Nan giải giáo trình in lậu tại giảng đường (Bài 1): Đứa con hoang của ngành xuất bản

Hiện nay, những giáo trình in lậu xuất hiện tràn lan tại các quán photo. Thực trạng này ngày càng đáng báo động hơn khi giáo trình photo trở nên quen thuộc với sinh viên hơn những giáo trình chính thống.

Nan giải giáo trình in lậu quanh trường đại học

Tự học, tự nghiên cứu giáo trình, tài liệu tham khảo là yếu tố rất quan trọng đối với mỗi sinh viên trong mỗi học phần tại đại học. Thay vì tìm kiếm các nguồn tài liệu chính thống tại thư viện, nhà sách; các cửa hàng photo lại là lựa chọn được ưu tiên.

Theo quan sát thực tế của nhóm phóng viên tại các cửa hàng photo gần các trường đại học tại Hà Nội, những cuốn giáo trình in lậu ngang nhiên được rao bán. Bất kỳ cuốn nào sinh viên yêu cầu, từ  giáo trình, các tài liệu nghiên cứu khoa học, cho dù có là giáo trình lưu hành nội bộ cũng đều có.

Một chủ cửa hàng photo tự tin cho biết: “Mỗi môn nhà chị có 1, 2 quyển… em muốn môn nào nhà chị cũng có…”.

Được biết, mỗi cuốn giáo trình, tài liệu khoa học photo chỉ được chủ cơ sở này bán với giá từ 15 - 45.000 đồng tuỳ số trang của giáo trình. Mức giá này rẻ gấp 2 – 3 lần so với một cuốn giáo trình chính thống.

Tuy nhiên, quá trình in ấn giáo trình, tài liệu photo đều chưa được sự đồng ý của tác giả hay nhóm tác giả, không phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học mà phục vụ cho các hoạt động mang mục đích thương mại. Điều đáng nói, các chủ cơ sở photo biết hành vi của mình là hành vi “ăn cắp chất xám”, không được pháp luật cho phép nhưng vẫn tiếp tục.

Nhiều cơ sở đã có những chiêu trò nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Khi có đoàn kiểm tra nhiều chủ cơ sở photocopy chỉ để lại 1 cuốn giáo trình photo, số giáo trình photo còn lại được “gửi nhờ” đến các địa điểm khác. Tuy nhiên, những chủ cơ sở này từ đâu mà có nguồn học liệu, giáo trình vẫn đang còn là một dấu hỏi lớn.

Không chỉ các chủ cơ sở photo mà chính những sinh viên sau khi đã “qua môn” cũng trở thành những người bán hàng với sản phẩm là những cuốn giáo trình photo. Nhiều giáo trình photo với đa dạng các môn được dao bán tràn lan trên nhiều diễn đàn mạng xã hội.

Giáo trình photo tràn lan trên chợ mạng với “giá rẻ bất ngờ” (Ảnh chụp màn hình).
Giáo trình photo tràn lan trên chợ mạng với “giá rẻ bất ngờ” (Ảnh chụp màn hình).

 

Mỗi cuốn giáo trình photo khi này chỉ có giá 10-25.000 đồng/cuốn, tuỳ môn. Những bài đăng dao bán những cuốn giáo trình photo này thường thu hút lượng tương tác lớn và thường xuyên “cháy hàng” do nhu cầu sử dụng cao mà giá thành thậm chí còn rẻ hơn ở những cửa hàng photo.

Điều đáng nói, không phải sinh viên nào cũng nhận thức được hành vi của mình có đang vi phạm gì hay không. Theo khảo sát của nhóm phóng viên (Khảo sát được thực hiện với 200 sinh viên tại Hà Nội), có tới hơn một nửa (59,2%) câu trả lời cho rằng việc mua bán giáo trình photo không phải là hành vi vi phạm pháp luật và 64,5% số sinh viên được khảo sát trả lời chưa từng tìm hiểu về việc mua bán giáo trình photo có phải là hành vi vi phạm pháp luật.

“Rẻ” nhưng “đủ”

Có cung chắc chắn phải có cầu. Cũng theo khảo sát trên của nhóm phóng viên, gần 95% số sinh viên được khảo sát đã từng ít nhất một lần sử dụng giáo trình tài liệu photo.

Nguyên nhân được đưa ra chủ yếu là do giá thành rẻ mà vẫn đáp ứng được đầy đủ kiến thức hoặc đó do nhu cầu sử dụng không lâu dài. Thậm chí nhiều sinh viên còn cho rằng, “chỉ cần học qua môn nên mua giáo trình chính thống là tốn tiền…”.

Giáo trình photo là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều sinh viên khi xây dựng ngân hàng học liệu (Ảnh: Minh Toàn).
Giáo trình photo là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều sinh viên khi xây dựng ngân hàng học liệu (Ảnh: Minh Toàn).

 

Bạn Vũ Thị Thu Trinh (Trường Đại học Y Dược- Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Mình ít khi chủ động xây dựng ngân hàng học liệu cho các môn học. Đa phần khi các thầy cô giới thiệu giáo trình hoặc tài liệu tham khảo, hoặc đó là môn học bắt buộc phải có giáo trình mới được lên lớp mình mới tìm kiếm mua. Ưu tiên của mình luôn là những giáo trình tài liệu có thể photo để tiết kiệm chi phí. Nhiều khi mình cũng tự hỏi bản thân có thể bỏ ra vài trăm nghìn đồng để ăn uống hoặc mua sắm nhưng vài chục nghìn đồng mua giáo trình lại phải phân vân”.

Giống với Thu Trinh, không ít sinh viên đã tìm đến giáo trình photo như một “cứu cánh” bởi đủ kiến thức mà giá thành lại rẻ gấp 2-3 lần so với các cuốn giáo trình chính thống. Hoặc khá hơn, có những sinh viên sử dụng giáo trình chính thống với các môn học chuyên ngành, còn với những môn học họ coi là không quan trọng như đại cương thì sẽ sử dụng giáo trình photo.

Đáng chú ý, qua khảo sát của nhóm phóng viên, khoảng gần 80% sinh viên cho biết nhận thức được việc sử dụng giáo trình photo sẽ gây ảnh hưởng tới quyền lợi của tác giả hoặc nhà xuất bản. Nhưng vì điều kiện kinh tế hoặc cố tình, giáo trình photo vẫn là lựa chọn được ưu tiên với họ.

“Mình biết đây là hành động không nên nhưng việc sử dụng giáo trình tài liệu photo vào mục đích học tập không vi phạm pháp luật. Tri thức là của chung nhân loại. Theo mình, chia sẻ tri thức là nền tảng căn bản để tạo ra tri thức mới. Do đó, cả xã hội được lợi từ việc tri thức được chia sẻ”, bạn Nguyễn Ngọc Ánh, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

Hành vi vi phạm pháp luật

Căn cứ Điều 25, Khoản 6 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2022, nếu chỉ photo không nhiều hơn 01 bản nhằm mục đích học tập, nghiên cứu và giảng dạy và không sao chép để đi bán hay nhằm mục đích khác thì vẫn được coi là không vi phạm bản quyền. Mọi trường hợp không đáp ứng yêu cầu về số lượng và mục đích của việc photo sách theo quy định trên đều được coi là vi phạm bản quyền và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Pháp luật cho phép sao chép tác phẩm không quá một bản trong trường hợp nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân,… không nhằm mục đích thương mại.

Theo luật sư Dương Lê Ước An (Công ty Luật Hợp Danh Đại An Phát): “Hành vi cửa hàng photo chủ động photo để bán là nhằm mục đích kinh doanh thương mại nên đây là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Thậm chí, trường hợp khách hàng mua các tài liệu đã photo sẵn cũng là hành vi vi phạm dù khách hàng có mục đích nghiên cứu, học tập nhưng vẫn xâm phạm quyền tác giả do vi phạm điều kiện “tự sao chép” theo Điểm a Khoản 1 Điều 25. Bên cạnh đó, hành vi của các chủ tiệm in sẵn là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Khoản 8, 10 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022”.

Theo đó, hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt tiền từ 15 - 35 triệu đồng, buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm. Ngoài ra, chủ sở hữu có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2022.

Luật sư An cho biết: Nhiệm vụ này đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng và các cá nhân trong xã hội (Ảnh NVCC)
Luật sư An cho biết: Nhiệm vụ này đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng và các cá nhân trong xã hội (Ảnh NVCC)

 

Thậm chí, trong trường hợp xét thấy có dấu hiệu tội phạm, người vi phạm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 225. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Cũng theo luật sư An, có các trường hợp ngoại lệ khi thực hiện hành vi photocopy sách, giáo trình, tài liệu khoa học khi chưa được tác giả, nhóm tác giả cho phép,… Các trường hợp ngoại lệ này được quy định cụ thể tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022.

Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm bao gồm: Tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại; sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại; sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa trong bài giảng, ấn phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích giảng dạy; trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận, giới thiệu hoặc minh họa trong tác phẩm của mình; để viết báo, sử dụng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát sóng, phim tài liệu…

Hành vi tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân được áp dụng không nhằm mục đích thương mại. Do vậy trường hợp sinh viên photocopy giáo trình và sách để nghiên cứu, phục vụ cho việc học tập không bị xem là vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, thực tế hiện này xuất hiện ngày càng nhiều càng đối tượng trục lợi từ photocopy sách, các giáo trình gốc để bán, thu được lợi nhuận. Điều này sẽ ảnh hưởng đến công sức, thu nhập và trí tuệ của tác giả. Luật sư Dương Lê Ước An bộc bạch: “Việc các trường đại học cho phép sinh viên lạm dụng quá nhiều bản sao tài liệu, giáo trình nghiên cứu học tập có thể xem là hình thức tiếp tay gián tiếp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của tác giả. Đây là một lỗ hổng pháp luật mà các đối tượng đã lợi dụng việc photocopy sách, giáo trình, các tài liệu nghiên cứu để bán, thu lợi bất chính.”

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN