Lớp học khiêu vũ online mùa dịch
(Sóng trẻ) - Không nhìn thấy bạn nhảy, không nhìn thấy thầy giáo, càng không nhìn thấy bất cứ một động tác nào. Thế nhưng, lớp học vẫn diễn ra đều đặn vào thứ 4 và thứ 6 trong tuần với sự hào hứng, đầy niềm vui của các thành viên... nhờ sự cảm nhận từ những âm thanh.
Ba năm trước, anh Tô Văn Hòa (huấn luyện viên khiêu vũ thể thao quốc gia) nhận lời tham gia một dự án rèn luyện thể lực cho người khiếm thị. Ban đầu, anh chưa biết cách kết nối với học viên nên họ đã tự ti lại càng ngại ngùng hơn, khiến cả thầy cả trò đều căng thẳng.
“Dạy cho người khiếm thị như là cách tôi kể một câu chuyện, phải kể đi kể lại nhiều lần, kể từng chi tiết. Khi dạy nhảy, tôi phải điều chỉnh từng động tác một, chia nhỏ ra các bước, vừa nói vừa thực hành”, thầy Tô Văn Hòa chia sẻ.
Để lớp học hiệu quả, anh Hòa đã phải thiết kế một “giáo án” riêng để phù hợp với thể trạng và đặc thù khuyết tật của những người khiếm thị. Có lẽ bởi vậy mà những động tác không chỉ miêu tả bằng lời nói mà việc cầm tay, cầm cả… chân học viên để hướng dẫn các bước nhảy là chuyện diễn ra thường xuyên.
Dịch COVID-19 khiến lớp học phải tạm dừng lại, thế nhưng để giữ lửa đam mê cho những học trò đặc biệt, anh duy trì lớp học online. "Lần đầu tiên trong đời tôi dạy khiêu vũ online, mà lại còn cho người khiếm thị. Nhưng năng lượng tích cực mọi người tỏa ra giúp tôi tin, không khó khăn nào là không thể khắc phục", Hòa anh nói.
Là một thành viên trong lớp, anh Trần Văn Hoan (Thanh Xuân) cho biết do phải tập bằng trí nhớ nên anh phải tập nhiều để quen động tác và nhạc. Đợt dịch COVID-19 vừa qua, câu lạc bộ phải tạm dừng tập trực tiếp nhưng thầy giáo luôn động viên mọi người và hướng dẫn học viên tập thể online tại nhà.
Em An Như, đang là sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho hay lớp học mang lại rất nhiều động lực cho em, giúp em giảm đi mặc cảm về hình thể và trở nên tự tin hơn. Mỗi khi có buổi tập, em rất háo hức để được giao lưu với mọi người và được học thêm các bài tập mới.
Chị Đỗ Thúy Hà - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội, đồng thời là Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa, cho biết:
"Thầy luôn theo sát từng thành viên, chỉnh sửa từng động tác một, sửa biểu cảm khuôn mặt sao cho đúng. Bởi khiêu vũ đối với chúng tôi, những người khiếm thị là vô cùng khó. Lớp học dancesport này đã đem đến hình ảnh người khiếm thị mới hơn, đẹp hơn, tự tin hơn trong mắt cộng đồng".
Ngày 4/4, Solar Club đã tổ chức thành công cuộc thi mang tên PASS (Passion Asembly of Step and Sway - Tụ hội đam mê của bước và xoay). Đây là cuộc thi khiêu vũ dành cho người khiếm thị đầu tiên ở Việt Nam. |