Nẩy hột : Tuyệt kỹ ca trù
(Sóng trẻ) - Ca trù, loại hình nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam không chỉ chinh phục người nghe bằng nhịp phách, cung đàn mà còn bởi kỹ thuật thanh nhạc độc đáo. Trong đó, nẩy hột được xem là một tuyệt kỹ, đòi hỏi sự tinh tế, điêu luyện của ca nương để tạo nên những khoảnh khắc thăng hoa khi trình diễn.
Kỹ thuật thanh nhạc độc đáo
Nẩy hột hay còn được biết đến là nẩy hạt, đổ hột. Để tạo ra âm thanh nẩy hột, ca nương không hát liền mạch mà phải ngắt các âm tiết kéo dài thành nhiều phần nhỏ, mỗi âm thanh được trau chuốt, vo tròn trước khi bật ra khỏi cổ họng. Điều này khiến giọng hát có cảm giác như bị ghìm lại, nén xuống trước khi nẩy ra. So với quan họ, thanh âm nẩy hột của ca trù có phần nẩy mạnh hơn.
Cách lựa chọn âm thanh để nẩy của hai loại hình này cũng có sự khác biệt. Nếu trong quan họ, nẩy hột có tác dụng như thành tố tạo nhịp cho câu quan họ thì trong ca trù, phần lớn những chữ đặc sắc trong chính bài hát đó sẽ được ca nương lựa chọn để nẩy. Như trong câu: “Non xanh xanh, nước xanh xanh” (trích Hồng hồng tuyết tuyết), nhóm Ca trù Thái Hà tại nhạc hội Đêm Viettel đã chọn nẩy hạt chữ “xanh” ở hai vế câu.
Ca nương Thúy Hòa - Câu lạc bộ ca trù Thái Hà cho rằng: "Một thanh âm nẩy hột đẹp phải đạt được độ trong, tròn trịa, không bị vỡ tiếng hay gượng ép. Ca nương khi thực hiện kỹ thuật này cần có độ nhả chữ chính xác, tạo ra những điểm nhấn tinh tế trên nền nhạc đàn đáy và tiếng phách". Bà cũng nhấn mạnh rằng: “Lối đổ hột khi đạt đến đỉnh cao thì được gọi là đổ hột 'con kiến'. Đấy là khi ca nương có thể tiết chế âm thanh ở mức độ to nhỏ một cách nhịp nhàng, uyển chuyển”.
Trong ca trù, nẩy hột không chỉ là kỹ thuật thanh nhạc mà còn là cách ca nương thể hiện cảm xúc và dấu ấn cá nhân trong từng bài hát. Không có khuôn mẫu cố định cho việc nẩy hột, ca nương có thể tự do lựa chọn những chữ cần nẩy dựa trên cảm xúc thăng hoa khi trình diễn.
“Đặc biệt, sự sáng tạo này hoàn toàn không được bàn bạc trước với kép đàn mà diễn ra một cách ngẫu hứng, tạo nên sự mới lạ cho mỗi lần hát. Mỗi bài ca trù đều chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc, đòi hỏi ca nương phải am hiểu, cảm được tinh thần của từng câu hát. Chính sự thấu hiểu cùng với những phút giây thăng hoa trên sân khấu, ca nương sẽ lựa từ ngữ quan trọng để nẩy hột, làm bật lên tinh thần của bài hát cũng như khoe trọn tài năng của mình", ca nương Thúy Hòa chia sẻ.
Khi được thể hiện đúng chỗ, đúng cảm xúc, đổ hột không chỉ làm duyên cho câu hát mà còn lay động lòng người, khiến giai điệu ca trù trở nên da diết và đầy mê hoặc. Một chữ nẩy đẹp làm sáng lên ý thơ đều có thể khiến quan viên rung động. Khi đó, họ sẽ thưởng những thẻ tre như một sự công nhận và tán dương tài năng.
Hành trình gian nan
Để thành thạo được kỹ thuật nảy hột là điều không hề dễ dàng. Không chỉ đòi hỏi giọng hát thiên phú, ca nương còn phải trải qua quá trình luyện tập khắc nghiệt để có thể nẩy hột một cách tinh tế, tròn trịa mà không gượng ép. Ca nương Thúy Hòa bày tỏ: “Nẩy hột không chỉ đơn thuần là một kỹ thuật, mà còn là sự kết hợp của hơi thở, độ nhả chữ và cảm xúc thăng hoa trong lúc biểu diễn. Để đạt đến trình độ điêu luyện, người học cần kiên trì tập luyện trong thời gian dài”.
Tuy nhiên, con đường học nẩy hột ngày nay gặp không ít trở ngại. Nếu như trước kia, ca nương có thể học trực tiếp từ các nghệ nhân lão luyện trên chiếu hát, thì nay, số người am hiểu sâu sắc về kỹ thuật này không còn nhiều.

Nhớ về những khó khăn khi bắt đầu, Ca nương Thuý Hoà cho biết: “Ban đầu, mỗi lần tập khiến tôi có cảm giác đau rát như bị viêm họng. Nhưng tôi nhận ra việc tập hát cũng giống như việc rèn luyện thể lực vậy. Lúc đầu cơ thể sẽ mỏi và đau, nhưng khi quen dần, cơ thể sẽ thích ứng và dẻo dai hơn. Giọng hát mình cũng thế, khổ luyện đủ lâu, tự khắc sẽ trở nên khỏe, trong và vang hơn theo thời gian”.
Ngoài ra, tài liệu ghi chép về nẩy hột rất ít ỏi, hầu hết chỉ được truyền khẩu. Nhiều người trẻ học ca trù phải tự nghiên cứu qua băng đĩa thu âm của các nghệ nhân xưa. Tuy nhiên, học theo cách này chỉ giúp họ bắt chước được phần âm thanh bề ngoài mà khó lĩnh hội được thần thái, cái hồn của từng nốt nẩy hột. Bởi vậy, để thực sự làm chủ kỹ thuật này, người học không chỉ cần kiên trì mà còn phải có sự cảm thụ tinh tế, hiểu được bản chất của nẩy hột trong từng câu hát.