Người giành giật thời gian để viết

(Sóng trẻ) - Trong giới nghiên cứu lý luận báo chí ở nước ta hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Dũng (Viện trưởng Viện nghiên cứu Báo chí – Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) là một trong những nhà nghiên cứu nhiều kinh nghiệm với hàng chục đầu sách đã xuất bản, trong đó có những cuốn đã tái bản nhiều lần.

- Được biết thầy là người viết rất nhiều. Thầy có thể cho biết chính xác số lượng sách mà thầy đã từng viết và đã xuất bản?

- Vâng, quả là tôi viết nhiều. Viết văn, viết báo, viết kịch bản truyền thanh, nghiên cứu khoa học… Trong số đó, nếu chỉ tính những cuốn sách đã được in ra thuộc hai mảng chính là sáng tác và nghiên cứu thì đến nay tôi đã có khoảng ba chục đầu sách…
 
- Trong mảng sách sáng tác, thầy tâm đắc nhất với cuốn sách nào?

- Có lẽ đó là cuốn “Theo vết con hạc cổ”. Sách xuất bản từ năm 1988 với số lượng rất lớn là 40.120 bản, nhiều gấp bốn chục lần so với số lượng xuất bản của một cuốn sách trung bình hiện nay. Sau đó, có thể là cuốn “Người đàn bà trong ngõ hẻm” do nhà xuất bản Lao Động in và phát hành năm 1989… Còn hai tập tiểu phẩm châm biếm do Nhà xuất bản lao Động và Nhà xuất bản Thanh Hóa in năm 1992 và 1993 cũng là những cuốn sách mà tôi thấy tâm đắc...
 
- Còn với mảng sách nghiên cứu lý luận? Thầy bắt đầu in được sách từ bao giờ và đến nay đã có bao nhiêu cuốn về lĩnh vực này?
 
- Nói chính xác ra thì tôi có tham gia nghiên cứu lý luận ở cả hai lĩnh vực văn học và báo chí. Tôi bắt đầu được xuất bản sách trong lĩnh vực này từ năm 1992. Về số lượng thì chỉ mới có tám cuốn. Nếu tính cả số sách tham gia đồng chủ biên thì là mười. Mở đầu là cuốn “Ký báo chí” do Nhà xuất bản Thông tin in năm 1992. Gần đầy nhất, tôi là đồng chủ biên của hai cuốn “Những vấn đề của báo chí hiện đại” và “Phát thanh trực tiếp” do Nhà xuất bản Lý luận chính trị cấp giấy phép xuất bản năm 2007. 

2a2d149dd_pgs.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Dũng
 
- Thầy có thể kể tên một số cuốn sách mà thầy thấy ưng ý nhất trong số những cuốn sách nghiên cứu lý luận đã viết không ạ?
 
- Sách mình viết ra, cuốn nào chả ưng ý. Đã không ưng ý thì không thể cho xuất bản…
 
- Vâng, vậy thì những cuốn mà thầy cho là đáng chú ý hơn?
 
- Có thể lấy ví dụ cuốn sách đầu tiên chẳng hạn. Đó là cuốn “Ký báo chí”. Cuốn sách này xuất bản lần đầu năm 1992. Sau đó, đổi tên lại là “Các thể ký báo chí”. Đến nay nó đã được sửa chữa, bổ sung và tái bản lần thứ sáu. Tôi đang có dự kiến sắp tới sẽ cho tái bản thêm một lần nữa…
 
Một cuốn sách khác mà tôi thấy cũng có thể kể tên là cuốn “Viết báo như thế nào?”. Cuốn này do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin cấp giấy phép xuất bản năm 2001, đến nay cũng đã tái bản lần thứ tư rồi. Cuốn tiếp theo là “Lý luận báo phát thanh”, đã in ra năm 2003, cũng do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin cấp giấy phép. Sách này đề cập đến các thể loại báo chí đang hiện diện trong các chương trình báo phát thanh ở nước ta hiện nay. Tôi cũng đang có dự định tái bản nó trong thời gian tới…
 
- Một số người lại rất thích các cuốn “Sáng tạo tác phẩm báo chí” và “100 câu hỏi về cách viết báo” của thầy. Ý kiến của thầy về vấn đề này như thế nào ạ?
 
- Tôi nghĩ đó cũng là điều bình thường, mặc dù hai cuốn sách đó có cách tiếp cận giải quyết vấn đề khác hẳn nhau. Cuốn “Sáng tạo tác phẩm báo chí” nghiêng về hướng lviệc hướng dẫn các kỹ năng thực hành…  
 
- Xin thầy cho biết: bằng cách nào thầy có thể viết được nhiều như vậy, trong khi thầy vẫn còn phải giảng dạy trong và nài trường? Nài ra lại còn phải tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học?
 
- Nhiều người cũng đã hỏi tôi như thế: lấy đâu ra thời gian để làm được nhiều công việc như thế? Làm sao mà tôi “lấy” được nhiều thời gian hơn người khác? Mỗi ngày chỉ có 24 giờ, thời gian của tất cả chúng ta đều như nhau.
 
Biết nói thế nào nhỉ? Có lẽ là tôi đã tận dụng tối đa thời gian có thể dành cho công việc, thế thôi. Trong thực tế, tôi luôn luôn tận dụng mọi thời gian có thể để làm việc. Nghĩa là hễ cứ có thời gian, dù ở bất cứ đâu là tôi lại tranh thủ làm việc. Viết ngày, viết đêm, viết vào những ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ hè… Viết ở nhà, viết tại các cửa hàng Internet trong những chuyến đi công tác xa…
 
Nhưng như thế thì bản thân mình phải chịu thiệt thòi vì ít khi được nghỉ ngơi, thư giãn. Rồi vợ con cũng phải chịu thiệt theo… (cười). Nhưng đây là một lĩnh vực đa dạng và luôn luôn có sự vận động, phát triển rất nhanh. Nếu mình dừng lại cũng có nghĩa là đã lùi lại.
 
- Nếu không có gì bí mật, xin thầy cho biết hiện nay thầy đang viết những gì và những dự định của thầy trong thời gian tới?
 
- Chẳng có gì bí mật cả. Hiện nay tôi đang chủ trì một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và tham gia một đề tài cấp Bộ khác. Tôi cũng đang chuẩn bị thủ tục cho xuất bản một cuốn sách về “Báo chí và đào tạo báo chí”. Cuốn sách này là tập hợp của một số bài nghiên cứu tôi đã công bố trong khoảng 5 năm qua.
 
Còn về các dự định cho thời gian tới thì cũng chẳng có gì đặc biệt. Tôi vẫn sẽ tiếp tục làm việc như hiện nay. Nài công việc chuyên môn, tôi sẽ cố gắng để tổ chức, tập hợp để xuất bản một vài cuốn giáo trình của chuyên ngành Phát thanh.
 
- Xin được hỏi câu cuối cùng: nếu cần có một lời khuyên đối với những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy báo chí, thầy sẽ nói gì?
 
- Tôi chỉ mới làm được vài việc nhỏ, viết được vài cuốn sách thì có gì để mà dám khuyên bảo người khác? Cứ nhìn lên các thầy giáo cũ như các giáo sư: Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Đỗ Văn Khang, Hoàng Như Mai, Mã Giang Lân… Các thầy ấy đã viết ra hàng trăm cuốn sách có giá trị… Chỉ cần nhìn lên các thầy là sẽ thấy ngay rằng mình có là cái gì đâu?
 
Tôi không dám khuyên ai, chỉ tự nhắc mình: cứ làm việc bằng tất cả khả năng và sức lực; cứ viết bất cứ cái gì mà mình thấy cần phải viết hoặc muốn viết… Mà bây giờ có muốn dừng lại cũng không được nữa.
 
Nhiều khi tôi có cảm giác mình giống như một con tàu đang ở trên đường ray. Cứ thế mà chạy, chạy đến khi nào không thể chạy được nữa thì dừng lại, chạy đến hết đời! Thời gian của mình không có nhiều nên phải tìm mọi cách giành giật lấy nó để mà viết…
 
 Xin cảm ơn thầy về cuộc trao đổi rất thú vị này!
                                                                            
 
Thanh Huyền (thực hiện)
Nguồn: Lamthanhkytu.com ( Blog của PGS, TS. Nguyễn Đức Dũng).

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN