Người trẻ làm hoạt động cộng đồng để “ươm mầm xanh tâm hồn”
(Sóng trẻ) - Những hoạt động cộng đồng ý nghĩa được thực hiện bởi dự án “Nuôi em” ngày càng lan tỏa giá trị tích cực. Là một trong những người điều hành dự án, bạn Trần Thị Thu Hương đang chung tay với các thành viên dự án xây dựng một cộng động những người trẻ làm thiện nguyện nhân văn.
Hoạt động cộng đồng là cách để tìm thấy giá trị của bản thân
- Vào năm 2018 khi còn là sinh viên năm 2, bạn từng giữ vị trí Phó Ban Tổ chức của chiến dịch “Hà Nội ấm” cũng như tham gia nhiều hoạt động cộng đồng khác. Tại sao bạn quyết định tham gia các dự án đó?
Khoảng 6 năm trước, tôi đứng lên tổ chức một số hoạt động cộng đồng với mong muốn các bạn sinh viên có những trải nghiệm đáng nhớ và cải thiện các mối quan hệ. Sau quãng thời gian đó, tôi phải tập trung cho việc học, tưởng chừng mình sẽ khép lại câu chuyện hoạt động cộng đồng. Nhưng tình cờ trong hoạt động cuối mà tôi tham gia là “Hoạt động tình nguyện quốc gia” do Trung tâm Tình nguyện Quốc gia tổ chức, tôi gặp được anh Hoàng Hoa Trung (người sáng lập lên dự án “Nuôi em”).
Sau cuộc gặp gỡ đó, tôi quyết định dành 2 năm thanh xuân tham gia những hoạt động cộng đồng để khi mình già đi, nghĩ lại sẽ không nuối tiếc. Đến thời điểm hiện tại là hơn 3 năm tôi gắn bó với hoạt động cộng đồng, chắc là do đi nhiều nên quen chân rồi, thế nên tôi cảm thấy mình cũng có duyên với nghề đến thời điểm này.
- Tại sao bạn tham gia dự án “Nuôi em” cùng quyết định gắn bó lâu dài?
Trước đây ngôi trường cấp 3 tôi theo học không có nhiều phong trào nên không được trải nghiệm hoạt động tình nguyện nhiều. Khi lên đại học, tôi tham gia đội sinh viên tình nguyên lên trên hồ nhặt rác, nhổ cỏ… mọi người hay nói là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Việc tham gia hoạt động cộng đồng đem lại giá trị cho riêng bản thân tôi, từ câu chuyện đấy gieo cho tôi mong muốn làm các hoạt động cộng đồng để tạo nên những giá trị mà tôi đã được nhận. Khi có lời đề xuất làm Phó Ban Tổ chức chiến dịch “Hà Nội ấm”, tôi liền đồng ý tham gia. Và cho tới thời điểm này, tôi cảm thấy rất may mắn và tự hào với những gì bản thân đã làm được.
Tuổi thanh xuân không lãng phí
- Để thực hiện thành công các dự án hoạt động thiện nguyên nói chung và dự án “Nuôi em” nói riêng, bạn cùng các cộng sự đã đối mặt những thử thách nào?
Gia đình là khó khăn lớn nhất và tôi cần phải vượt qua, khi bạn bè đồng trang lứa tập trung cho tương lai, sự nghiệp, nghe được quyết định tôi đưa ra thời điểm đó bố mẹ không có nhiều sự tin tưởng. Mức lương của tôi cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng một tháng, đã nhiều lần phải cũng tự nhủ bản thân rằng, đi thực tập thì mức lương cũng chỉ được như thế thôi.
Những ngày đầu vào dự án, là cô sinh viên hơn 20 tuổi đi làm việc với toàn anh chị ở phòng giáo dục nên việc thiếu kinh nghiệm làm việc với các thầy cô, cán bộ ở địa phương là điều không thể tránh khỏi. Công tác quản lý để làm rõ ràng và minh bạch số liệu cho cộng đồng tin tưởng vô cùng phức tạp khi nhân sự không đủ để đáp ứng đầu việc.
Trong giai đoạn đầu tiên, tôi chưa có kinh nghiệm để làm việc với các đơn vị địa phương. Dần dần, vừa làm vừa học hỏi rồi tôi cũng được hỗ trợ từ anh Hoa Trung, các anh chị đi trước, mọi chuyện thuận buồm xuôi gió, việc làm thế nào để rõ ràng và minh bạch con số nhất tạo sự tin tưởng cho cộng đồng cũng cải thiện hơn.
- Có khó khăn nào trong hành trình “Nuôi em” khiến bạn cũng như toàn bộ dự án phải dừng toàn bộ kế hoạch hay chưa?
Khoảng thời gian đầu năm học tôi sẽ cần phải tiếp nhận danh sách của các bạn học sinh để làm ảnh thẻ cho các bạn trên mạng xã hội có những thời điểm thứ tự của ảnh bị các thầy cô đánh sai, nó sẽ lệch cả một danh sách, tôi bắt buộc phải làm lại từ đầu, có thời điểm chúng tôi phải làm lại vài nghìn thông tin trong thời gian ngắn.
Lương của tôi mang tính thời điểm, tôi cũng không đặt nặng vấn đề thu nhập của mình. Nếu ở thời điểm được mọi người yêu thương nhiều, có nhiều anh chị hỗ trợ thì mức lương ổn định còn thời điểm khủng hoảng như dịch COVID - 19 bùng phát thì anh Hoa Trung sẽ phải tự bỏ tiền túi để trả lương cho nhân sự.
- Hành trình mang lại cảm xúc đặc biệt nhất cho bạn trong các chuyến đi của “Nuôi em”?
Dù đã đi nhiều nơi, mỗi địa điểm tôi được tiếp cận với những hoàn cảnh khác nhau khiến từng câu chuyện đều mang đến cảm xúc riêng biệt. Tôi nhớ lần đầu tiên khi chính thức tham gia vào dự án, trong chuyến đi thăm nhà một bạn trong chuyến khảo sát hỗ trợ nhà hạnh phúc. Căn nhà bình thường sẽ có 4 bức tường, nhưng căn nhà của bạn ấy chỉ có 3 bức tường còn đằng trước không có gì hết. Nội thất bên trong chỉ có những thanh tre xếp lại thành giường, một nồi cơm và một ít quần áo, gia đình chỉ có một loại gia vị là muối, khi tôi mở nồi cơm ra thì chỉ có một ít bí đỏ, 3 con dế và một chút bí đỏ cộng với nước lọc hoặc nước lã. Trong gia đình không có 1 gia vị gì ngoài muối. Cơm là cơm ở trên nương nên màu sẽ đậm hơn bình thường. Tôi nghĩ rằng cuộc sống như vậy quá khổ cực và các bạn nhỏ đấy rất cần được hỗ trợ.
- Phụ huynh của học sinh có bị phụ thuộc vào dự án “Nuôi em” cách để giải quyết vấn đề này?
Tiền ăn cho các em, chúng tôi thống nhất vẫn đang giữ một mức chi phí cố định. Ở ngoài Bắc sẽ là 150 nghìn/tháng, khu vực Tây nguyên sẽ là 170 nghìn/tháng. Cốt lõi của việc đảm bảo mức độ chi phí cho các em thấp là để phụ khuynh thay đổi ý thức, trách nghiệm hơn với con cái của mình. Vì ngày xưa nhà nước hỗ trợ rất nhiều, phần lớn các bậc cha mẹ sẽ phụ thuộc vào nhà nước. Đến thời điểm khu vực đó lên nông thôn mới, gia đình họ không cho con đi học nữa để chống đối vì nhà nước cắt giảm chế độ. Thầy cô vô cùng vất vả trong công tác vận động cộng đồng, vận động các hộ gia đình. Ngày trước nhà nước hỗ trợ 20.000 nghìn đồng bây giờ bọn tôi hỗ trợ 8.500 nghìn đồng, phụ khuynh sẽ hỗ trợ thêm rau, củ, quả… hay công sức của mình. Theo thời gian họ có ý thức trong trách nghiệm ăn uống của con nhỏ mình hơn. Đấy là mong muốn sâu xa chúng tôi muốn mang lại nhằm thay đổi nhận thức của thầy cô là câu trả lời tại sao vẫn chỉ giữ một mức độ chi phí tương đối thấp mà không tăng cao.
- Dự án “Nuôi em” ngày càng phát triển và phủ sóng ra cả nước, bạn cùng các thành viên đã gặp phải trở ngại nào trong việc đảm bảo quyền lợi cho các em?
Hiện tại có 12 tỉnh đang có sự góp mặt của “Nuôi em”, trong Tây nguyên gồm Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, ngoài Bắc - Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hòa Bình. Chúng tôi đang mong muốn mở rộng thêm và đã liên hệ với Đắk Nông. Tôi không hy vọng mình sẽ tìm được thêm, bởi việc tìm được các em cần được hỗ trợ đồng nghĩa việc các bạn học sinh đang gặp khó khăn sẽ tăng lên. Hiển nhiên với những người làm hoạt động cộng đồng như tôi sẽ không muốn điều đó xảy ra vì khi tim được thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn, nghĩa là vẫn còn sự thiếu thốn tồn tại trong cuộc sống của các học sinh.
Tại nhiều địa điểm, gia đình các em muốn tiếp nhận nguồn kinh phí chu cấp một cách trực tiếp chứ không muốn đưa cho các thầy cô để nấu ăn cho các em. Khi tiền đã gửi cho phụ khuynh để đóng lại cho thầy cô sẽ không rõ ràng, thế nên công tác thực hiện sẽ phát sinh vấn đề và phải làm việc với nhiều bên mới đưa ra quyết định có hỗ trợ được các bạn ở khu vực đấy hay không. Theo tôi thống kê, ít nhất là khoảng 20.000 nghìn bạn học sinh trên cả nước cần được hỗ trợ nhưng chúng tôi chưa tiếp cận được đến hoặc đã tiếp cận được nhưng mà địa phương chưa thật sự muốn hợp tác, con số đấy có thể lớn hơn thế nhiều lần.
Lan tỏa những điều ý nghĩa tới cộng đồng
- Từ khóa “Nuôi em” đã trở nên thịnh hành trên khắp các nền tảng mạng xã hội sau khi MV “Nấu ăn cho em” của nghệ sĩ Đen Vâu được công chiếu. Nhiều người cho rằng MV là một trong những mục tiêu cụ thể của dự án. Chị có chia sẻ gì trước ý kiến này?
Khi tôi nhận được thông tin anh Đen sẽ lên thăm các bạn học sinh, tôi rất vui vì được gặp gỡ và trực tiếp đưa anh đi thăm các bạn học sinh, bởi vì anh hỗ trợ điểm Sà Phìn (Hà Giang) cách đây 3-4 năm rồi. Sau khoảng thời gian đồng hành cùng dự án “Nuôi em”, hỗ trợ các bạn học sinh thì anh mới quyết định lên thăm các bạn ấy.
Trước thời điểm đi khoảng nửa tháng, anh Đen có suy nghĩ sẽ làm một bài hát khi lên thăm các bạn ấy, và mong muốn quay lại những hình ảnh trong xuyên suốt chuyến đi. Bài hát là câu chuyện tại sao mình phải luôn luôn chờ nguồn ngân sách trong khi mình có thể làm một điều gì đấy từ tế dành cho các bạn học sinh. Bài hát được hoàn thành trước 3-4 ngày và thu âm ngay sau đó. Ca sĩ hát điệp khúc là PiaLinh được tìm thấy vào trước thời điểm xuất phát, làm cho bài hát thể hiện được đúng thông điệp anh Đen và dự án muốn truyền tải đến khán giả. Hình ảnh các bạn tự bày biện bữa ăn, dọn và mang thức ăn thừa về nhà để cho bố mẹ, các em ở nhà… làm anh Đen rất xúc động.
- Sau khi MV “Nấu cơm cho em” ra mắt, dự án “Nuôi em” được lan tỏa rộng rãi bạn cảm thấy thế nào vào thời điểm đó?
Sau 1 tháng MV phát hành đem lại hiệu ứng rất là lớn. Thứ nhất, nguồn thu từ MV đã hỗ trợ xây được 2 trường học. Con số thu về đâu đấy khoảng hơn 500 triệu và hiệu ứng truyền thông của MV ít nhất là 30 nghìn em học sinh được nhận hỗ trợ lúc đầu là chỉ có khoảng 10 nghìn thôi. Sau đấy càng mở rộng, được mọi người biết đến nhiều. Lần đầu tiên nhóm phát gần hết số lượng mã (95%) của năm học này, mọi khi dự án phải phát sang kỳ 2 mới hết, tầm khoảng tháng 3. Còn năm nay chính xác là do dự vậy không đẩy hết đi bởi vì nó còn liên quan đến câu chuyện thông tin học sinh đầu năm phải chốt lại thế nên tôi phải bớt lại khoảng 20% để tránh tăng giảm học sinh khi chị tiếp nhận thông tin chốt. Khoảng tháng 7 vừa rồi, dự án đã phát hết thông tin, số lượng mã cần.
Đồng thời, kinh phí cần cho năm học tới đã hoàn thiện được 60%. Đây là những điều tôi nghĩ nếu không có anh Đen thì chắc là dự án sẽ không có được những điều đấy nhưng nhóm cũng rất tự tin về những dự án đang làm. Dự án đã may mắn được mọi người yêu thương nhiều hơn đồng nghĩa với điều đấy các bạn học sinh cũng được quan tâm nhiều hơn.
Tôi nhận thấy thông qua những dự án của “Nuôi em” nhiều chuyến du lịch tình nguyện, lên núi nấu ăn cho các cháu một bữa cơm đã trở thành những hoạt động ý nghĩa cho cộng đồng. Tôi mong rằng sẽ có sự kết nối giữa các nhóm cộng đồng để “Nuôi em” biết thêm đến những khu vực để đề xuất với địa phương hỗ trợ cho các bạn học sinh. Từ đấy, dự án cũng kết nối được vài đơn vị ở địa phương. Ví dụ như Hà Giang, nhờ thầy giáo làm TikTok chia sẻ những hình ảnh khó khăn của các bạn học sinh, nhờ đó hỗ trợ được hơn 1400 bạn học sinh ở tỉnh.
- Là Phó chủ nhiệm dự án “Nuôi em”, trong tương lai, bạn mong muốn thúc đẩy hoạt động tình nguyện nói chung và các dự án song song ra sao?
“Nuôi em” là dự án xương sống được biết đến rất nhiều. Song song với đó chúng tôi còn phát triển những dự án khác về xây dựng, xây cầu, xây nhà hạnh phúc cho các bạn mồ côi. Đồng thời, có những dự án về tặng laptop cho các bạn sinh viên cho dân tộc thiểu số học ở trên Hà Nội. Để hỗ trợ các mặt khác về đời sống cho các bạn đang gặp khó khăn.
- Mong muốn của cá nhân bạn trong việc thúc đẩy các hoạt động cộng đồng?
Tôi mong muốn rằng các bạn sinh viên nếu được hãy nhìn lại những khoảng thời gian vừa qua mình đã thật sự sống một cách tử tế hay chưa. Và hy vọng mỗi bạn hãy sống thật lành mạnh, tích cực. Nếu như có mong muốn làm các hoạt động cộng đồng thì hãy thử thực hiện.