NGƯT Quốc Phòng: "Nghệ thuật chèo vẫn còn chỗ đứng trong lòng khán giả"

(Sóng trẻ) - NSƯT Quốc Phòng - Trưởng đoàn 1 Nhà hát Chèo Hà Nội, hiện là một trong những nghệ sĩ trẻ tài năng với 5 Huy chương Vàng tại các kỳ hội diễn và liên hoan chuyên nghiệp Sân Khấu Chèo Toàn quốc. Trên con đường theo đuổi nghệ thuật chèo truyền thống, anh đã gặt hái thành công vang dội và trở thành tấm gương sáng về tinh thần cống hiến và nhiệt huyết. Nghệ thuật Chèo - một loại hình truyền thống đặc sắc của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong thời đại mới. Tuy nhiên, với niềm đam mê và tâm huyết của những nghệ sĩ như NSƯT Quốc Phòng, nghệ thuật Chèo vẫn gìn giữ được vị trí trong lòng khán giả.

Hành trình “bén duyên” và theo đuổi nghệ thuật Chèo

Là một nghệ sĩ “gạo cội” trong nghề, vậy cơ duyên nào đã đưa anh đến với bộ môn Chèo? 

Tôi sinh ra và lớn lên tại cái nôi của nghệ thuật Chèo. Đó là quê hương Thái Thụy - Thái Bình. Từ thuở nhỏ, tôi đã được theo mẹ đi xem các cô chú ở trong làng của mình diễn văn nghệ và tôi được nghe rất nhiều những bài hát Chèo trên Đài tiếng nói Việt Nam. Dần dần những làn điệu Chèo đã thấm vào máu thịt tôi. Chính vì đã “trót yêu” nghệ thuật Chèo, tôi quyết tâm theo đuổi bộ môn nghệ thuật ấy, góp phần gìn giữ và phát huy di sản văn hóa quý báu của dân tộc. 

Anh đã gắn bó với nghệ thuật Chèo từ thuở ấu thơ và gặt hái cho riêng mình vô số giải thưởng cao quý. Vậy thì trên con đường theo đuổi bộ môn nghệ thuật Chèo anh đã gặp những khó khăn như thế nào? 

Khó khăn lớn nhất là tôi mồ côi bố mẹ từ bé. May mắn thay, tôi được cô chú ở quê nhận làm con nuôi và đưa lên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thái Bình để thi tuyển vào lớp Chèo. Từ đó, cơ duyên với nghệ thuật Chèo bắt đầu nảy nở trong tâm hồn tôi.

Để được đi học thì vấn đề kinh tế tài chính là điều rất khó khăn. Hồi đấy hoàn cảnh gia đình nghèo lắm, đi học phải làm thêm kiếm từng bữa một. Nhiều hôm, tôi phải nhịn đói để dành tiền đi học. Nói chung, tôi phải tự lập hoàn toàn trong mọi việc, từ việc học hành đến kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Bù lại, tôi may mắn có được giọng hát. Nhờ đó, tôi vừa đi làm vừa đi học, tự kiếm thu nhập để trang trải cho việc học hành. 

anh-1-2.jpg
Nghệ sĩ ưu tú Quốc Phòng - Gương mặt tài năng của sân khấu chèo. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

 

Có thể nói những ngày tháng đầu tiên là những ngày tháng rất khó khăn. Vậy thì anh đã bắt đầu học Chèo như thế nào?

Những ngày tháng đầu tiên bước chân vào con đường nghệ thuật Chèo, chủ yếu là tôi  học Chèo qua những chương trình phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi thường nghe Chèo của các nghệ sĩ nổi tiếng như: Nghệ sĩ Văn Chương, nghệ sĩ Khác Tư, nghệ sĩ Minh Thu, Ánh Điện… Tôi chắt  lọc học những cái hay, cái đẹp của các nghệ sĩ nổi tiếng ấy để dần dần hình thành nên phong cách hát Chèo riêng của mình.

Có thể nói, những người nghệ sĩ trên sóng radio thời ấy chính là những người thầy đầu tiên dìu dắt tôi trên con đường nghệ thuật Chèo đầy thử thách nhưng cũng vô cùng vinh quang. 

Bước qua khó khăn để chinh phục đam mê

Năm 2009, sau khi đạt được huy chương vàng với vai diễn Quang Trung - Nguyễn Huệ trong Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc tại Quảng Ninh thì việc đầu tiên mà anh làm đó là anh ra mắt đĩa CD “Đoạn trường chông chênh”. Vậy đĩa CD ấy có ý nghĩa như thế nào đối với anh?

Mặc dù Album “Đường trường chông chênh” đã đánh dấu bước ngoặt đầu tiên trong sự nghiệp ca hát của tôi, nhưng giọng hát lúc bấy giờ của tôi vẫn còn mộc mạc, chưa có nhiều kỹ thuật. Lúc ấy tôi hát bằng cái lực, cái tâm của mình là chính. May mắn rằng album “Đường trường chông chênh” đã đặt doanh thu tốt và được khán giả đón nhận. Họ nghe và lại thấy yêu mến, ấn tượng với chính giọng hát mộc mạc, trong sáng ấy.

Để có thể bước đến danh hiệu nghệ sĩ ưu tú như bây giờ thì anh Quốc Phòng đã phải trải qua một giai đoạn rất nhiều khó khăn. Vậy có bao giờ anh cảm thấy là mình muốn từ bỏ con đường này để bước sang một cái chặng đường khác?

Nhiều giai đoạn tôi cũng lung lay muốn bỏ nghề, nhưng chắc do cái “nghiệp” của mình rồi. Tổ nghề đã giao cho mình cái trọng trách là gìn giữ bộ môn này, cho nên là tôi không thể nào mà bỏ được. Nghệ thuật Chèo là xương tủy máu thịt của tôi, tôi không thể rời xa nó được. Hiện tại, tôi đang sống được bằng nghệ thuật này thì tôi phải biết ơn. Biết ơn tổ nghề đã ban tặng cho tôi giọng hát, sức diễn và cơ duyên để gắn bó với nghệ thuật Chèo. 

Để đáp lại những đặc ân đó thì tôi phải quyết tâm, cố gắng và nỗ lực, trau dồi hơn nữa và quyết tâm gìn giữ cái bộ môn nghệ thuật này cho đến lúc mà không còn hơi sức, không còn sức lực nữa thì thôi. 

Thưa nghệ sĩ Quốc Phòng, nếu để miêu tả ngắn gọn con đường nghệ thuật Chèo của mình bằng một từ hoặc cụm từ thì đó là gì?  

Thời điểm mới bước vào nghề, đúng như tên album đầu tay của tôi - "Đường trường chông chênh" là cụm từ miêu tả chính xác nhất. Sinh ra trong gia đình khó khăn, thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, tôi đã phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Vừa đi học, vừa phải làm thêm để kiếm sống, có những ngày phải nhịn đói để theo đuổi đam mê. Thời sinh viên cũng đầy vất vả, thiếu thốn, tôi phải tự lập hoàn toàn mọi thứ.

Nhưng chính những khó khăn đó đã tôi luyện ý chí và nghị lực, giúp tôi thêm trân trọng con đường mình đã chọn. Và hiện tại, sau nhiều năm theo đuổi nghệ thuật Chèo, tôi luôn tự hào rằng mình đã sống được bằng nghề và tự tin nói rằng: “Đường trường ấy đã bớt chông chênh”. 

anh-2-2.jpg
Nhờ tài năng và sự nỗ lực, nghệ sĩ chèo Quốc Phòng đã gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

 


Sau khi nhìn lại và bước qua giai đoạn khó khăn như vậy, đến hiện tại, anh cảm nhận như thế nào về hành trình nghệ thuật mình theo đuổi? 

Nhìn lại hành trình theo đuổi đam mê, tôi cảm thấy vô cùng trân trọng những gì mình đã có. Khó khăn mà tôi đã trải qua như những viên đá mài dũa, giúp tôi trưởng thành và ngày càng hoàn thiện. 

Bây giờ thì tôi cảm thấy rất hài lòng với con đường của mình, hài lòng với những cái thành quả mà mình đã đạt được. Và tôi thấy vô cùng may mắn khi mà được nhiều khán giả, kể cả những khán giả lớn tuổi, khán giả trẻ tuổi cũng rất yêu mến tôi, cũng như yêu mến bộ môn nghệ thuật chèo này. Vì thế mà cho đến thời điểm hiện tại tôi cảm thấy rất là yên tâm khi mà thấy nghệ thuật chèo vẫn vững vàng và được khán giả đón nhận. Đó chính cũng chính là động lực to lớn để tôi tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật Chèo.

Với tôi, nghệ thuật Chèo là một phần không thể thiếu và tôi tự hào khi kiếm sống được bằng nghề truyền thống này, bằng chính tài năng và sức lực, giọng hát của mình.

Khi nhận được danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú thì anh cảm thấy danh hiệu này có ý nghĩa như thế nào đối với mình? 

Bản thân của tôi cho rằng, danh hiệu NSƯT là một danh hiệu vô cùng quý giá, nó là sự khẳng định cũng như cái sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và của nhân dân đã dành cho tôi. 

Theo anh, danh hiệu như NSND, NSƯT có phải là mục tiêu lớn nhất của người nghệ sĩ không?

Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú hay nghệ sĩ nhân dân là niềm vinh dự, sự ghi nhận cao quý của Nhà nước và nhân dân đối với những cống hiến của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, đó không phải là đích cuối cùng của các nghệ sĩ nên hướng đến. Mục đích cao nhất của người nghệ sĩ, theo tôi, chính là làm sao chinh phục được trái tim khán giả bằng chính tài năng và tâm huyết của mình.

Người nghệ sĩ mà được công chúng yêu mến, đón nhận, được trân trọng bởi những cống hiến tâm huyết của mình thì đó mới chính là danh hiệu cao quý nhất, là thành công lớn nhất của đời người nghệ sĩ.

Có rất nhiều những sản phẩm nghệ thuật Chèo đổi mới nhưng lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Anh nghĩ sao về điều này?

Tôi nghĩ rằng là có thể đổi mới nhưng mà vẫn phải giữ cái gốc của Chèo và mình làm nó hay hơn. Cái cốt cách của Chèo ở đây chính là những cái luyến láy, nhả chữ, nảy tiếng đặc trưng trong chèo. Đó là những điều mình cần phải giữ nguyên. Tại vì cái hay nhất của chèo là cái vang rền nền nảy. Từ những cái đó, mình chỉ cần tìm cách để nhả câu chữ sao cho nó đẹp hơn, hát sao cho văn minh hơn và thẩm mỹ hơn chứ không thể bỏ được cái gốc của chèo.

Giống như các cụ ngày xưa, sân khấu cũng chỉ cần cái manh chiếu là đã diễn được rồi, trang phục của các cụ ngày xưa nó cũng mộc mạc. Nhưng bây giờ đối tượng khán giả hiện nay có yêu cầu cao hơn và để thu hút người xem thì mình phải làm trang phục đẹp hơn, nó sang trọng hơn, văn minh hơn nhưng mà vẫn phải giữ được cái cốt cách của Chèo chứ không thể phá Chèo được. 

anh-3-1.jpg
Nghệ sĩ Quốc Phòng vai Trần Thông. (Ảnh: Nhà hát Chèo Hà Nội)

 

Nghệ thuật Chèo Việt Nam - Ngọn lửa đam mê cần được tiếp nối
Sau khi đã thành công trong lĩnh vực này rồi thì anh đã và đang chuyển hướng sang là đào tạo và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Vậy anh thường hay nhắc nhở các bạn trẻ khi theo đuổi bộ môn nghệ thuật này?

Có ba điều mà Quốc  luôn tâm niệm và nhắc nhớ cho thế hệ trẻ rằng: Thứ nhất là không được tự kiêu, tự đại. Luôn phải giữ thái độ khiêm tốn, tôn sư trọng đạo, trên kính dưới nhường.

Thứ hai, luôn phải học hỏi, trau dồi và tìm cho mình những người thầy giỏi để không ngừng hoàn thiện. 

Và thứ ba là phải thật tâm huyết, có trách nhiệm với nghề. Mỗi câu hát, mỗi cử chỉ đều phải được trau chuốt kỹ lưỡng, thể hiện hết cái hồn của nghệ thuật Chèo. Không thể hát một cách máy móc, thuộc lòng mà không đặt cảm xúc vào.

Mong các em là hy sinh với nghề hơn nữa, đã theo đuổi cái nghề này, đó là cái nghiệp của mình rồi. Tổ nghề đã trao cho mình cái trọng trách đấy rồi thì mình nên có trách nhiệm mà phải trách nhiệm thật cao. Không lên sân khấu thì thôi, đã lên sân khấu là phải phải chỉnh chu mọi thứ, chỉn chu quần áo, trang phục, trang điểm. Hát một câu nó phải như “rút ruột” và phải có tâm huyết trong câu hát, thì đấy mới là tôn trọng khán giả.

Nhớ lại ngày xưa mới vào nghề, tôi chỉ hát cho tròn bài, cũng chưa có thực sự hát có hồn cốt. Nhưng qua năm tháng, qua những kinh nghiệm mình đúc kết được thì bây giờ tôi đã có thành công như ngày hôm nay. Và mong rằng, những lời nhắn nhủ vừa rồi sẽ là động lực cho các bạn trẻ đang theo đuổi bộ môn Chèo.

anh-4-2.jpg

Hình ảnh NSƯT Quốc Phòng thủ vai Chí Phèo trong vở “Cánh diều làng Vũ Đại”. (Ảnh: Sưu tầm) 

Là người đam mê ánh đèn sân khấu, vậy anh đã có dự định gì cho tương lai?

Khi còn trẻ, còn sức khỏe, tôi sẽ cống hiến hết mình trên sân khấu, tiếp tục ra những MV, bài hát chất lượng để cống hiến cho khán giả, cho nhân dân. Tuy nhiên, quy luật thời gian là điều không thể chối cãi, khi tuổi tác ngày một cao, phong độ và giọng hát không còn như xưa thì lúc đấy tôi không thể nào mãi gắn bó với ánh đèn sân khấu. 

Nghệ thuật Chèo đòi hỏi người nghệ sĩ phải có ngoại hình, có giọng hát và khả năng trình diễn thu hút. Tre già măng mọc, vậy nên khi không còn phù hợp với ánh đèn sân khấu, tôi sẽ chọn lui về hậu trường để hướng dẫn, động viên, khích lệ thế hệ trẻ phát triển.  

Sự thay đổi này không đồng nghĩa với việc tôi từ bỏ đam mê, mà là bước ngoặt mới mẻ, nơi tôi có thể tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật bằng một cách khác, góp phần chắp cánh cho những tài năng trẻ tỏa sáng trên sân khấu.

Theo anh nghệ thuật Chèo đang đứng trước cơ hội và thách thức như thế nào? Và anh có kỳ vọng gì cho tương lai của nghệ thuật Chèo?

Thách thức của Chèo hiện nay đó là sự bùng nổ của các loại hình nghệ thuật mới. Nền âm nhạc Việt Nam hiện nay ngày càng phong phú với nhiều dòng nhạc mới hội nhập, khiến cho nghệ thuật Chèo gặp phải sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là trong việc thu hút khán giả trẻ tuổi. Còn  những ai một khi đã dành tình yêu cho Chèo thì vẫn dành cho Chèo một vị trí, sự quan tâm nhất định.

Tôi nghĩ rằng nghệ thuật Chèo vẫn còn đứng rất vững và có thể phát triển hơn nữa trong tương lai. Sắp tới, Nhà nước đang đề xuất đưa nghệ thuật Chèo vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể nhân loại của UNESCO. Bên cạnh đó, lợi thế của công nghệ thông tin đại chúng cũng mở ra cho nghệ thuật Chèo nhiều cơ hội, giúp cho việc quảng bá và giao lưu Chèo trở nên dễ dàng hơn, tiếp cận rộng rãi các đối tượng khán giả. 

Mong rằng, trong tương lai, nghệ thuật Chèo vẫn được bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo, bản sắc riêng biệt. Hành trình lan tỏa những giá trị tinh thần cao đẹp mà nghệ thuật Chèo mang lại sẽ được tiếp nối, thu hút thêm nhiều người trẻ quan tâm và yêu thích loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của anh! 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN