Nguồn gốc ngày Valentine Trắng - lễ tình nhân thứ 2 của Đông Á
(Sóng trẻ) - Những ngày gần đây, các cửa hàng ở Tokyo dần trưng bày chocolate trắng và các loại quà tặng đựng trong hộp trắng nhân dịp ngày Valentine trắng.
Vào ngày 14/3, người dân ở Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc sẽ kỷ niệm ngày lễ tình nhân thứ hai, được gọi là Valentine Trắng (White Day). Trong khi ngày Valentine ở phương Tây là dịp phụ nữ tặng chocolate và quà cho người đàn ông, thì ở Nhật Bản và một số quốc gia khác, dịp lễ này có chút khác biệt.
Ngày Valentine Trắng là ngày những người đàn ông tặng chocolate cho những phụ nữ mà mình yêu quý. Theo Bộ Thương mại Mỹ, ngày Valentine Trắng bắt nguồn từ một cửa hàng bánh kẹo nhỏ tên Ishimura Manseido ở vùng Hakata vào những năm 1970.
Năm 1977, chủ cửa hàng là Zengo Ishimura đang đọc tạp chí để tìm cảm hứng thì phát hiện lá thư của một người phụ nữ: “Thật không công bằng khi đàn ông nhận chocolate từ phụ nữ vào ngày lễ tình nhân nhưng họ không đáp lại. Tại sao họ không tặng chúng tôi một cái gì đó? Một chiếc khăn tay, hay thậm chí là kẹo dẻo…”
Ishimura cho rằng phụ nữ sẽ rất vui khi nhận được quà đáp lại từ ngày Valentine Đỏ, tại sao không tạo ra một ngày đặc biệt dành cho nam giới để họ có thể bày tỏ tình cảm của mình? Đồng thời, công ty cũng tạo ra một loại kẹo mới làm từ kẹo dẻo với chocolate ở bên trong dành riêng cho dịp lễ này.
Ngay sau đó, Ishimura tổ chức cuộc họp toàn nhân viên cửa hàng để ấn định ngày 14/3 thành ngày Valentine Trắng. Năm 1978, với sự hợp tác của một cửa hàng bách hóa địa phương tên Iwataya, ngày Valentine Trắng đầu tiên được tổ chức, nhưng dưới cái tên “Ngày kẹo dẻo”. Cửa hàng sau đó đã đổi tên thành “ngày Valentine Trắng”. Đến những năm 1980, ngày Valentine Trắng đã lan rộng khắp Nhật Bản. Đài Loan và Hàn Quốc cũng áp dụng phong tục này.
Ngày nay, dịp lễ này đã xuất hiện tại Việt Nam nhưng vẫn chưa thực sự phổ biến. Tuy nhiên, giới trẻ cũng mong muốn có ngày này để nói lời yêu thương với “nửa kia” của mình.
Nguồn: Forbes