Nhà báo Hà Hồng và "Không gian văn hóa Hồ Gươm"

(Sóng trẻ) - Niềm say mê với những câu chuyện về Hồ Gươm là điều ai cũng có thể cảm nhận khi trò chuyện cùng nhà báo Hà Hồng. Ông lưu giữ từng kỷ vật, từ chiếc nậm rượu bị vứt xuống hồ, đôi găng tay của bác sĩ thú y khi chữa bệnh cho cụ rùa, hay cả những câu chuyện về con người gắn bó với hồ. 

Nhà báo Hà Hồng, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Báo Nhân Dân, là một người con của Hà Nội và có niềm đam mê đặc biệt với vẻ đẹp Hồ Gươm. Ông sở hữu một bộ sưu tập phong phú về Hồ Gươm mang tên “Không gian văn hóa Hồ Gươm”, gồm nhiều hiện vật do chính ông sưu tầm. Ngoài ra, từ năm 2006, ông còn xây dựng một trang web với hàng nghìn bài viết tản mạn, phóng sự, ghi nhanh do chính mình thực hiện.

Một số bức ảnh do nhà báo Hà Hồng chụp được trưng bày tại “Không gian văn hóa hồ Gươm” (Ảnh: Như Quỳnh)
Một số bức ảnh do nhà báo Hà Hồng chụp được trưng bày tại “Không gian văn hóa hồ Gươm”. (Ảnh: Như Quỳnh)

PV: Thưa ông, lý do khiến ông lập ra "Không gian văn hoá hồ Gươm" là gì? 

Nhà báo Hà Hồng: Năm 2000, tôi chịu áp lực lớn trong công việc và được nhiều người khuyên: "Anh nên đi bộ, sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị". Nghe theo lời khuyên, tôi bắt đầu đi bộ từ cơ quan và mỗi vòng quanh Hồ Gươm lại gợi lên những ký ức tuổi thơ. Tôi chợt nghĩ: "Nếu đi 3.173 bước quanh hồ, tại sao không viết một cuốn sách với 3.173 câu chuyện, bởi mỗi bước đi đều mang theo một kỷ niệm?"

Đến năm 2017, khi có căn phòng làm việc riêng, tôi nâng cấp nó thành "Không gian văn hóa Hồ Gươm". Thực tế, từ những năm 2000, tôi đã có ý định xây dựng một bảo tàng, nên từ đó đến nay, tôi luôn lưu giữ bài báo, câu chuyện và nhiều hiện vật liên quan đến hồ.

Nhà báo Hà Hồng chia sẻ về lí do lập ra “Không gian văn hóa Hồ Gươm”. (Ảnh: Như Quỳnh)
Nhà báo Hà Hồng chia sẻ về lí do lập ra “Không gian văn hóa Hồ Gươm”. (Ảnh: Như Quỳnh)

PV: Trong “Không gian văn hóa Hồ Gươm” đang trưng bày những gì thưa ông?

Nhà báo Hà Hồng: “Không gian văn hóa Hồ Gươm” gồm hai phần chính: trưng bày những bức ảnh tâm đắc nhất và giới thiệu các hiện vật gắn liền với những nhân vật trong các câu chuyện về Hồ Gươm mà tôi đã chứng kiến. Điểm đặc trưng của không gian này là hình tượng rồng, biểu trưng cho Thăng Long - mảnh đất rồng bay.

Găng tay và thuốc chữa bệnh cho rùa hồ Hoàn Kiếm năm 2011 khi rùa bị tróc và trầy xước ở trên bả vai chảy máu. (Ảnh: Như Quỳnh)
Găng tay và thuốc chữa bệnh cho rùa hồ Hoàn Kiếm năm 2011 khi rùa bị tróc và trầy xước ở trên bả vai chảy máu. (Ảnh: Như Quỳnh)
Quyển sổ màu xanh đội An ninh trật tự ghi ngày tháng giờ rùa nổi trong 10 năm. (Ảnh: Như Quỳnh)
Quyển sổ màu xanh của Đội An ninh trật tự ghi lại ngày, tháng, giờ rùa nổi trong suốt 10 năm. (Ảnh: Như Quỳnh)

PV: Là một người tâm huyết, ông đã dành hàng chục năm để tìm hiểu tư liệu về Hồ Gươm và thành lập nên không gian văn hoá này, hẳn mỗi kỷ vật, mỗi bức ảnh, mỗi tư liệu đều được ông nâng niu và đằng sau sẽ có những câu chuyện ý nghĩa. Vậy bức tranh/tư liệu ông tâm đắc nhất tại đây là gì?

Nhà báo Hà Hồng: Tâm đắc nhất trong căn phòng này là con rồng vàng - một ý tưởng do tôi và Hậu, khi đó là sinh viên trường Mỹ thuật, cùng sáng tạo. Tôi hình dung rằng, con rồng đã bay suốt 1.000 năm, chắc chắn sẽ lưu giữ dấu ấn của những sự kiện lớn. Giờ đây, khi rồng cuộn mình ngồi trên một lòng chảo, hình ảnh này tượng trưng cho Hồ Gươm. Tôi nhân cách hóa nó, xem lòng chảo như Hồ Gươm và con rồng đang bay. Mỗi sự kiện quan trọng diễn ra quanh hồ sẽ hóa thành một viên ngọc, bao quanh rồng, tạo nên một viên ngọc văn hóa quý giá.

Con rồng vàng được trưng bày tại “Không gian văn hóa Hồ Gươm”. (Ảnh: Như Quỳnh)
Con rồng vàng được trưng bày tại “Không gian văn hóa Hồ Gươm”. (Ảnh: Như Quỳnh)

 

PV: Không gian này có ý nghĩa như thế nào đối với ông? 

Nhà báo Hà Hồng: Đây chỉ là không gian vui chơi đúng nghĩa sưu tầm của tôi, không gian mời bạn bè tới chơi và những người yêu văn hoá Hà Nội chứ không phải để kinh doanh. Tôi luôn mong rằng trong cuộc sống này, mình có thể truyền tải thông điệp văn hóa đến những bạn trẻ cùng đam mê, yêu mến Hồ Gươm. Dù không phải nhà sử học, tôi vẫn “viết sử” bên hồ qua từng tác phẩm báo chí của mình. Đến hôm nay, nhiều nhân vật trong câu chuyện của tôi đã trở thành người thiên cổ, và nơi này đã lưu giữ hình ảnh cùng ký ức về họ. Tôi hy vọng rằng, 100 năm sau, thế hệ con cháu khi xem lại những bức ảnh, tác phẩm, hay hiện vật trong không gian này cũng sẽ có những cảm xúc bồi hồi, xúc động như tôi bây giờ.

PV: Trên báo Nhà báo và Công luận ông từng chia sẻ: “Nếu có ai yêu Hồ Hoàn Kiếm hơn tôi thì tôi sẽ ghen với người đó”. Ông có thể lí giải điều này không, rằng ông làm thế nào để thể hiện tình yêu của mình với Hồ Gươm?

Nhà báo Hà Hồng: Năm 2016, mạng xã hội tràn ngập những bài viết về việc rời bỏ Hà Nội để đến Đà Nẵng, TP. HCM hay thậm chí ra nước ngoài. Nhiều người than phiền rằng Hà Nội xấu, bẩn, thô tục, luộm thuộm… Khi đó, tôi đã viết một bài trên trang cá nhân với tựa đề: “Sao các bạn không ở lại với chúng tôi?”

Ở lại là để cùng nhau thay đổi. Thấy điều bất cập, ta lên tiếng đấu tranh; gặp người tốt, ta lan tỏa câu chuyện đẹp. Nếu là công an, ta có thể góp phần giữ gìn an ninh; nếu là người dân, ta có thể bảo vệ môi trường, giữ gìn vẻ đẹp của mặt hồ. Chỉ khi cùng chung tay, ta mới có thể biến Hồ Gươm thành một không gian văn hóa, một biểu tượng của Hà Nội đáng tự hào.

Nếu rời bỏ Hà Nội để đến một nơi khác văn minh, sạch đẹp hơn, hãy nhớ rằng môi trường ấy không tự nhiên mà có. Đó là thành quả của bao thế hệ đã dày công xây dựng. Khi đến đó, ta chỉ là người thừa hưởng chứ chưa chắc đã đóng góp được gì. Vì thế, tôi luôn tâm niệm: “Nếu có ai yêu Hồ Hoàn Kiếm hơn tôi, tôi sẽ ghen với người đó” - và sự ghen ấy chính là động lực để tôi tiếp tục hành động, tiếp tục cống hiến, để Hồ Gươm ngày càng đẹp hơn.

Xin cảm ơn nhà báo Hà Hồng!



Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN