"Mệnh trời cho mình làm cái này" - Duyên nợ đặc biệt giữa ông Nguyễn Bảo Sinh và những người bạn bốn chân
(Sóng trẻ) - Ông Nguyễn Bảo Sinh là người đã dày công vun đắp nên ngôi chùa Tề Đồng Vật Ngã. "Thiên đường" dành cho những người bạn bốn chân - nơi những chú chó, mèo được yêu thương, che chở và an nghỉ cuối đời.
Chúng tôi ghé thăm chùa vào một buổi sáng đầu hè, tiếng chim hót ríu rít cùng tiếng tán lá lao xao trong gió như lời chào đến với chốn bình yên. Ông Nguyễn Bảo Sinh (87 tuổi) chào đón chúng tôi với nụ cười nồng hậu trên môi, ông dẫn đoàn tham quan một vòng quanh chùa, giọng ông trầm lắng hòa cùng tiếng kinh Phật vang lên đều đều khiến tôi cảm nhận được sự thư thái và an yên trong tâm hồn của mỗi vị khách khi đến đây.
Ông Sinh được mọi người biết đến với biệt danh "Vua chó mèo", là chủ nhân của ngôi chùa Tề Đồng Vật Ngã, nơi có khu nghĩa trang có một không hai dành riêng cho chó mèo. Với ông, việc chôn cất chó mèo không chỉ là tình cảm cá nhân mà còn là nét văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, “người ta sống về mồ về mả chẳng ai sống về cả bát cơm”.
Ông Sinh ví von như việc "hóa kiếp" cho chúng, mong muốn kiếp sau chúng sẽ được tái sinh ở nơi tốt đẹp hơn. “Cơ duyên để làm một khu nghĩa trang, một ngôi chùa để cho linh hồn của “các em” có nơi nương tựa, nhiều khi đó cũng là mệnh trời chứ không phải mình định mà được, mệnh trời cho mình làm cái này, thì nhờ số may chứ mình có định đâu” - ông Sinh cười chia sẻ.
Suýt chết đuối vì cứu "người bạn vàng"
Ông Bảo Sinh đặc biệt nhớ về Ami - chú chó cưng đã cùng ông đi qua những thăng trầm của cuộc đời. Ông kể lại rằng, Ami được sinh ra vào năm 1978, trong bối cảnh đất nước đang cấm nuôi chó. Nhờ vị trí đặc biệt của khu đất nơi ông sinh sống - một hòn đảo biệt lập với xung quanh bằng hồ nước mênh mông, Ami may mắn được sống sót. Tuy nhiên, để tránh bị bắt mỗi khi có đoàn kiểm tra, ông phải ôm Ami bơi qua hồ để trốn. Kỷ niệm khiến ông nhớ mãi là một lần suýt chết đuối vì Ami. Khi bơi quá lâu trong tư thế giữ nửa người trên mặt nước khiến Ami thấm mệt, Ami vô thức gìm chặt cổ ông Sinh khiến ông chìm dần xuống nước. May mắn thay, ông đã cố gắng vùng vẫy và vào được bờ.
Năm 1986, khi lệnh cấm nuôi chó được dỡ bỏ, Ami trở thành chú chó nổi tiếng nhất Việt Nam nhờ ngoại hình to lớn, khỏe mạnh và thông minh. Ami là ông tổ của ngành kinh doanh chó mèo cảnh ở Việt Nam và cũng là chú chó đầu tiên được ông chôn cất ở nghĩa trang này. Ông Bảo Sinh luôn trân trọng Ami và coi là "người bạn vàng", "người xây dựng sự nghiệp" cho mình.
Nơi những chú chó, mèo được "hóa kiếp"
Khi "người bạn vàng" của ông là Ami qua đời năm 1969, ông Sinh đã suy nghĩ đến việc chôn cất em ấy. Tuy nhiên, thời bấy giờ có lệnh cấm, buộc ông phải “chôn giấu chôn diếm” Ami. “Chôn xong hôm sau, công an đến vì họ được hàng xóm báo cáo rằng tôi có vụ phi tang giết người. Họ quây lại đào lên, nhưng hóa ra là con chó, tôi chỉ bị phạt hành chính vì chôn chó không xin phép. Lúc đó, họ không bao giờ nghĩ là mình lại đi chôn chó, người ta nghĩ chôn chó là một điều gì đó kỳ lạ lắm, không thể tưởng tượng ra”, ông Sinh nhớ lại, giọng đầy xúc động.
Mãi về sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ, đất nước ngày càng phát triển, nhiều người dân trong khu vực cũng dần thay đổi quan niệm về việc chôn cất chó mèo và bắt đầu đưa thú cưng của họ đến nhờ ông Sinh. Từ đó, ông đã lập nên nghĩa trang dành riêng cho chó mèo, sau trở thành ngôi chùa mang tên “Tề Đồng Vật Ngã”, ông giải thích là mang nghĩa chúng sinh - người và vật - đều bình đẳng, theo quan điểm nhà Phật. Vì thế, ông thực hiện các nghi lễ an táng cho thú cưng như với con người tại đây.
Chùa Tề Đồng Vật Ngã ẩn mình sâu trong con ngõ nhỏ ở phố Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội), rộng khoảng 2.000 m2. Trong chùa, khu chôn cất chó mèo nằm men theo hồ nước nhỏ, dưới mặt hồ có thả hoa súng. Những hàng mộ được xây bằng gạch tổ ong, giữa các hàng là lối đi lát gạch ngày nào cũng có người quét dọn sạch sẽ.
Ông Sinh mong muốn nơi đây sẽ là chốn bình yên cho những người bạn bốn chân sau khi ra đi và cũng là nơi an ủi cho những người chủ mất đi người bạn tri kỷ của mình. Đến nay, nghĩa trang này đã là nơi an nghỉ của gần 10.000 chú chó, mèo. Đây cũng là nơi đầu tiên trên cả nước cung cấp dịch vụ mai táng và các nghi lễ cầu siêu, phóng sinh,...dành cho thú cưng.
Ông cho rằng, những câu chuyện đặc biệt giữa chủ và vật luôn khiến con người nhân văn hơn, biết yêu thương hơn: "Cá nhân tôi luôn nghĩ rằng, khi giáo dục con người yêu thương động vật thì ngoài ý nghĩa trân trọng vật nuôi, điều đó còn gián tiếp giáo dục tình yêu thương con người". Chính vì vậy, "Tề Đồng Vật Ngã" không chỉ là nơi an nghỉ cho những người bạn bốn chân mà còn là một biểu tượng của lòng nhân ái và tình yêu thương động vật.
Định kiến là lẽ đương nhiên ở trong sự tiến bộ
Ở cái thời xã hội thiếu thốn, khó khăn đủ thứ, cơm không có để ăn mà nhà nào nuôi chó sẽ bị coi là phạm tội và phải bỏ tù. Dần dần cuộc sống tốt hơn, chuyện nuôi chó hay thú cưng là bình thường thì việc chôn cất, mai táng hay thờ cúng cho những con vật ấy lại tiếp tục bị coi là dở hơi, điên nặng. Năm 1899, nghĩa trang chó được xây dựng và được dân Paris tự hào là nghĩa trang động vật đầu tiên trên thế giới, dù thời cổ đại cũng đã có những nơi chôn cất dành cho thú. “Chúng ta cứ tưởng là mới, nhưng nó là cũ rồi, những cái nghĩ mãi mới ra đều là những cái người ta nghĩ rồi. Nhưng chùa cho chó mèo hay thú cưng thì người Việt Nam mình tự hào là ngôi chùa đầu tiên trên thế giới.” - ông Sinh cười với sự tự hào rạng rỡ trên khuôn mặt.
Những định kiến của xã hội chẳng làm ông bận lòng vì những gì ông đang làm là văn minh, là xu hướng của thời đại nên không ai có thể ngăn lại, những người phản đối phần lớn đều chưa hiểu hết những gì ông đang làm và thời gian sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất. Ông Sinh chia sẻ: “Nhiều người họ nghĩ tôi là điên cuồng rồ dại, nhưng với tôi là triết lý uyên thâm về giáo dục con người phải yêu thương nhau hơn nữa bằng cách dạy người ta yêu thương con vật. Ví như mình nuôi con chó con mèo, nó chết, mình khóc than thì mình có dã man lột quần áo bạn mình đánh không? Mình yêu con chó con mèo thì mình có đối xử tàn bạo với bố mẹ không?” Thật vậy, tình yêu thương động vật giúp ta biết cách trân quý sự sống và sinh mạng trên thế gian. Những đứa trẻ biết yêu thương, chăm sóc và bảo vệ động vật cũng sẽ biết thể hiện lòng yêu thương của mình với những người xung quanh.
“Tôi làm cái này có một niềm vui, tất cả những người đến đây, mất đi con chó con mèo họ khóc, sau khi làm lễ an táng xong nghe tôi nói thuyết pháp thì người ta ra về lòng thanh thản, yên tâm thoáng nở nụ cười. Phần nào mình cứu khổ cứu nạn cho những người như thế, đấy chỉ là việc nhỏ tôi làm.” Niềm vui khi giúp đỡ những linh hồn bé nhỏ được siêu thoát và người chủ được yên lòng là lý do khiến ông mạnh mẽ vượt qua định kiến xã hội, chính tình yêu thương của những người chủ khiến ông thêm tin yêu vào cuộc sống này.
Niềm mong ước nhỏ bé
Năm nay, ông Sinh đã gần 90 tuổi, ông khiến người đối diện phải bất ngờ với một trí tuệ minh mẫn trong một cơ thể khỏe mạnh. Khi chúng tôi bày tỏ sự quan ngại về người kế cận sẽ thay ông quản lý chùa sau này, ông cười nhẹ: “Tôi làm công việc này như có một bàn tay vô hình nào đó dìu dắt nên tôi tin chắc chắn sẽ có người phù hợp thay tôi bởi nó cần cơ duyên. Đặc biệt là mình làm đúng với tinh thần của thời đại thì thể nào cũng có người, còn mình làm cái tư tưởng lạc hậu cuối cùng chẳng ai làm.”
Song với bản thân ông, người nối dõi không chỉ riêng con cái, ông cho rằng trong thời đại này vẫn giữ tư tưởng cha truyền con nối là lạc hậu, sai lầm lớn nhất trong giáo dục là giáo dục cho con trở thành mình, giáo dục tốt nhất là giúp con trở thành phiên bản tốt nhất. Trong xã hội ngày nay, con người khi đạt được thành công thường ích kỷ giữ cho riêng mình không muốn chia sẻ với bất kỳ ai, rất hiếm thấy những người có tư duy cởi mở, hiện đại như ông, ông ưu tiên việc giúp ích cho xã hội đồng thời cũng tôn trọng sự phát triển độc lập của con cái.
Ông có một tâm nguyện thế này, “tôi đã thành công trong cuộc đời vì tôi yêu con vật, thì lúc chết tôi cũng muốn nằm cạnh con chó của tôi”. Ông đã sớm chuẩn bị cho mình một lăng nhỏ, xung quanh là mộ của những chú chó khác. “Tôi năm nay cũng gần 90 rồi thì cái ngày tôi ra đi không biết lúc nào. Tôi phải được nằm cạnh Ami - người bạn vàng của tôi và bên cạnh là vợ”. Nói về chuyện gần đất xa trời ánh mắt của ông chan hòa lắm, dường như ông không chút e dè và lo lắng.
Dành nửa đời để chăm nom cho những thú cưng đã mất, chứng kiến những câu chuyện cảm động giữa chủ và vật, ông Sinh thêm tin vào cách giáo dục con người ta yêu thương nhau, không có gì hay hơn việc giáo dục con người ta yêu thương con vật. Ngôi chùa thú cưng đầu tiên trên thế giới “Tề Đồng Vật Ngã” sẽ luôn dang rộng vòng tay dìu dắt những linh hồn bé nhỏ và chữa lành những trái tim giàu tình yêu thương.