Sinh viên báo chí và câu chuyện kiến tập
(Sóng trẻ) – Kì kiến tập của sinh viên báo chí thường rơi
vào cuối kì II năm ba. Một tháng trút bỏ mác sinh viên để trở thành phóng viên
thực thụ, hòa mình với guồng quay báo chí quả không ít áp lực và gian nan.
Lựa chọn tờ báo không phù hợp
Các tờ báo lớn thường đòi hỏi cao về cả số lượng lẫn chất lượng.
Họ hầu như không có thời gian hướng dẫn cho sinh viên đến kiến tập. Khi đó,
sinh viên sẽ rất bị động, đến cơ quan chẳng làm gì rồi kết quả là trắng tay ra
về. Nhìn chung, khi đến với những tòa soạn có “tiếng tăm”, không tránh khỏi trường
hợp bạn hoàn toàn phải tự bơi. Nếu không cân nhắc kỹ để chọn tờ báo phù hợp,
sinh viên rất dễ bị “sặc nước”.
Nếu không cân nhắc kỹ để chọn tờ báo phù hợp, sinh viên rất dễ bị “sặc nước”
Bên cạnh đó, việc thiếu kiến thức chuyên ngành cũng là một
rào cản lớn đối với sinh viên. Lan Anh (Học viện Báo chí và tuyên truyền) chia
sẻ: “Mình từng xin kiến tập ở mục Kinh tế của Báo Đất Việt. Mình rất yêu thích
lĩnh vực này. Tuy nhiên, vì còn hạn chế về kiến thức chuyên ngành nên bài viết
của mình gần như không đạt”.
Áp lực chỉ tiêu
Chỉ tiêu của đợt kiến tập với sinh viên Báo chí là 2 tin, 1
bài. Với những sinh viên đã cộng tác với các báo từ năm nhất, năm hai thì đó là
việc bình thường. Nhưng đối với những sinh viên chưa từng viết báo thì quả là một
thử thách. Khi nhận được thông báo chỉ tiêu, nhiều bạn nơm nớp lo sợ. Thu Hà (Học
viện Báo chí và tuyên truyền) chia sẻ: “Mình cảm thấy rất hoang mang trước kì
kiến tập. Mình chưa từng đi viết nên không biết bắt đầu từ đâu?”
Một tháng trút bỏ mác sinh viên để trở thành phóng viên thực thụ quả không ít áp lực và gian nan
Áp lực tin bài buộc sinh viên phải tìm mọi cách để đáp ứng
chỉ tiêu. Có những người viết vội ra những bài báo vô thưởng vô phạt chỉ mong
“được đăng”. Vì thế, dù nhiều bài gửi đi nhưng vẫn không có hồi âm. “Đề tài
mình đề xuất khá nhiều nhưng không được duyệt. Những lúc như thế mình rất nản,
chỉ muốn buông xuôi”- Hà bộc bạch.
Áp lực thời gian cùng với sự e ngại, rụt rè khi tiếp xúc với
môi trường báo chí, chưa dám dấn thân mạnh mẽ vào thực tế khiến không ít sinh
viên tự rơi vào “mạng nhện” khó khăn do chính mình tạo ra. Bên cạnh đó, việc
“bí” đề tài, thiếu phương tiện tác nghiệp cũng là điều khiến cho nhiều sinh
viên phải nơm nớp lo sợ trong suốt 4 tuần tham gia hoạt động thực tế tại tòa soạn.
Song, kỳ kiến tập là cơ hội để sinh viên quan sát thực tế,
làm quen với công việc của một nhà báo thực thụ và xác định được khả năng của bản
thân. Với những sinh viên có “lửa” với nghề, chắc chắn thời gian thử thách này
sẽ đem lại nhiều kinh nghiệm quý báu.
Với những sinh viên có “lửa” với nghề, thời gian thử thách này sẽ đem lại nhiều kinh nghiệm quý báu
“Nếu làm việc nghiêm túc thì chỉ tiêu đặt ra cũng không đáng
lo ngại. Nhưng nếu không đạt được chỉ tiêu cũng không nên quá buồn, vì quan trọng
mình biết bản thân tới đâu và cần trau dồi thêm những gì. Có mệt mỏi, khó khăn
mình mới thấy ý nghĩa thực sự của nghề mình đã lựa chọn” – Lan Anh thổ lộ.
Thúy Nga