm chỉ mong được dùng điện thoại để nhắn tin, lướt facebook.”
Ngày 11/09/2016, fanpage Beat.vn đăng tải tấm ảnh: một hàng người trung niên ngồi sát cạnh nhau, ai nấy cúi đầu và nhìn chăm chú vào chiếc smartphone trên tay. Bức ảnh được đính thêm một dòng chú thích: “Có thể bạn không tin nhưng đây là quang cảnh buổi họp phụ huynh lớp mẫu giáo”.
Tấm ảnh được đăng trên Beat.vn [Nguồn: Beat.vn]
Chưa bàn tới tính xác thực của thông tin này, nhưng tấm ảnh đó để nêu bật được một thực trạng: không chỉ giới trẻ, mà ngay cả đến những người lớn tuổi cũng phải “cúi đầu” trước sức hút của điện thoại thông minh.
Đối với trẻ em, việc tiếp cận điện thoại thông minh từ sớm sẽ khiến thị lực suy giảm và không phát huy được khả năng sáng tạo của mình. Thậm chí, sử dụng quá nhiều có thể ảnh hưởng đến học tập và sự phát triển toàn diện.
Bạn Nguyễn Thùy Trang – sinh viên trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường chia sẻ: “Trước kia chưa phổ cập điện thoại thông minh, sau mỗi giờ học buổi chiều em trai mình thường đi đá bóng hay chơi một môn thể thao nào đó để giải trí nhưng bây giờ thì em mình thường chơi game và chơi mạng xã hội. Có những ngày em sử dụng gần 8 tiếng. Thời gian chơi điện thoại nhiều thế, còn đâu tâm trí mà học tập. Điểm số của nó tụt hẳn.”
Không chỉ vậy, việc lệ thuộc vào điện thoại quá nhiều dường như đã khiến con người trở nên vô cảm với thế giới xung quanh. Từ khi có smartphone trên tay, việc người ta thường làm khi chứng kiến một vụ tai nạn không phải là giúp nạn nhân, mà là dùng điện thoại để quay phim, chụp ảnh.
Trong vụ tai nạn liên hoàn khiến gần 10 người chấn thương nặng, 1 người tử vong trên cầu vượt Chùa Bộc – Thái Hà tối 08/11/2015, nhân chứng cho biết: chỉ có một vài người chạy đến giúp đỡ người bị nạn, số đông còn lại đứng bàn tán, dùng điện thoại để chụp ảnh, quay phim.
Tại bài viết “1 giây và cuộc đời!”, chủ tài khoản facebook T.T.T đã kể lại những gì mình chứng kiến: “Trong tất cả quá trình đấy, người bu lại rất đông, nhưng mình để ý được duy nhất nài mình còn 2 bạn gái, một anh đeo kính đi xe Ford, và một bạn sinh viên đeo cặp chéo là không hề cầm điện thoại trên tay để lao vào giúp đỡ. Còn lại thì bàn tán và chụp ảnh và lảng đi khi được nhờ. ”
Bài viết “1 giây và cuộc đời!” của facebook có tên T.T.T [ảnh chụp màn hình. Nguồn: Internet]
Ng.H.Tr cũng chia sẻ trên facebook của mình: trong vụ tai nạn mà cô gặp phải vào ngày 13/08/2015, người đi đường tụ lại rất đông, nhưng ai nấy đều chỉ giơ điện thoại để...quay phim. Cô viết: “Tôi gần như van xin đừng quay nữa và kêu đau đớn thì từng lớp lớp người đi đường vẫn quay, vẫn chen nhau vào, tiếng cười nói rôm rả cả đoạn đường xen lẫn tạp âm quốc lộ...”
Bài viết của chủ facebook Ng.H.Tr [Ảnh chụp màn hình. Nguồn: Internet]
Không thể phủ nhận những lợi ích mà smartphone đã đem lại cho con người. Nhưng liệu có phải, chúng ta đang quá lệ thuộc vào nó, và dần thay đổi theo chiều hướng tiêu cực vì smartphone?
Từ ngày 18/12 đến ngày 25/12, BBT Sóng Trẻ xin được mở diễn đàn nhằm thu thập những ý kiến đóng góp của quý độc giả về vấn đề này theo các cách thức sau đây.
• Gửi bình luận trực tiếp dưới chân bài viết này,
• Hoặc gửi thư đến địa chỉ email: [email protected]
BBT Sóng Trẻ
Cùng chuyên mục
Bình luận