Polyglot: Khi đam mê song hành cùng thử thách
(Sóng trẻ) - Là mục tiêu của nhiều người trẻ học ngoại ngữ ở Việt Nam hiện nay, trở thành polyglot (người có khả năng sử dụng đa ngôn ngữ) là một hành trình đầy say mê nhưng cũng chứa đựng không ít thách thức.
Việc học để sử dụng một ngoại ngữ ở mức cơ bản vốn đã khiến nhiều người cảm thấy e ngại. Tuy nhiên, trong cộng đồng học ngôn ngữ tại Việt Nam, không ít bạn trẻ lại khao khát chinh phục nhiều hơn thế.
Dấn thân vì đam mê
Mỗi polyglot có thể có những câu chuyện khác nhau, song giữa họ đều có chung xuất phát điểm là sở thích cá nhân và niềm đam mê với ngôn ngữ.
Đang theo đuổi việc học 15 thứ tiếng cùng lúc, Phí Thành Đạt (20 tuổi, Trường Đại học Hà Nội) tâm sự: “Ban đầu, mình vốn không tự ràng buộc bản thân phải thành thạo đa ngôn ngữ. Là một người trẻ ham tìm tòi, mình dần tiếp cận nhiều ngôn ngữ khác nhau vì mỗi ngôn ngữ sẽ giúp mình tích lũy được một mảng kiến thức và mang đến cho mình một góc nhìn mới về thế giới xung quanh”.
Theo Đạt, mỗi thứ tiếng đang học đều xuất phát ngay từ những mối quan tâm gần gũi trong cuộc sống. Đạt bắt đầu tiếng Nhật do vô cùng say sưa với các bộ phim hoạt hình Nhật Bản và những nét văn hóa đặc trưng của đất nước này. Trong khi đó, tiếng Trung sẽ giúp Đạt hiểu và ngân nga theo giai điệu của những bài hát yêu thích.
Ngoài ra, việc biết nhiều thứ tiếng còn mang lại không ít lợi ích trong công việc. Theo nghiên cứu mới nhất của Preply - một nền tảng học tập trực tuyến, một polyglot có mức lương trung bình cao hơn 19% và cơ hội được tăng lương cao hơn 5% so với người chỉ sử dụng một ngôn ngữ. 40% nhân viên polyglot nói rằng họ có được công việc ổn định vì biết nhiều ngôn ngữ.
Trong một video trên Youtube, Hana’s Lexis (tên thật là Đỗ Hồng Nhung) - chủ kênh Youtube cùng tên với hơn 700 nghìn lượt theo dõi cho biết, khoảng thời gian theo đuổi 15 ngôn ngữ đã giúp cô xác định rõ ràng hướng đi cho việc lập nên một ứng dụng học ngoại ngữ cho người Việt mang tên Lanatomy AI.
“Trước đây, mình từng học 15 thứ tiếng cùng lúc để nhận thức những thiếu sót của bản thân, từ đó rút kinh nghiệm để xây dựng một nền tảng trực tuyến cho việc học tiếng Anh cùng nhiều ngôn ngữ khác. Không chỉ dừng lại ở một ứng dụng, mình đang tiếp tục phát triển nó thành một ‘hệ sinh thái’ học ngoại ngữ với sự hỗ trợ của AI hay tính năng trao đổi cộng đồng…”, Hana’s Lexis bày tỏ.
Không ngừng được phát triển và cải thiện các tính năng, “hệ sinh thái” học tiếng trực tuyến của Hana’s Lexis được đông đảo người dùng đón nhận, hỗ trợ con đường theo đuổi ngoại ngữ của họ trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Những áp lực vô hình
Với nhiều polyglot, việc theo đuổi đa ngôn ngữ từ một đam mê đã trở thành vấn đề “đau đầu”. Dễ thấy nhất đối với nhiều polyglot là việc dùng các ngôn ngữ một cách “hỗn loạn”.
Đang theo đuổi 4 ngoại ngữ Anh, Ý, Trung, Hàn, Cù Ánh Dương (21 tuổi, Hà Nội) cũng đã gặp khá nhiều gian nan trong việc sử dụng các ngôn ngữ: “Khi nói cùng lúc nhiều ngôn ngữ, thỉnh thoảng mình sẽ quên mất đối tượng đang giao tiếp là ai, dẫn đến nói nhầm sang thứ tiếng khác họ không hiểu. Hơn nữa, nhiều lúc mình cũng gặp tình trạng ‘râu ông nọ cắm cằm bà kia’, khó tìm được từ ngữ chính xác trong một ngôn ngữ nên đành phải sử dụng thứ tiếng khác”.
Khi đối mặt với những khó khăn này, Ánh Dương cho biết bản thân không tránh khỏi những giây phút nản lòng. “Vì sự phức tạp của các thứ tiếng, lại thiếu môi trường giao tiếp và không thể quản lý thời gian cho việc học các ngôn ngữ, mình đã nhiều lần mệt mỏi và có ý định từ bỏ”, Ánh Dương trải lòng.
Là người thành lập dự án Hola Lingua với mong muốn chia sẻ những kiến thức và đồng hành cùng người học trên con đường khám phá các ngôn ngữ và cũng là một polyglot, chị Nguyễn Khánh Ly khẳng định việc trở thành polyglot sẽ mang lại nhiều ưu thế, nhưng người học không nên vì thế mà tự gây áp lực cho mình: “Việc học ngoại ngữ cần được mỗi cá nhân chủ động lựa chọn. Nó có thể xuất phát từ sự tò mò nhất thời, nhưng không nên là bắt buộc. Mỗi người có thể học thông qua nhiều nguồn và với các phương pháp khác nhau”.
Theo chị, mỗi cá nhân cần xác định mục tiêu và chủ động tìm cách học phù hợp. Không chỉ nói miệng “tôi muốn”, người học cần vạch ra lộ trình rõ ràng và quan sát sự tiến bộ của bản thân qua từng ngày.
Chủ nhân dự án Hola Lingua đưa ra lời khuyên: “Cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng chấp nhận khó khăn khi học cùng lúc nhiều ngôn ngữ. Việc sử dụng nhầm lẫn các thứ tiếng, nhất là các ngôn ngữ có cùng nguồn gốc, rất dễ xảy ra khi chưa thực sự thành thạo một ngôn ngữ cụ thể. Người học cần nhận thức điều này là rất bình thường và không nên mất tự tin hay trở nên quá căng thẳng.
Ngoài ra, mở rộng mối quan hệ với những người bạn có chung niềm đam mê ngôn ngữ, cùng giúp nhau tiến bộ cũng là một phương pháp học hiệu quả. Đồng thời, các bạn trẻ cũng không nên ngần ngại tham gia các hoạt động văn hoá có liên quan đến ngôn ngữ mình đang theo học”.