Phải thành công để vượt qua “bóng ma” thất bại

(Sóng Trẻ) - "Đã có thời gian dài tớ luôn ám ảnh bởi những thất bại hồi cấp 3. Lúc nào cũng thất bại. Nó như bóng ma đeo bám tớ. Cho đến lúc tớ biết mình có thể làm lại cuộc đời ở RMIT thì tớ cũng biết, đó là cơ hội cuối cùng để sống như một người có giá trị..."

Người bạn "cũ" mà "mới"

Một buổi tối, tôi bật máy tính, treo status trên Yahoo Messenger, đặt chế độ busy và vào mạng đọc báo. Bỗng nhiên có một nick lạ nhảy vào. Sau vài câu chào hỏi, người kia giới thiệu là Đức, học cùng lớp cấp III với tôi ở THPT chuyên Trần Phú - Hải Phòng. Song tôi chưa tin, bởi cậu ta không chat với tôi bằng tiếng Việt mà bằng…tiếng Anh.

Trong trí nhớ của tôi, suốt 3 năm cấp III, Đức bị liệt vào danh sách "cá biệt". Đức thường xuyên nghỉ học dài ngày, địa điểm có thể tìm thấy cậu ấy là những quán điện tử hoặc những hội bài tây magic (phong trào chơi bài thịnh hành trong giới học sinh hồi bấy giờ, xuất phát từ cuốn truyện tranh "Vua trò chơi"). Dĩ nhiên, tình hình học tập của Đức không mấy khả quan, trong đó tiếng Anh là môn tệ nhất. Thậm chí khi nói tiếng Việt, chúng tôi cũng cảm thấy Đức có vấn đề, bởi bạn ấy bị nhiễm quá nhiều phim, truyện chưởng. Đức cũng hay có những hành động kỳ quặc nên không mấy ai trong chúng tôi coi Đức là bạn thân.

1536c20cd_tctb_001.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Vậy mà cậu bạn đang chat tiếng Anh rất trôi chảy kia cứ nằng nặc nhận mình là Đức thì thật khó tin. Cậu ta chia sẻ: "2 years a all things just be nothing to me. Nothing important. But now, actually, I'm being in the top of 3 and the status still stabling" (Hai năm trước không có gì là quan trọng đối với tớ. Nhưng giờ, thực sự tớ đang đứng trong top 3 của khóa và vị trí vẫn rất ổn định). Tôi lại càng lấy làm lạ, bởi trong những lần họp lớp gần đây, chưa thấy ai nói về Đức với sự thành công như thế. Vì lẽ đó nên tôi lịch sự xin dừng cuộc nói chuyện và hẹn cậu bạn vào một thời điểm khác.

Bẵng đi một thời gian, khi đã gần quên mất cuộc nói chuyện kia, tôi gặp Đức tại Hải Phòng. Cậu ta vừa bay từ Thành phố Hồ Chí Minh ra, tôi cũng vừa từ Hà Nội về. Lâu ngày không gặp, chúng tôi nói với nhau về rất nhiều chuyện. Bỗng Đức quay sang trách nhẹ tôi, vì đã hẹn trên mạng sẽ liên lạc mà không bao giờ thấy tôi online (thật tình tôi có thói quen để invisible với những nick lạ mà tôi chưa xác định được là ai). Đến lúc đó tôi mới tin cậu bạn đã chat với tôi đúng là Đức.

Tôi nhìn Đức kĩ hơn. So với trước đây, phong thái, cử chỉ của Đức tự tin hơn. Những câu chuyện của cậu hấp dẫn hơn nhiều, thỉnh thoảng cậu lại đá thêm một số kiến thức rất "Tây": "Tớ sẽ không dừng lại cho tới khi đạt được mục đích. Điều đó có nghĩa tớ muốn đạt được "self-actualization" (nhu cầu trở thành những gì mà khả năng của mình cho phép) như ông Maslow đã chỉ ra trong học thuyết của mình". Duy có cái tính "hay khoe" là vẫn chẳng đổi, nhưng nếu trước đây khoe về những bộ truyện mới, những lá bài magic "độc" thì nay Đức "khoe" về thành tích học tập của mình: “Kỳ này tớ có 3 trên 4 môn đạt hạng cao với điểm trên 80/100", "Thi giữa kỳ môn kế toán trượt như sung rụng, thế mà mình vẫn high distinction" (được đánh giá cao)…

Bóng ma thất bại và nỗi khao khát thành công

Sau buổi nói chuyện với Đức, tôi rất băn khoăn. Đức thật sự "lột xác". Tôi từng gặp nhiều trường hợp cấp III học rất xuất sắc nhưng lên ĐH mất phương hướng và đuối dần, đuối dần. Có những bạn cấp III học trường chuyên, thậm chí đạt giải quốc gia, tương lai tưởng như chỉ một màu hồng, nhưng khi lên Đại học bị sốc nặng và phải xây dựng lại mọi thứ từ đầu.

Trong khi đó Đức, một học sinh có kết quả học tập tồi tệ ở cấp III, nhưng chỉ sau 1 năm lên Đại học, lại thuộc hàng top của RMIT. Phải chăng môi trường học tập đã giúp bạn thay đổi hay vì nỗi ám ảnh và sự đánh giá của bạn bè cấp III đã khiến Đức chẳng thể "cất cánh"?

Quyết tâm tìm ra câu trả lời, tôi giữ liên lạc với Đức và nhận được những thông tin thú vị. Đức chia sẻ về nỗi mặc cảm của cậu hồi cấp III, về những "thất bại liên tục" và việc "bị coi thường", thậm chí cả những lần khiến cậu "mất mặt". Cho tới khi lên Đại học thì những ám ảnh ấy vẫn chưa hề mất: "Tớ đã có một thời gian dài ám ảnh bởi những thất bại hồi cấp 3. Lúc nào cũng thất bại, nó như con ma ám ảnh tớ". Tôi tin Đức nói thật.

Khi tôi hỏi Đức về cảm giác của cậu trước những lời nhận xét, đánh giá không tích cực của bạn bè và thầy cô hồi cấp III, cậu chân thành nói: "Thực ra, trước những lời như thế tớ cũng có cảm giác chứ, nhưng không có một động lực để vươn lên". Hồi cấp II, Đức cũng là một học sinh giỏi, nhưng lớp 9, Đức gặp tai nạn giao thông. Tai nạn đó khiến Đức đi lại khó khăn hơn người bình thường và cậu nghĩ: "mọi chuyện có số hết". Với suy nghĩ ấy, cả cấp III, cậu sống "rất vật vờ" và không có một lý tưởng sống rõ ràng.

Chỉ đến khi thi Đại học, Đức mới thật sự "mở mắt". Cậu cảm thấy "nếu tiếp tục như thế này thì từ giờ đến cuối đời, mãi mãi không thể ngóc đầu lên được". Đức vào RMIT -  môi trường mới mà "không ai biết mình, ai cũng bình đẳng" - và coi đó là "cơ hội cuối cùng" để "giữ sự tôn trọng của mọi người cho mình". Nỗ lực được ông trời báo đáp, môi trường mới thích hợp với Đức nên Đức nhanh chóng thích nghi và trở nên hoàn thiện bản thân hơn.

Điều đó có thể lý giải nguyên nhân cho việc một học sinh kém trở thành học sinh giỏi. Nhưng với Đức, một học sinh từ "cá biệt" trở thành xuất sắc thì chừng ấy lý do chưa đủ thuyết phục tôi. Qua nhiều lần trò chuyện, tôi đem suy nghĩ ấy nói với Đức, Đức lý giải: "sau những thất bại quá lớn và thậm chí mất mặt, tớ chỉ muốn được công nhận thôi. Nhưng sau khi đạt đỉnh cao thì tớ không muốn thể hiện sự sa sút nên cứ tiếp tục cố gắng. Vì, với tớ bây giờ đó là niềm kiêu hãnh, bất kỳ dấu hiệu nào về việc sa sút dù là nhỏ nhất đều làm tớ nhớ lại khoảng thời gian mình sống như không kia".

Ôi chao, "sống như không", đó chẳng phải cảm giác mà sinh viên chúng tôi vẫn thường hay nhắc đến sao. Biết bao những trang viết, biết bao những boăn khoăn, biết bao những đêm trằn trọc để cố gắng tìm kiếm cho mình một giá trị sống. Nhưng nào đã mấy ai thành công. Khi mà một lý tưởng chung không còn hiện hữu và quyền chọn giá trị sống của bản thân nằm trong tay mỗi người thì đó cũng là lúc người ta chẳng biết chọn lấy điều gì. Đức vượt qua cái cảm giác đó với một lý lẽ rất đơn giản "cố gắng để thoát khỏi cái bóng cấp 3" và "để sống như một người có giá trị". Đó là một triết lý sống đơn giản, nhưng hẳn phải để tôi và nhiều người khác phải suy nghĩ.

Hải Lộc
Truyền hình K28A2

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN