Nhập nhằng (sai phạm) trong việc lắp đặt đường ống nước sạch sông Đà ở thôn Trường An (Kỳ 2)
(Sóng Trẻ) - Kỳ trước, CTV Sóng Trẻ đã phản ánh về những bất cập trong việc lắp đặt và thu tiền đường ống nước sạch sông Đà của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông (NSHĐ) ở thôn Trường An, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội. Kỳ này, nhóm phóng viên tiếp tục thâm nhập để làm sáng tỏ vấn đề.
Kỳ 2: Làm rõ sai phạm
Chiều ngày 7/4/2017, trong vai người dân ở Thôn Trường An có nhu cầu sử dụng dịch vụ nước sạch của công ty, chúng tôi trực tiếp đến trụ sở công ty Nước sạch Hà Đông tại địa chỉ số 2A Nguyễn Trãi, Q. Hà Đông để đặt vấn đề.
Trụ sở Công TNHH MTV Nước sạch Hà Đông (số 2A Nguyễn Trãi, Q.Hà Đông, Hà Nội)
Đi tìm câu trả lời
Vào vai cặp vợ chồng trẻ đã có hộ khẩu thường trú hợp pháp tại thôn, có nhà độc lập nhưng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chúng tôi được nhân viên công ty NSHĐ cho biết, chi phí lắp đặt sẽ mất khoảng trên dưới hai triệu đồng. Thắc mắc về việc số tiền này có sự chênh lệch so với 350.000 đồng mà những hộ có cả hộ khẩu thường trú và giấy chứng nhận dụng quyền sử đất phải đóng, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Đó là do công ty đầu tư, còn nhiều khi mình phải làm toàn bộ”.
Theo tìm hiểu của CTV, trên thực tế, đã có hơn 90 hộ dân thôn Trường An, rơi vào các trường hợp có hộ khẩu thường trú nhưng chưa, hoặc không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã nộp khoản tiền dự toán lắp đặt đồng hồ nước. Số tiền đã thu này của công ty nước đã lên đến con số hơn 171 triệu đồng. Trong khi đó, căn cứ vào Nghị định 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 69/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội thì quyền lợi của các hộ dân là không phân biệt.
Khi hỏi về mức độ đầu tư của công ty cho khách hàng, nhân viên công ty cho biết, người sử dụng phải tự thực hiện phần việc đào lấp, hàn vá từ điểm đấu nối đến đồng hồ.
Ngay chiều ngày 7/4, chúng tôi tiếp tục vào vai người dân xóm Trường Phát (chưa được cấp nước sạch) để hỏi về các thủ tục cũng như số tiền phải bỏ ra của người dân xóm Trường Thịnh – dãy nài (đã được sử dụng nước sạch).
Ống nước nhà bà Lê Thị Thanh nằm chỏng chơ vì không có tiền khoan cắt bê tông
Bà Lê Thị Thanh (69 tuổi) cho biết: “Người ta thông báo là, một hộ có bìa đỏ thì chỉ được đóng được một cái đồng hồ với giá 350.000 đồng. Nếu như mà hai thế hệ chung một bìa đỏ mà có riêng hộ khẩu như nhà tôi (tôi và con trai) thì vẫn phải một đồng hồ giá cao (2.250.000đ). Còn mấy trăm cộng thêm vào, người ta nói tiền thuê đào lắp”.
Cũng tại xóm này - dãy trong (chưa có nước sạch), trong vai nhân viên khảo sát nhu cầu sử dụng nước sạch chúng tôi được bác Nguyễn Trọng Dưỡng (60 tuổi) – hộ dân trong xóm cho biết, nhà bác chưa có nước mặc dù xóm thuộc diện đã được cấp. Bác giải thích: “Người ta bảo dự án thì được bên đấy thôi còn bên này hết dự án rồi. Giờ muốn lắp phải mất hơn triệu tiền cắt đường để lắp đặt đồng hồ, còn đường ống thì công ty cho nên mình không phải mất”. Hiện gia đình bác cũng như các hộ dân khác trong xóm phải phải tận dụng nước giếng khoan để dùng. Do đó mà vấn đề nước sạch ở đây trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Luật một đằng, làm một nẻo
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội lý giải những sai phạm trên: “Theo quy định tại Điều 6, Quyết định 69/2013/QĐ UBND của UBND TP Hà Nội thì đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối tại các hộ tiêu thụ bao gồm đồng hồ đo nước, sau đồng hồ đo nước khách hàng sử dụng nước chịu trách nhiệm về chi phí đầu tư.
Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư Hà Nội
Vì vậy, nếu công ty nước sạch và lãnh đạo thôn yêu cầu các hộ dân phải nộp tiền để đầu tư đường ống nước là không phù hợp với quy định của pháp luật. Các hộ dân cũng chỉ phải thanh toán chi phí tính từ đồng hồ đo nước tới các thiết bị sinh hoạt của gia đình. Trong việc lắp đặt nước sạch thì cũng không có quy định nào phân biệt hộ gia đình có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, hộ gia đình không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì cũng có quyền lợi như người đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Do vậy, các hộ dân nêu trên có thể làm đơn khiếu nại, tố cáo về sự việc này tới Chủ tịch UBND cấp xã và cấp huyện để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Theo Điều 39, Nghị định 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ: Đơn vị cấp nước phải thiết lập các điểm đấu nối vào mạng lưới cấp nước cho mỗi khách hàng sử dụng nước; các điểm đấu nối phải đặt ngay sát chỉ giới sử dụng đất hoặc chân tường rào công trình của khách hàng sử dụng nước trong điều kiện cho phép.
|
Trường Hùng
Cùng chuyên mục
Bình luận