Nhiều doanh nghiệp vận tải rục rịch tăng vé xe dịp cận Tết
(Sóng trẻ) - Thời điểm cận Tết, nhu cầu về quê của người dân tăng cao đi kèm với sự tăng giá “chóng mặt” của vé tàu, xe.
Nhiều nhà xe xin tăng giá, vé xe đường bộ tăng nhẹ
Thời điểm cận Tết Nguyên đán, vận tải đường bộ bằng xe tuyến, xe khách cố định dự kiến sẽ đón lượng khách tăng cao so với thời điểm trong năm. Do đó các bến xe, nhà xe đã chủ động tăng thêm nhiều tuyến để phục vụ nhu cầu về quê ăn Tết của người dân.
Trước nhu cầu đi lại tăng cao, một số nhà xe đã thông báo tăng giá vé với mức tăng từ 17% trở lên tùy từng tuyến. Cụ thể, tại Bến xe Mỹ Đình, tuyến Hà Nội - Cao Bằng sẽ tăng giá vé từ 60.000 đồng lên 100.000 đồng/vé (tương đương 67%)
Tại Bến xe Giáp Bát, tuyến Hà Nội - Hà Nam và ngược lại tăng giá từ 50.000 đồng lên 80.000 đồng/vé (tăng 60%); tuyến Hà Nội - Nho Quan (Ninh Bình) tăng giá từ 79.000 đồng lên 103.000 đồng/vé (tương đương 30,38%)…
Tại bến xe Nước Ngầm, theo ghi nhận của phóng viên với các tuyến xe đường dài như Hà Nội - Quảng Trị; Hà Nội - Đà Nẵng giá vé giữ nguyên, dao động từ 400.000 - 600.000 đồng/vé. Đối với một số tuyến chặng ngắn như Bắc Ninh - Lạng Sơn giá 160.000 đồng/vé tăng khoảng 20.000 đồng/vé.
Bên cạnh đó có một số nhà xe không tập trung ở các bến xe như Mỹ Đình, Gia Lâm,... mà có các điểm đón khách riêng. Với các nhà xe này mức giá cũng có độ chênh lệch so với nhà xe ở bến. Đối với những tuyến đường dài mức vé sẽ tăng dao động khoảng 100.000 - 150.000 đồng/vé.
Để tránh tình trạng “cháy vé” nhiều người đã lựa chọn đặt vé trước hơn 1 tháng. Bạn L.T.H (19 tuổi) chia sẻ: “Mọi năm cứ vào dịp Tết cận kề là vé xe luôn trong tình trạng cháy hàng nên mình phải đặt trước gần 2 tháng để chắc chắn có vé về quê đúng ngày”.
Vé máy bay cao “chót vót” dù đã bổ sung hàng nghìn chuyến
Nhiều đường bay nội địa đã kín chỗ một tháng trước Tết Nguyên đán, giá vé máy bay cũng tăng cao so với ngày thường. Để phục vụ hành khách, các hãng hàng không đã thuê bổ sung 15 máy bay cho các chặng bay có nhu cầu cao.
Tuy nhiên, vé máy bay một số chặng vẫn giữ ở mức cao. Cụ thể, vé khứ hồi đi ngày 7/2 (28 Tết) và về ngày 15/2 (Mùng 6 Tết) chặng bay TP.HCM - Hà Nội giá cao “ngất ngưởng” 7-13 triệu đồng cho một cặp vé. Các chặng bay khác như Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Đà Lạt có mức giá “mềm hơn”, dao động từ 2-5 triệu đồng.
Đáng chú ý, trong ngày 2/2, thời tiết xấu đã làm đảo lộn lịch trình về quê của phần lớn hành khách. Nhiều chuyến bay về Vinh lại đáp ở Hà Nội, bay về Hà Nội nhưng lại đáp ở Hải Phòng. Theo chia sẻ của chị Thảo Hương (23 tuổi, Nghệ An): “Tôi đặt vé chuyến TP.HCM - Vinh xuống máy bay mới tá hoả nhận ra đang ở Nội Bài”.
Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không hướng dẫn các cảng hàng không, hãng hàng không thực hiện đúng quy định về kê khai giá, niêm yết giá, và công khai thông tin về giá vé. Bộ yêu cầu đảm bảo không xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định trong quá trình vận chuyển hành khách.
Giá vé tàu tăng 10%
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, giá vé tàu dịp Tết Giáp Thìn tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo tìm hiểu, giá vé tàu Thống nhất khứ hồi chặng TP.HCM - Hà Nội có giá khoảng 4,7 triệu đồng/người, chặng TP.HCM - Vinh có giá khoảng hơn 4 triệu đồng/người…
Trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, các tàu địa phương trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng chạy 4 đôi tàu/ngày, tuyến Hà Nội - Lào Cai chạy 1 đôi tàu/ngày, tuyến Hà Nội - Vinh 2 đôi tàu/ngày.
Ngoài ra, tình trạng quá tải vé tàu, xe xảy ra thường xuyên mỗi dịp cận Tết, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng để lừa tiền những người có nhu cầu mua vé. Ngành đường sắt Việt Nam và nhiều công ty vận tải hành khách khuyến cáo khách hàng không nên mua vé qua mạng xã hội, cò mồi hay chợ đen và phải liên hệ trực tiếp với các hãng tàu, xe để tránh rơi vào lừa đảo.