Sau cơn mưa trời lại sáng!

(Sóng trẻ) - Đối với sinh viên nói chung, đặc biệt là sinh viên báo chí thì việc tham gia các hoạt động xã hội vì cộng đồng là một việc làm ý nghĩa và thiết thực. Qua mỗi chuyến đi họ thu nhận thêm được nhiều bài học sinh động và chân thực về cuộc sống. Dưới đây, Sóng trẻ xin giới thiệu “Nhật ký tình nguyện” của một bạn sinh viên lớp Phát thanh K.26 sau chuyến đi về huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá.     

Đối với sinh viên nói chung, đặc biệt là sinh viên báo chí thì việc tham gia các hoạt động xã hội vì cộng đồng là một việc làm ý nghĩa và thiết thực. Qua mỗi chuyến đi họ thu nhận thêm được nhiều bài học sinh động và chân thực về cuộc sống. Dưới đây, Sóng trẻ xin giới thiệu “Nhật ký tình nguyện” của một bạn sinh viên lớp Phát thanh K.26 sau chuyến đi về Thạch Thành, Thanh Hoá.             

Sau cơn bão số 5, 10/2007, đoàn tình nguyện của chúng tôi gồm chín thành viên đều là những sinh viên đang theo học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã dành hai ngày cuối tuần để về giúp đỡ bà con vùng lũ Thạch Thành, Thanh Hoá.

Chúng tôi lên đường từ mờ sáng để kịp chuyến xe khách đầu tiên về Thạch Thành. Về đến Thành Kim lúc mặt trời đã đứng bóng.

Nước lụt đã rút. Nhưng sự tàn phá của nó vẫn còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân nơi đây: Bảy căn nhà bị lũ cuốn trôi, 1.604 hộ bị chìm trong nước, hàng nghìn hecta lúa và hoa màu bị phá huỷ. Toàn xã hiện vẫn trong tình trạng mất điện, thiếu thức ăn và nước sinh hoạt nghiêm trọng. Rác rưởi, bùn đất khắp nơi tạo thành mùi hỗn độn! Trên con đường quốc lộ, nhiều nơi bùn cao đến hơn hai gang tay.

Chúng tôi đi bộ hơn 2km về nhà Lai - một thành viên của đội, cũng là người Thành Kim. Nhà Lai nằm ở  lưng đồi, trước đây khu vực này chưa bao giờ bị lụt, nhưng lần này nước ngập lên đến 2/3 nhà.

Chị Lý (chị gái Lai) đang cào hong mớ lúa màu đã sỉn đen, bốc mùi chua nồng nặc do bị ngâm gần năm ngày trong nước lũ. Không chỉ gia đình chị mà rất nhiều người dân nơi đây cũng đang cố vớt vát tất cả những gì có thể, đặc biệt là lúa, ngô…

Bữa cơm trưa ăn vội với bát canh rau muống loãng, vài con cá kho bắt được trong nước lũ nhưng vẫn còn may mắn hơn nhiều gia đình đang phải ăn mì tôm, lương khô qua ngày!

Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ Đoàn trong xã, chúng tôi đã tìm được đến 6 ngôi nhà chịu hậu quả nặng nề nhất sau cơn bão. Mỗi gia đình là một số phận.   

Ông Vũ Thái Sơn tiếp chúng tôi với chiếc áo ba lỗ cũ, rách lỗ chỗ và chiếc quần vá hậu lấm bùn đất. Gia tài duy nhất còn xót lại của vợ chồng ông là bộ quần áo che thân như thế. Trước lũ, gia đình sống nhờ vào cái nghề mộc nay làm mai nghỉ của ông bởi những vết thương thời chiến tranh thỉnh thoảng lại tái phát.

Ông từng là một chiến sĩ, một nhà báo (bút danh Quang Vũ) lăn lội nhiều năm ở chiến trường miền Trung. Sau giải phóng, mọi giấy tờ đều bị mất. Mãi vừa rồi, khi đã ở cái tuổi 60, khi cậu con trai bị nhiễm chất độc da cam phải nghỉ học ở trường Đại học Hồng Đức vì bệnh quá nặng, ông mới xin cấp lại được giấy tờ. Thế mà chưa kịp đưa lên xã xác nhận trợ cấp, cơn lũ đã lạnh lùng cuốn phăng đi tất cả!

Đứng nhìn cơn lũ quái ác, gầm thét, cuộn dâng xô đổ ngôi nhà mà lòng ông quặn thắt. Nước mắt của người vợ, ánh nhìn thương xót của bà con xóm giềng khiến ông tưởng chừng không thể đứng vững. Nhưng rồi, ông đã lại lạc quan: “Mọi việc đã rồi, than khóc, tiếc nuối cũng làm được gì! Mình vẫn phải tiếp tục sống.”

Chia tay với ông Sơn, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến với ba ngôi nhà nằm ngay dưới mũi nước đoạn đê vỡ. Họ đang phải sống trong những căn lều dựng tạm và duy trì cuộc sống bằng những gói mì, chai nước cứu trợ.


Nhìn dòng nước lũ cuốn phăng đi ngôi nhà yêu quý, những cuốn sách từng được cậu nâng niu, những tấm giấy khen của 9 năm tiên tiến xuất sắc mà Ngọc Anh (học sinh lớp 9A, trường THCS Thành Kim) oà khóc nức nở. Gia đình Ngọc Anh là một trong ba gia đình nằm dưới đoạn đê sung yếu bị nước cuốn trôi. Rất may không có thiệt hại về người.

“Bây giờ em rất muốn được đi học nhưng sách vở bị trôi hết rôì”. Câu nói của Ngọc Anh cứ ám ảnh tôi mãi! Món quà vận động quyên góp trong một tuần ngắn ngủi tuy không nhiều nhưng cũng đủ để sưởi ấm ít nhiều những số phận không may mắn.

Việc khắc phục hậu quả sau bão không đơn giản chút nào! Đến Thành Kim thời điểm này mới thấy được sách, vở và những đồ dùng học tập quý đến thế nào.

Tranh thủ cái nắng yếu ớt, nhiều em nhỏ ôm những chồng sách nặng trĩu vì bị ngâm nước quá lâu ra phơi. Sân nhà được tận dụng tối đa. Có em vẫn kiên trì phơi sách dẫu biết khó có thể không đọc được do bị ngâm nước lâu làm sách nhoè hết!

Trở  về nhà của Lai sau một ngày đến với bà con, ai nấy đều mệt lừ. Ăn cơm xong thì trời cũng vừa tối. Một buổi tối mất điện, không quạt mát, không tivi và không cả tắm!

 Buổi sáng hôm sau, biết chúng tôi phải đi sớm một số gia đình và giúp xã dọn dẹp sau lũ, chị Lý dậy rất sớm nấu cơm nếp, muối vừng cho cả đội. Bát cơm tình người ấm lòng biết bao, cả đoàn lại hăng hái lên đường!

Đi đến đâu nhân dân cũng gọi: “Thanh niên tình nguyện ơi giúp chúng tôi với”. Đã làm tất cả những gì có thể nhưng thời gian thì không nhiều mà vật chất cũng chẳng được là bao nên chúng tôi vẫn cảm thấy rất buồn!

Kết thúc buổi tình nguyện cuối cùng, khi đồng hồ đã chỉ 10h, đoàn chúng tôi phải xin phép ra về cho kịp giờ lên xe. Mọi người bịn rịn tạm biệt nhau. Sẽ còn mãi những kỷ niệm với Thành Kim! Chúng tôi biết rằng, đời người còn nhiều chuyến đi và sau mỗi chuyến đi là những kỷ niệm, những bài học khó phai. Nó cũng giúp chúng ta lớn lến rất nhiều.
Lê Hương
Lớp Phát thanh K. 26

 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN