Ngày xưa có một chuyện tình: Cuốn sách không nên bỏ lỡ
(Sóng trẻ) - Như mọi cuốn sách khác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, "Ngày xưa có một chuyện tình" mang âm hưởng nhẹ nhàng với lối kể chuyện gần gũi, đi vào lòng người. Cuốn truyện chứa nhiều giá trị nội dung sâu sắc.
Cuốn sách phát hành ngày 18/9 vừa rồi của Nguyễn Nhật Ánh không nằm nài mong đợi của độc giả, nó đánh dấu một bước nặt trong sáng tác của nhà văn. Nếu như những câu chuyện trước đó tập trung vào sự trong sáng, ngây thơ, hồn nhiên và những mối tình thơ dại của những nhân vật ở lứa tuổi vị thành niên thì ở cuốn sách mới này, câu chuyện tình kéo dài và sâu đậm hơn cả.
Độc giả hào hứng trong buổi kí tặng sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (Ảnh: Internet)
Sự bứt phá
Nhiều người cho rằng truyện của Nguyễn Nhật Ánh thường có cốt truyện đơn giản, hầu hết moi tình tiết đều diễn ra bình lặng, không có cao trào, đỉnh điểm. Nếu như đó là nguyên nhân để từ chối một cuốn sách của nhà văn thì đến với Ngày xưa có một chuyện tình, độc giả không còn lí do gì để không đắm chìm vào những trang truyện nữa.
Cuốn "Ngày xưa có một chuyện tình" phát hành ngày 18/9
Ngày xưa có một chuyện tình kể về mối tình “tay ba” giữa hai chàng trai Vinh, Phúc với cô gái xinh đẹp, duyên dáng tên Miền. Vinh hiền lành, điềm đạm nhưng vẻ ngông cuồng, nghĩa hiệp của Phúc lại lôi cuốn Miền hơn cả. Phúc và Miền đã vượt quá giới hạn của tình yêu và để lại sinh linh bé nhỏ trong bụng Miền. Tuy nhiên, trước khi biết được sự thật đó, Phúc đột ngột cùng cha biến mất 8 năm ròng. Ở quê nhà Hà Lam, Vinh vẫn một lòng yêu Miền, muốn che chở cho Miền cùng đứa con của Miền và Phúc. Miền chấp nhận lời cầu hôn của Vinh và cả hai cùng chung tay xây dựng một hạnh phúc mới. Hạnh phúc ấy sẽ chẳng còn gì để đắn đo nếu như Phúc không trở về. Chàng trai hào hiệp ngày nào trở về mang theo những kỉ niệm trong Miền, khiến cô chấp chới trên sợi dây hạnh phúc. Một mặt Miền muốn duy trì mái ấm cùng Vinh, mặt kia, người phụ nữ tuổi 25 muốn chạy theo những khao khát của tình yêu bị bỏ lỡ cách đó 8 năm. Những đấu tranh nội tâm của cả ba nhân vật được khắc họa rõ nét làm nên cao trào của câu chuyện. Và câu chuyện kết thúc trọn vẹn khi cả ba đều tìm được câu trả lời cho tình cảm của mình, tìm được bến đỗ bình yên cho cuộc đời.
Câu chuyện được nhà văn kể lại qua lời của bốn nhân vật: Vinh, Phúc, Miền và bé Su – con trai của Miền và Phúc. Sự đổi ngôi trong quá trình kể chuyện tạo nên những góc nhìn đa chiều về nhân vật, đi sâu khắc họa nội tâm của từng người và tạo nên sự nhịp nhàng, lôi cuốn cho câu chuyện.
Một điểm mới nữa mà người đọc dễ dàng cảm nhận trong thiên truyện này là sự trưởng thành và lớn lên của nhân vật. Nếu như motip trong cách xây dựng nhân vật của Nguyễn Nhật Ánh là những cô cậu tuổi mới lớn với tình yêu ngây thơ, trong sáng thì đến với Ngày xưa có một chuyện tình, các nhân vật được “lớn lên”, được sống với những cung bậc khác của tình yêu như trao nhau những nụ hôn đầu đời, sự tiếp xúc cơ thể hay cao nhất là hôn nhân. Người đọc được chứng kiến sự trưởng thành của nhân vật, sự trưởng thành về tuổi tác, về suy nghĩ và cả về quan điểm tình yêu.
Ý nghĩa xã hội và ý nghĩa nhân văn
Một cách nhẹ nhàng, Nguyễn Nhật Ánh truyền đi những thông điệp sâu sắc qua những trang văn của mình.
Ở phần cuối truyện, nhân vật bé Su nói: “Gần đây, khi đọc quá nhiều tin tức trên báo về những vụ manh động giết người vì ghen tuông hay vì hàng trăm lí do không bằng lòng với chuyện tình duyên, tôi càng ngưỡng mộ cách hành xử của mẹ tôi, ba tôi và bố tôi…”. Một câu văn đơn giản nhưng đủ thấy những trăn trở của nhà văn về các vấn đề xã hội, những vấn đề liên quan đến tình yêu nam nữ. Khi cái ác xuất hiện trong tình yêu, khi nhiều người mất niềm tin vào các giá trị của tình yêu, khi các vụ án giết người vì tình yêu hàng năm vẫn làm “dậy sóng” xã hội thì câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh mang đến một niềm tin vào thứ tình cảm thiêng liêng này.
Nếu như tình yêu là mạch chảy xuyên suốt câu chuyện thì tình bạn là ngọn nguồn của mạch chảy đó. Mối tình son sắt giữa các nhân vật ươm mầm, nảy nở trên mảnh đất màu mỡ của tình bạn, đúng như lời của nhà văn “Tình bạn là mảnh đất phù hợp để tình yêu gieo xuống hạt giống của mình”.
Những câu văn nhẹ nhàng, truyền cảm
Một thứ tình cảm nữa người đọc dễ dàng cảm nhận trong thiên truyện này là tình cảm gia đình. Nguyên nhân cho sự mất tích 8 năm ròng của Phúc xuất phát từ tình cảm của cha Phúc dành cho con. Lí do cho hành động đẹp nhất của Phúc ở nửa sau câu chuyện cũng đến từ tình cảm của chàng trai đối với bé Su,.. Câu chuyện ca tụng tình yêu đồng thời ngợi ca tình bạn và trân quý hạnh phúc gia đình. Những tình cảm thiêng liêng này đã tạo nên giá trị cốt lõi cho câu chuyện mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Cuối cùng, dù bao biến cố xảy ra, những nhân vật trong câu chuyện đều tìm được lí tưởng của tình yêu, sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm trong quá khứ của nhau. Và, như một chân lí, “Giải thưởng của tình yêu chính là tình yêu”.
Thủy Tiên
Cùng chuyên mục
Bình luận