Những biểu tượng của Thành phố Hồ Chí Minh (Phần 1)
(Sóng trẻ) - Thành phố Hồ Chí Minh, hay vẫn được gọi với tên quen thuộc Sài Gòn là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục quan trọng bậc nhất nước ta. Sài Gòn cũng là nơi sở hữu nhiều công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, minh chứng cho sự giao thoa của thời đại.
Trụ sở UBND Thành phố - "Chứng nhân" lịch sử
"Chứng nhân" lịch sử của Sài Gòn
Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh luôn được xem là trụ sở cấp tỉnh, thành phố đẹp nhất tại nước ta hiện nay. Không chỉ đẹp, đây còn là một trong những công trình kiến trúc cổ kính nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, được xây dựng từ năm 1898 đến 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès. Thời Pháp thuộc, tòa nhà này có tên là Hôtel de ville trong tiếng Pháp hay Dinh xã Tây trong tiếng Việt. Đến thời Việt Nam Cộng hòa gọi là Tòa đô chánh Sain, là nơi làm việc và hội họp của chính quyền thủ đô. Từ sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 đến nay, tòa nhà là nơi làm việc của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; địa chỉ hiện nay là số 86 đường Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, nằm ngay ở đầu đại lộ Nguyễn Huệ.
Tượng đài Bác Hồ trước trụ sở
Tòa nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư Femand Gardès mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền bắc nước Pháp. Thời Pháp thuộc, Chính giữa mặt tiền là một kiểu trang trí đắp nổi có hình dáng một người phụ nữ mạnh khỏe tiêu biểu cho nước Pháp, một hình đứa bé đang chế ngự thú dữ, hai bức đắp nổi hai bên tiêu biểu cho nước Pháp cầm gương đi chinh phục thuộc địa. Phía trước dinh là một bãi cỏ rộng có ghế đá và bồn kèn - nơi ban nhạc của hải quân Pháp trình diễn cho công chúng xem.
Bưu điện trung tâm Sài Gòn – “người viết thư thuê xuyên thế kỷ”
Công trình đã đi qua ba thế kỷ
Người dân Sài Gòn vẫn gọi Bưu điện trung tâm Sài Gòn là “người viết thư xuyên thế kỷ” như để nói về một người bạn tri âm, tri kỉ. Tòa nhà Bưu điện Sài Gòn là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng của thành phố được xây dựng từ năm 1886 đến năm 1991. Khác với các công trình kiến trúc đậm nét Pháp ở trên, Bưu điện Trung tâm Sài có nhiều đặc trưng của phong cách kiến trúc châu Âu kết hợp với châu Á.
Mái vòm Bưu điện Trung tâm Thành phố
Mặt tiền của bưu điện được trang trí những bảng tên một số danh nhân Pháp như Laplace, Voltaire, Arage, cùng một số ô vuông trang trí được tạo hình quen thuộc... Trên vòng cung ngôi nhà có chiếc đồng hồ lớn. Bước chân vào phía trên trong, khách thấy hai bên tường cao là hai bản đồ lịch sử của Sài Gòn, các kiến trúc thic và hơn 35 quầy phục vụ khách hàng. Hiện nay, nơi đây còn có các quầy bán đồ lưu niệm với các sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc Việt Nam.
Chợ Bến Thành – biểu tượng thương mại Sài Gòn
Cổng chợ Bến Thành
Nhắc đến Sài Gòn là nhắc đến chợ Bến Thành, không ít những bức ảnh lưu niệm của du khách khắp nơi khi đến Sài Gòn cũng là chợ Bến Thành. Từ lâu chợ Bến Thành đã là một phần, là biểu tượng của thành phố này. Không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, gần một trăm năm qua ngôi chợ này đã trở thành một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay thăng trầm của thành phố, là bộ mặt kinh tế nói lên sự phát triển của một thành phố thương mại lớn nhất nước và là điểm giao hòa giữa Sài Gòn xưa và nay.
Một vài gian hàng trong chợ Bến Thành
Hình thành từ trước khi người Pháp đặt chân đến vùng đất này, ngôi chợ khởi thủy nằm ven sông Bến Nghé, ở một bến cận thành Quy (thành Gia Định) nên có tên là Bến Thành. Đến năm 1911, chính quyền thuộc địa Pháp quyết định dời chợ về vị trí hiện nay, khi ấy còn là một cái ao sình lầy. Chợ được khởi công từ năm 1912 cho đến cuối tháng 3-1914 mới hoàn tất và hoạt động liên tục kể từ đó cho đến nay.
Lê Quang Đức
Tài liệu tham khảo:
1. http://www.nguoiduatin.vn/bưu-điện-trung-tâm-sài-gòn-ngày-ấy-và-bây-giờ-a52157.html
2 .http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-06-29-chợ-bến-thành-biểu-tượng-của-sài-gòn
3. http://vi.wikipedia.org/Trụ_sở_Ủy_ban_Nhân_dân_Thành_phố_Hồ_Chí_Minh
Cùng chuyên mục
Bình luận