Mùa mâm xôi gọi về…
(Sóng trẻ) - Trẻ con miền núi chúng tôi có một thứ quà nn mà thiên nhiên dành tặng – quả mâm xôi, hay vẫn được gọi vui là “dâu tây”. Thức quả giản dị đậm chất miền núi đã đi vào từng trang kí ức xa xôi của tôi nhẹ nhàng, bình dị nhưng khó phai mờ.
Những năm cuối thập niên 90 của thế kỉ XX, khi đời sống rất chật vật thì những thức bánh nn hay kẹo ngọt với những đứa trẻ vùng cao quả là thức quà xa xỉ. Nài mấy thứ quà vặt ở chợ quê thì mâm xôi cũng chính là một thứ “khoái khẩu” mỗi độ tháng 2 âm lịch - mùa Mâm xôi.
Vào mùa này năm ấy – đang vụ cấy lúa hè thu, một hôm bố đi cày về, đưa cho tôi một hũ quả chín đỏ mọng được đựng bên trong cái chóp nón cũ của mẹ. Tôi vội hỏi “Quả gì thế bố?”, bố cười và bảo “Quả mâm xôi”. Thật lạ lùng, ở vùng đồi núi xứ Cao Bằng này lại có một thứ quả hay đến thế, hay bởi nó là thứ quả dại, mỗi năm cũng chỉ có vào một mùa. Sau Tết, trên những bờ ruộng, ven những con đường mòn, những cây mâm xôi không biết đã ươm mầm từ lúc nào bỗng đơm hoa trắng tinh khiết và kết thành thứ trái này. Hết mùa cấy cũng là hết mùa mâm xôi, và thế là lũ trẻ nếu muốn thưởng thức thì mâm xôi xin hẹn các bạn dịp này năm sau!
Quả và cây mâm xôi (ảnh: nguồn internet)
Tôi cũng không rõ vì sao lại tên là mâm xôi, một ý nghĩ trẻ con rằng chắc hẳn là vì chúng trông giông giống mâm xôi nên người ta đã đặt cho nó cái tên mộc mạc như vậy. Có điều, khi nhắc đến mâm xôi, với tôi đó là hình ảnh của bố lấm bùn sau những buổi cày đồng mệt nhọc, là hình bóng về mẹ với chiếc nón che nắng, che mưa suốt mùa vụ gieo cấy.
Cũng thật hóm hỉnh, chúng tôi vẫn hay gọi thứ quả này với cái tên thật hào nhoáng là “dâu tây”. Mà thực tế thì hồi ấy với con mắt trẻ thơ, chúng cũng giống dâu tây thật! Một phiên bản dâu tây dệt nên những kí ức thật đẹp – ngọt lịm như chính hương vị của thứ quả mâm xôi ấy…!
Mâm xôi thường thấy ở các tỉnh miền núi miền Bắc nước ta. Tán cây thấp lè tè song lại đơm rất nhiều quả chi chít, quả to lắm cũng chỉ độ hơn đầu ngón tay cái. Tuổi thơ của tôi ở đó là những buổi tung tăng trên bờ ruộng chờ bố mẹ đang lao động trên đồng. Cứ thế, tôi “nghiền” trái mâm xôi, nhớ cái vị ngọt lịm man mát của trái mâm xôi chín đỏ quấn ngay đầu lưỡi, còn nếu là mâm xôi chỉ mới ươm ươm thì chua đến nỗi phải díu họng lại. Mâm xôi còn xanh, vẫn có thể ăn chấm với ít bột canh hay muối, vị cũng rất đặc biệt.
Dẫu rằng được cô giáo ở trường dặn “đi đến nơi, về đến chốn”, không được la cà dọc đường, nhưng có thể không la cà sao được khi trên đường quê về nhà có đầy những tán mâm xôi chi chít quả. Chỉ cần dừng lại một chút là có thể rủ nhau “đánh” một bữa, ít nhất thì có thể đỡ cho cổ họng đang khát nước.
Những “bữa tiệc” mâm xôi đậm chất miền núi đã đi vào từng trang kí ức xa xôi của tôi. Tuy chưa đủ để làm nên một “tuổi thơ dữ dội” nhưng chúng đã khiến những đứa trẻ như tôi cứ vào mùa này, khi quay về miền ký ức ấy lại luôn nhớ về ba từ: quả mâm xôi.
Nông Thị Thuyết
Báo mạng điện tử K31
Cùng chuyên mục
Bình luận