Người trẻ nghĩ gì về “phượt văn minh”?
(Sóng Trẻ) - Các phượt thủ mang trong mình niềm yêu thích chinh phục mọi nẻo đường, và cần hơn hết là ý thức bảo vệ các địa điểm họ đặt chân đến với tâm thế là những phượt thủ văn minh.
Đi cùng với sự phát triển như vũ bão của các loại hình “phượt” – một hình thức du lịch tự túc đang trở nên vô cùng thịnh hành trong giới trẻ - là sự đi xuống trầm trọng của môi trường sinh thái ở các địa điểm được lựa chọn là đích đến của những chuyến đi này. Ý thức của phượt thủ - cái mà người ta nhắc đến nhiều trong thời điểm hiện tại – là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển vững bền của các địa điểm du lịch.
Nguyễn Văn Hân (sinh viên trường Đại học Điện Lực): “Mình đến nơi đó và mình mang đi tất cả, trừ những dấu chân…”
“Mỗi địa điểm mình đi qua đều là nơi có phong cảnh đẹp, tuy nhiên con người lại chưa bảo vệ điều đó. Các phượt thủ vẫn chưa có ý thức cao trong việc giữ gìn vệ sinh nơi các bạn đặt chân đến. Một số bạn còn thản nhiên xả rác khiến cho môi trường nơi đây không như những gì nó vốn có, làm cho nó ngày càng trở nên mất mỹ quan.
"Còn về chuyện phượt thủ trộm hoa màu, làm ồn quá mức tại các địa điểm du lịch, mình có nghe và cũng từng bắt gặp chuyện này. Tuy nhiên, không thể quy chụp điều đó trở thành bộ mặt đại diện cho toàn bộ các phượt thủ. Ở đâu cũng có người này người nọ, phượt thủ cũng vậy, mỗi người có một suy nghĩ. Quan điểm của mình cũng như của rất nhiều những phượt thủ chân chính khác là mình đến nơi đó và mình mang đi tất cả, trừ những dấu chân. Niềm vui của mình là khám phá cái mới trên mỗi cung đường, chứ không phải là hủy hoại tự nhiên.
“Theo mình thì điều cần nhất bây giờ là tuyên truyền qua các trang mạng xã hội, tổ chức những chương trình dọn dẹp ở các địa điểm như vừa rồi Trung ương Đoàn đã tổ chức Chủ nhật xanh tại Hàm Lợn – một chương trình mình đã tham gia và cảm thấy thật sự có ý nghĩa.”
Đinh Thị Bích, (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) : “…nhiều bạn không có ý thức trong việc bảo vệ môi trường…”
“Mình thấy là phượt bây giờ ngày càng phổ thông và người đi phượt thì lại càng đa dạng. Những người đi phượt không phải là những dân phượt chuyên nghiệp nữa mà đa phần là các bạn trẻ, họ tham gia với tâm thế a dua theo trào lưu, thích là đi, chơi là chính… có rất nhiều người không có kinh nghiệm về ăn uống, đi lại. Nhiều bạn coi việc đi phượt ở một nơi xa là một thú vui, còn mình muốn làm gì ở nơi đó cũng không ảnh hưởng đến ai, do đó không có ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Đó là một thực tế đáng buồn, nếu muốn biến những chuyến đi của mình thực sự trở nên ý nghĩa thì theo mình nghĩ những người đi phượt cần chuẩn bị mọi thứ kỹ càng về nơi ăn chốn ở, cần trang bị ý thức lịch sự, bảo vệ môi trường.”
Nguyễn Ái Loan (sinh viên trường đại học Hồng Đức): “Sự văn minh của phượt thủ thể hiện qua cách họ đối xử với những địa điểm họ đi qua.”
“Sự văn minh của phượt thủ thể hiện qua cách họ đối xử với những địa điểm họ đi qua. Mình thấy có rất nhiều đoàn phượt kết hợp được các hoạt động làm sạch môi trường hoặc thiện nguyện, điều đó chứng tỏ rất nhiều những phượt thủ có tấm lòng rất đáng hoan nghênh. Đa số phượt thủ là các bạn trẻ nên họ còn mải chơi, chưa suy nghĩ thấu đáo về những hành động của mình mà chỉ thỏa mãn thú vui tạm thời.
“Mình tin, những hành động xấu mà hiện nay phượt thủ đang làm chỉ là một mảnh ghép tối màu rất nhỏ trong bức tranh phượt hiện nay, và những hành động xấu đó sau khi bị lên án thì cũng sẽ giảm đi nhiều.”
Hoàng Hương Quỳnh - cô bạn từng có chuyến đi xuyên Việt, phượt đêm xe đạp quanh Hà Nội: “Mình thấy rất nhiều bạn trẻ theo trào lưu phượt theo đám đông mà chưa thực sự hiểu ý nghĩa của phượt.”
“Từ "phượt" đúng nghĩa đang dần bị biến tướng bởi các bạn trẻ. Một bộ phận các bạn trẻ lấy đó giống như xu hướng mà không hiểu rõ bản chất của "phượt" là gì. Họ đi phượt chủ yếu để khoe ảnh, sống ảo nhiều hơn là đến đó để tìm hiểu văn hoá, vẻ đẹp vùng miền.
“Ý thức của các bạn trẻ ngày nay thực sự khiến mình thấy ái ngại. Họ xả rác bừa bãi, thậm chí có những người bẻ cành, hái hoa, phá hoại cảnh quan môi trường.”
Nguyễn Tiến Hiệp (Nhân viên văn phòng): Phượt thủ chân chính sẽ không có hành động vô ý thức
Việc các phượt thủ có hành động gây mất mỹ quan như dẫm lên hoa, vứt rác bừa bãi… khiến nhiều người phẫn nộ. Tuy nhiên không phải ai cũng như vậy, nó chỉ tồn tại ở một bộ phận nhỏ dân phượt.
Những nơi mình và đoàn phượt đi đến đều chấp hành tất cả những quy định về môi trường, bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên, chưa bao giờ thấy mọi người ném rác bừa bãi hay dẫm lên hoa, lên cỏ cả. Khi ăn uống xong, các thành viên trong đoàn đều có ý thức dọn dẹp rác và vứt vào đúng nơi quy định chứ không phải để nhắc nhở. Tất cả đều phải chung tay vì một môi trường xanh- sạch- đẹp, vì cuộc sống của chúng ta hôm nay, ngày mai và tương lai. Nếu bạn nào có những hành động chưa đẹp ấy thì nên nhìn nhận, chấn chỉnh lại ý thức của bản thân mình xem đã có ý thức hay chưa, đã có tinh thần bảo vệ tự nhiên hay chưa bởi phượt thủ chân chính là người mà: không để lại gì nài dấu chân, không mang về gì nài những tấm ảnh.
“Phượt văn minh”
Liệu những khu rừng, những ngọn núi có mãi tươi xanh, những bãi biển, những hồ nước có mãi trong vắt cho chúng ta ngao du thưởng nạn và “tự sướng” mà quên đi việc bảo vệ môi trường, hay chí ít là bảo vệ danh dự của những người “biết đi du lịch”.
Đừng để danh xưng phượt thủ chỉ được nhắc đến với những chỉ trích tiêu cực. Nét đẹp có thừa, cớ sao chúng ta chỉ trưng ra cái xấu. Con người văn minh, đi “phượt” cũng phải văn minh!
Hoài Thu
ĐPT K34 A2
Cùng chuyên mục
Bình luận