“Săn” trường quốc tế: Khoản đầu tư mạo hiểm
(Sóng trẻ) - Với kỳ vọng tiếp cận nền giáo dục hiện đại trên thế giới, trường quốc tế đang trở thành “trào lưu” khi lựa chọn môi trường giáo dục của nhiều phụ huynh, học sinh, sinh viên.
“Chịu chi” cho nền giáo dục quốc tế
Thực tế cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về số lượng trường quốc tế và nhu cầu theo học tại trường quốc tế đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm trở lại đây. Theo ISC Research, nước ta có khoảng hơn 120 trường quốc tế từ mầm non đến trung học phổ thông, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM.
Nhiều phụ huynh sẵn sàng chi trả mức học phí lên tới hàng trăm triệu đồng một năm để con được hưởng nền giáo dục tiên tiến nhất. Chị Nguyễn Hoàng Anh, 35 tuổi, lựa chọn trường Hội nhập Quốc tế iSchool Trà Vinh cho con trai với mong muốn giúp con phát triển đa dạng các kỹ năng và tư duy toàn diện.
Cùng chung mục đích đó, chị Diệu Linh, một phụ huynh có con theo học tại trường British Vietnamese International School Hà Nội (BVIS), chia sẻ:
“Học phí trung bình một năm khoảng 500 triệu đồng, chưa tính một số chi phí khác. Nhưng gia đình rất hài lòng và yên tâm vì trường có môi trường học tập năng động, giáo viên được tuyển chọn kỹ lưỡng”.
Không chỉ phụ huynh, rất nhiều bạn trẻ cũng có hứng thú tìm hiểu và quyết định lựa chọn theo học tại các trường đại học quốc tế hay trường hợp tác quốc tế. Bạn Nguyễn Thị Ngọc Minh, sinh viên năm ba trường Đại học Việt Pháp (USTH), cho biết lý do chính lựa chọn USTH là do trường có ngành học phù hợp với bản thân và có chất lượng rất tốt về mọi mặt:
“Cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại và đầy đủ tiện nghi, giảng viên đều có học hàm, học vị rất cao. Đa số các môn học được giảng dạy bằng Tiếng Anh, tạo cơ hội cho sinh viên có điều kiện nâng cao trình độ ngoại ngữ. Đối với mình, tuy học phí cao hơn so với mặt bằng chung các trường công lập khác nhưng mình thấy khá xứng đáng.
Dù vậy, trong hơn 2 năm học tập, mình cũng đã phải chứng kiến một số bạn bè cùng lớp bỏ dở việc học. Phần vì do điều kiện các bạn không cho phép, phần vì các bạn không thể hòa nhập với môi trường học tập mới, theo kịp chương trình học bằng Tiếng Anh.”
“Đắt” liệu có “xắt ra miếng”?
Với chất lượng giáo dục vượt trội, cùng với hàng loạt các chiến dịch truyền thông và tâm lý “tiền nào của nấy”, ngày càng có nhiều phụ huynh có suy nghĩ “bằng mọi cách phải cho con học trường quốc tế”.
PGS.TS Trần Thành Nam giải thích: “Tâm lý này bắt nguồn từ tư tưởng sính ngoại của các bậc phụ huynh. Mặt khác, hiện nay giữa bố mẹ đang có cuộc đua về chứng chỉ, bằng cấp, kỹ năng... Và hiển nhiên các trường với đội ngũ giáo viên quốc tế hoàn toàn đáp ứng những điều này.”
Bên cạnh đó, ông Nam cũng nhấn mạnh các bậc phụ huynh cần phải có sự nghiên cứu kỹ càng trước khi cho con theo học ở một môi trường nào đó, không thể vì “mác quốc tế” mà ép buộc con em mình. Trường quốc tế cũng giống như các môi trường giáo dục khác đều tiềm ẩn những rủi ro, sự cố bất ngờ.
Có thể kể đến trường hợp cụ thể như, tháng 8/2019 vụ việc học sinh lớp 1 trường Gateway (Hà Nội) tử vong thương tâm trên ô tô đưa đón của trường. Đây là một vụ việc đau lòng và gây bức xúc cho dư luận trong thời gian dài. Theo báo cáo của cơ quan điều tra, nguyên nhân chính là do sự thiếu trách nhiệm của cán bộ, nhân viên trường Gateway trong việc quản lý, đảm bảo an toàn cho học sinh. Điều đó cho thấy nhà trường đã sơ suất, không thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục và bảo vệ học sinh.
Hay gần nhất vào tháng 5/2022, dư luận một lần nữa xôn xao bởi tin tức nhóm học sinh trường Quốc tế TP.HCM American Academy (ISHCMC-AA) đã có mâu thuẫn từ lâu và sử dụng hung khí đánh nhau ngay trong khuôn viên trường học. Vụ việc này phản ánh sự thiếu chặt chẽ của trường ISHCMC-AA trong việc quản lý hành vi và thái độ của học sinh, để cho các em bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu cực trong xã hội.
Hai trường hợp trên là hai trong số rất nhiều minh chứng cho thấy việc lựa chọn trường quốc tế đôi khi sẽ không phải lựa chọn hoàn hảo của các bậc phụ huynh và học sinh, sinh viên. PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý: “Nhiều phụ huynh không dựa vào năng lực của con cái mà bắt ép con cái học trường quốc tế. Kết quả là sau một thời gian, con em họ phải xin chuyển trường vì không thể theo kịp và hòa nhập với môi trường, nhiều em thậm chí còn có một số dấu hiệu về bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu…”
Đồng quan điểm với ông Nam, chuyên gia tư vấn giáo dục Nguyễn Minh Ánh cũng cho rằng phụ huynh và học sinh phải xác định rõ môi trường chỉ là một phương tiện để giúp chúng ta đi đến thành công của cuộc đời. Vào một ngôi trường không phải là đích đến cuối cùng nên đừng đặt ra mục tiêu và ép buộc con em mình theo đuổi.
“Khi lựa chọn trường học cho con, bố mẹ và học sinh cần xem xét, đánh giá triết lý giáo dục của nhà trường; mối quan hệ của giáo viên và học viên có phù hợp hay không; lựa chọn một môi trường giúp con em phát triển toàn diện cả về thể chất, kỹ năng mềm và tinh thần; cuối cùng phải xác định ngân sách học tập. Phụ huynh và học sinh cũng cần có thời gian tìm hiểu về cơ sở vật chất, trao đổi cùng các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục để tìm được môi trường phù hợp”, bà Ánh chia sẻ.
Như vậy, khi chọn trường cho con, cha mẹ cần tránh các sai lầm như chỉ nhìn vào cơ sở vật chất, giảng viên nghiêm khắc, sinh viên các khóa trước có nhiều giải thưởng, trường có thứ hạng cao... Đặc biệt cần tránh chạy theo tâm lý đám đông hoặc rơi vào trạng thái “khan hiếm giả”.
Tại Việt Nam, các trường phổ thông song ngữ, quốc tế chủ yếu được kiểm định bởi các tổ chức: CIS (Hội đồng các Trường Quốc tế), WASC (Hiệp hội trường Phổ thông và Đại học miền Tây Hoa Kỳ) hoặc NEASC (Hiệp hội các trường học và cao đẳng New England)… Có một số trường học được kiểm định bởi những tổ chức khác như Trường Quốc tế Mỹ (TAS), Trường Quốc tế Nam Sài Gòn (SSIS) được kiểm định bởi Hiệp hội các trường Phổ thông và Đại học miền Tây Hoa Kỳ (WASC)... |