“Nghiệp vụ điều tra báo chí liên quan tới buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật” – Cuốn sách “cầm tay chỉ việc” cho sinh viên và nhà báo trẻ
(Sóng trẻ) - Chiều ngày 21/5 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền diễn ra Hội thảo chuyên sâu tham vấn chuyên gia về tài liệu tập huấn với chủ đề “Nghiệp vụ điều tra báo chí liên quan tới buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật”. Đây là cuốn tài liệu chuyên sâu liên quan đến những kĩ năng tác nghiệp trong quá trình thực hiện sản phẩm báo chí điều tra về buôn bán động vật hoang dã.
Buổi hội thảo có sự tham dự của PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang - Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – phóng viên điều tra tại báo Lao Động, nhà hoạt động môi trường Hoàng Bích Thủy – Giám đốc tổ chức Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) chương trình Việt Nam cùng đông đảo giảng viên và sinh viên khoa Phát thanh - Truyền hình.
Mở đầu hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang giới thiệu bố cục của tập tài liệu. Cuốn sách gồm 5 chương: Chương 1 nêu ra vị trí, vai trò của động vật hoang dã, hệ thông pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Chương 2 đề cập thực trạng về hoạt động bảo vệ động vật hoang dã hiện nay. Chương 3 tập trung vấn đề báo chí với hoạt động bảo vệ động vật hoang dã. Chương 4 bàn về những kĩ năng để thực hiện tác phẩm báo chí điều tra về buôn bán động vật hoang dã. Chương cuối cùng trình bày những vấn đề đặt ra cho phóng viên khi thực hiện báo chí điều tra về buôn bán động vật hoang dã, các phương tiện hỗ trợ để họ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình cũng như xây dựng mạng lưới báo chí điều tra trong thực tế hiện nay.
Hội thảo được lắng nghe những nhận xét, đánh giá của nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí điều tra về bộ tài liệu “Báo chí điều tra liên quan tới buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật”.
Nhà báo Khổng Loan nêu ý kiến: “Về mặt nội dung, cuốn sách mang ý nghĩa thực tiễn, thông tin nền tảng hữu ích, các kĩ năng mang tính tiếp có giá trị tham khảo lớn. Tuy nhiên, một số trích dẫn trong tập tài liệu không đúng khoa học cần phải chỉnh sửa”.
Đối với nhà báo Đỗ Trần Quân, ông cho rằng cuốn sách có thể coi là cẩm nang báo chí. Về ưu điểm cuốn sách được soạn thảo một cách công phu, trình bày một cách logic. Nhưng một số nội dung còn viết theo phong cách hàn lâm, có thể bổ sung thêm lời mở đầu nội dung xuyên suốt của tập tài liệu.
Nhìn chung hầu hết nhận xét của các chuyên gia đều đánh giá nội dung tập tài liệu được biên soạn một cách kĩ lưỡng, mang đến những kĩ năng bổ ích cho các nhà báo, sinh viên theo đuổi lĩnh vực báo chí điều tra liên quan tới buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Bên cạnh những ưu điểm, tập tài liệu cũng cần phải xem xét lại về phần trích dẫn nguồn của tập tài liệu và cách bố trí các hình ảnh minh họa.
Cô Nguyễn Thị Thanh Tịnh đọc bản nhận xét của nhà báo gửi đến hội thảo.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đánh giá cuốn sách này không chỉ dành cho các bạn trẻ mới vào nghề mà còn hướng tới đông đảo công chúng. Đây còn là nỗ lực rất lớn của tập thể những người biên soạn khi có những khảo sát rất khoa học. “Tôi nhận thấy cuốn sách mang tính “cầm tay chỉ việc” cho những người làm báo yêu thích về lĩnh vực môi trường” – nhà báo chia sẻ thêm.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nêu ý kiến đóng góp để hoàn thiện tập tài liệu.
Bên cạnh đó, nhà báo cũng cho rằng cuốn sách nên được đầu tư về phần bìa tạo điểm nhấn nổi bật cho người đọc. Anh góp ý rằng có những trang trùng nhau đến từng chi tiết, các tên nước nài phải được phiên âm một cách chính xác. Để cuốn sách có sức ảnh hưởng nên đưa vào lời giới thiệu của các nhân vật quan trọng về lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung và buôn bán trái phép động vật hoang dã nói riêng. Anh mong muốn cuốn sách nên đưa vào thông tin mang tính quốc tế về bảo vệ môi trường.
Buổi hội thảo thực sự đã được lắng nghe những góp ý thẳng thắn, trao đổi thiết thực về nội dung cũng như hình thức của tập tài liệu.
Cuối chương trình PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang đã gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia, nhà báo đã có những nhận xét để tập tài liệu được hoàn thiện hơn.
BBT Sóng trẻ
Cùng chuyên mục
Bình luận