Phẩm chất và năng lực cần có của một người biên tập.
(Sóng trẻ)- Phẩm chất và năng lực của người biên tập là hai yếu tố có mối quan hệ mật thiết, gắn bó và tác động đến nhau, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động biên tập của người biên tập. Một người biên tập viên giỏi phải là một người vừa có năng lực vừa có phẩm chất tốt.
Theo Từ điển Tiếng Việt (NXB TP. HCM) : “Biên tập là biên soạn, góp ý kiến với tác giả, kiểm tra những sai sót của bản thảo tài liệu, đưa đi xuất bản”. Biên tập viên là những nhà báo làm nhiệm vụ biên tập, nâng cao chất lượng, đảm bảo tính tư tưởng, nghệ thuật, khoa học của các bản thảo, tin, bài của phóng viên và cộng tác viên. Bên cạnh đó, biên tập viên còn là người khai thác, tổ chức các nguồn tư liệu, tài liệu, tin, bài, đề tài… theo định hướng, kế hoạch của đơn vị.
Công việc chính của người biên tập là nhận xét, biên tập nâng cao chất lượng và chịu trách về nội dung bản thảo; chỉ dẫn các yêu cầu trình bày kỹ thuật, mỹ thuật và tham gia tổng kết chuyên môn nghiệp vụ. Nói một cách đơn giản, người biên tập thường là những người làm việc ở “bếp núc” một tờ báo. Công việc của biên tập viên thường tĩnh hơn phóng viên. Người biên tập là những người chiến sĩ thầm lặng.
Cụ thể hơn, công việc của biên tập viên văn bản bao gồm sửa lỗi ngữ pháp, từ vựng, chính tả. Thật ra, biên tập viên văn bản báo chí phải làm nhiều hơn thế: suy nghĩ và suy nghĩ một cách sáng tạon, nhạy bén và quyết đoán với việc tổ chức tin bài cho các loại hình báo chí. Ngày nay máy tính và chương trình soạn thảo có hỗ trợ người dung viết đúng chính tả. Tuy nhiên, máy móc có thể sửa chữa chính tả nhưng chúng không thể tự động biên tập cho bạn về cách diễn đạt, từ ngữ biểu đạt phù hợp được. Và người biên tập, đảm nhiệm công việc này.
Trong thời đại số hóa, Internet tốc độ cao như ngày nay, việc tìm đọc tin tức đối với độc giả là việc hết sức dễ dàng. Thông tin nhanh và chính xác luôn là tiêu chí để độc giả đón đọc sản phẩm của một cơ quan, loại hình báo chí. Truyền hình, báo mạng điện tử đã đáp ứng được nhu cầu về thông tin nhanh và nóng hổi theo từng giờ, từng phút. Cho đến ngày hôm nay, báo in vẫn thu hút và níu kéo được sự quan tâm của độc giả cũng bởi sự trau chuốt, chất lượng của tin bài. Báo in có được lợi thế này cũng bởi có đội ngũ làm biên tập giỏi.
Vai trò của biên tập là vô cùng quan trọng với bất kì một sản phẩm báo chí nào nhưng rất ít người tình nguyện làm công việc này. Các tòa soạn ở nước ta, thường, thư ký tòa soạn kiêm luôn công việc của người biên tập. Cũng có tòa soạn phân công theo lượt từng phóng viên làm công tác biên tập theo ngày hoặc theo đợt. Người đọc có thể không thấy rõ hoặc ít người có thể nghĩ được vai trò của người biên tập với từng bài viết. Vì sau mỗi tác phẩm,độc giả chỉ nhìn thấy tên tác giả kí dưới tác phẩm. Nhưng những người sáng tạo tác phẩm- những người viết báo chắc chắn thấy được rõ vai trò của người biên tập với tác phẩm của mình.
Phẩm chất và năng lực của người biên tập là hai yếu tố có mối quan hệ mật thiết, gắn bó và tác động đến nhau, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động biên tập của người biên tập. Người biên tập có năng lực sẽ hội tụ những phẩm chất cần thiết, phù hợp với tính chất công việc của mình. Đồng thời, những phẩm chất vốn có và rèn luyện thêm cho nghề biên tập của người biên tập cũng quyết định phần nào đến năng lực của biên tập viên. Một người biên tập viên giỏi phải là một người vừa có năng lực vừa có phẩm chất.
Về năng lực
Đầu tiên, người biên tập phải là người có trình độ. Người biên tập cần phải là người hiểu sâu biết rộng, am hiểu bởi mỗi một bản thảo sẽ đề cập đến một đề tài, lĩnh vực khác nhau để phát hiện sai sót và sửa chữa, bổ sung, góp ý. Trình độ học vấn của người biên tập về đề tài có thể hơn hoặc bằng với trình độ của tác giả bản thảo đó. Để công tác biên tập: đánh giá, sửa chữa luôn được khách quan nhất, người biên tập cần cập nhất tin tức hằng ngày, nhạy bén với các nguồn tin, đánh giá các vấn đề.
Thứ hai, người biên tập phải là một người có kiến thức chuyên môn về báo chí: Các kỹ thuật thể hiện một bài báo hoàn chỉnh như tiếp cận nguồn tin, xử lý thông tin trong một bài báo, và cách thể hiện các đề tài báo chí. Cần có kiến thức chuyên môn báo chí để từng mảng đề tài, lĩnh vực lựa chọn được phong cách ngôn ngữ phù hợp. Biên tập câu, chữ sao cho ngắn gọn, súc tích, đậm chất báo chí chứ không rườm rà, lủng củng, dài dòng để độc giả tiếp nhận được khối lượng tin bài nhiều nhất. Sử dụng ngôn ngữ nhuần nhuyễn chính là thể hiện năng lực của người biên tập.
Và cuối cùng, người biên tập phải là người có kinh nghiệm. Vì ở Việt Nam, biên tập là một nghề nhưng cho đến nay, chưa có trường lớp nào đào tạo bài bản nghề biên tập cả. Xuất phát từ việc hoàn thiện các tác phẩm báo chí mà các cơ quan báo chí mới có công việc biên tập. Từ việc định con người thực hiện. Rồi, những người viết giỏi được đặt vào vị trí biên tập- sửa và hoàn thiện bài viết. Dù chưa được đào tạo nhưng trong quá trình thực tế làm việc, từ việc làm nảy sinh ra kinh nghiệm trong công việc. Ta nhớ đến câu: “Trăm hay không bằng tay quen”. Chắc hẳn, tác giả (phóng viên, cộng tác viên) là những người đã được đào tạo viết báo, cũng biết cách viết nhưng vì một số lý do khách quan như hạn chế thời gian sáng tạo tác phẩm mà bản thảo vẫn còn một số thiếu sót. Người biên tập sẽ phát hiện và sửa chữa những lỗi này. Người biên tập phải thực sự là người có kinh nghiệm viết bài và sửa bài.
Về phẩm chất
Phẩm chất cần có đầu tiên của người biên tập thực sự là tính cẩn thận và tỉ mỉ. Để “gia công” một bài viết, người biên tập phải sửa từ những lời văn thô ráp, câu văn lủng củng, trùng lặp đến những chi tiết “sạn” rất nhỏ: chính tả, từ ngữ. Vì công việc biên tập tưởng đơn giản nhưng lại là công việc khá phức tạp. Người biên tập cần đọc lướt qua một lần bản thảo để xác định nội dung, tư tưởng, chủ đề chứ không thể chỉ đọc một lần và sửa được ngay. Sau khi đọc nhanh một lượt, lúc này người biên tập phải đọc kĩ từng câu, từng đoạn của bản thảo. Nếu người biên tập sốt ruột, cẩu thả chỉ sửa cho có, phát hiện những lỗi ai cũng nhìn thấy thì đó không phải là người biên tập giỏi. Đầu óc, trí tuệ, tầm nhìn của người biên tập được thể hiện qua cách sửa chữa các lỗi rất nhỏ. Nếu không là một người cẩn thận, chịu khó, thì sẽ không thể làm được công tác biên tập.
Người biên tập phải là người tâm lý và khéo léo, biết cư xử. Vì người biên tập là người trung gian giữa tác giả và độc giả nên người biên tập phải hiểu được tâm lý của cả đối tượng này. Hầu hết, những người viết văn, viết báo rất kị và không thích bài viết của mình bị sửa chữa quá nhiều. Đó là tính tự ái riêng của mỗi người. Người biên tập cần đặt mình vào vị trí của tác giả để hình dung cảm nhận của tác giả, từ đó người biên tập sẽ dễ dàng diễn đạt được ý tưởng của tác giả. Người biên tập cần cân bằng việc sửa chữa tác phẩm nhưng vẫn giữ được thông điệp, ý nghĩa tác giả muốn truyền tải.
Người biên tập không thể chỉnh lý, sửa chữa theo ý muốn chủ quan của bản thân. Bởi người biên tập không phải là người sáng tạo tác phẩm. Sự sáng tạo của người biên tập là có giới hạn. Giới hạn đó chính là việc trau chuốt lại tác phẩm. Giữ mối quan hệ tốt với tác giả cũng là một việc làm thể hiện được tính nghệ thuật và khéo léo trong công tác biên tập của người biên tập. Thêm nữa, một mối quan hệ tốt giữa biên tập và tác giả còn đảm bảo cho người biên tập có được nhiều bài viết tốt hơn sau này.
Không chỉ hiểu tâm lý của tác giả. Người biên tập cần hiểu được tâm lý của công chúng. Xét cho cùng, sản phẩm báo chí có hoàn thiện cũng để phục vụ nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng. Người biên tập vừa là người giúp tác giả diễn đạt thông điệp gửi đến công chúng vừa là người định hướng công chúng hiểu được trọn vẹn thông điệp của tác giả muốn hướng tới. Vì thế, người biên tập khi biên tập tin bài cần cân nhắc mức độ ảnh hưởng, độ khách quan của thông tin.
Những người biên tập luôn trăn trở những thông tin độc giả muốn tiếp nhận, những thông tin ảnh hưởng như thế nào đến độc giả và những thông tin độc giả không muốn tiếp nhận. Từ đây, người biên tập mới cân nhắc, thêm bớt, chỉnh lý, bổ sung thông tin phù hợp để đáp ứng được nhu cầu của mọi độc giả. Người biên tập không những chế biến, “nấu giỏi” các món của tòa soạn đòi hỏi, mà còn phải nhạy cảm với “khẩu vị” trong mỗi “thực đơn” mà bạn đọc công chúng đặt hàng, để có thể kịp thời đáp ứng nhu cầu của họ.
Người biên tập phải là một người lý trí- Làm việc với một cái đầu lạnh và một trái tim nóng. Cần giữ cho thần kinh luôn vững vàng, tỉnh táo,lý trí sáng suốt. Nhẫn nại và biết sàng lọc mọi sai sót, từ sai sót nhỏ nhất trong các bản thảo cần sửa chữa. Cần có sự khách quan và công bằng trong công tác biên tập.
Cuối cùng, người biên tập viên phải là người có trách nhiệm với công việc. Hoạt động biên tập thường là hoạt động làm cuối cùng của cơ quan báo chí. Giai đoạn cuối của công việc biên tập văn bản báo chí chính là xuất bản. Người biên tập sẽ theo dõi in, sửa bài đồng thời tuyên truyền, giới thiệu, phát huy tác dụng của báo chí, lắng nghe ý kiến phản hồi của độc giả. Người biên tập có trách nhiệm sẽ tiếp thu ý kiến nhiều chiều để các bài biên tập sau được hoàn thiện hơn, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu của độc giả vừa điều chỉnh hướng biên tập để hài hòa giữa tác giả và bài viết gửi đến công chúng.
Hằng Nga
Truyền hình A2K32
Cùng chuyên mục
Bình luận