Sinh viên cần chuẩn bị gì cho kì thực tập?
(Sóng Trẻ) - “Sinh viên cần chuẩn bị gì cho kì thực tập?”, đây là câu hỏi mà đa số những bạn sinh viên dù là lần đầu hay đã trải qua bất cứ một kì thực tập nào trước đó, đều bối rối trước câu trả lời.
Thái độ quyết định thành công
Có một điều khá thú vị rằng: nếu coi các chữ cái A, B, C, D,… tương ứng với các con số 1, 2, 3, 4,… lần lượt thì kết quả sẽ là:
L+U+C+K+Y (May mắn) = 47
KNOWLEDGE (Kiến thức) = 96
H+A+R+D+W+O+R+K+I+N+G (Chăm chỉ) = 98
Dù bạn có kiến thức, thừa sự may mắn và cả sự chăm chỉ cần mẫn thì vẫn chưa đạt tới con số 100. Nhưng có một phép tính có thể đạt được con số đó:
A+T+T+I+T+U+D+E = 1+20+20+9+20+21+4+5 = 100
Và Attitude chính là Thái độ.
Thái độ trong quá trình làm việc ở một môi trường mới, quan trọng nhất chính là sự tôn trọng, cầu tiến và cởi mở. Không ai có thể tự tin rằng mình đã được trang bị đủ kiến thức để bước vào môi trường làm việc và có lẽ cũng chẳng có bạn sinh viên nào muốn “đánh cược” những kì thực tập quan trọng của mình cho hai chữ “may mắn”. Không ngại khó, không ngại khổ, luôn nỗ lực và cố gắng bằng thái độ tích cực, bạn chắc chắn sẽ “ghi điểm” với mọi người xung quanh.
Chuẩn bị ghi chép, ghi chép và ghi chép
Dù bạn có thói quen ghi chép hay không thì ngay trước khi bước vào kì thực tập, hãy chuẩn bị cho mình một cuốn sổ tay riêng.
Thực tập là một điều mới mẻ với bất cứ một bạn sinh viên nào. Đặc biệt là ở trong một môi trường lần đầu tiên tiếp xúc, sẽ khó tránh được những nhầm lẫn, thiếu sót. Và để giảm điều này, hãy luôn bên mình một cuốn sổ tay ghi chép.
Ghi rõ ràng địa chỉ thực tập, thời gian thực tập, phòng ban cần thiết, số điện thoại mới quan trọng,…
Hoặc cuốn sổ cũng có thể trở thành cuốn nhật kí, ghi lại toàn bộ quá trình thực tập của bản thân bạn. Những ghi chép như cách sử dụng máy in ra sao, giờ nghỉ trưa mọi người thường ăn ở đâu, trang phục nào phù hợp, cần mang thêm giấy tờ hay tìm kiếm nguồn tài liệu ở đâu thì phù hợp,… Một số những thông tin tưởng như nhỏ nhặt như vậy nhưng cũng vô cùng quan trọng, giúp các bạn dễ dàng bắt nhịp, hòa đồng hơn với mọi người xung quanh.
Cùng với đó, bạn cũng có thể biến cuốn sổ tay thành sổ nhắc việc. Hãy check list những công việc cần làm sắp tới, ghi lại những công việc chưa hoàn thành,… Kết thúc kì thực tập, hãy nhìn lại cuốn sổ một lần nữa để thấy được thành quả của mình sau thời gian dài cố gắng. Và biết đâu, chính cuốn sổ ghi chú này sẽ trở thành “công cụ” hữu ích giúp bạn nhanh chóng hoàn thành báo cáo kiến tập vốn rất “khó nhằn” đấy!
Xây dựng mối quan hệ
Ông bà ta từ xưa vẫn luôn nhắc nhở rằng: “Buôn có bạn, bán có phường”. Điều này luôn đúng trong mọi trường hợp và ngay cả khi bạn sắp chuẩn bị bước vào kì thực tập.
Bạn đã ghi nhớ và lưu lại số điện thoại của giáo viên hướng dẫn thực tập? Bạn đã nhớ tên, chức danh hay vị trí của người bạn đang liên hệ tại cơ quan thực tập? Bạn đã “bắt sóng” được những ai sẽ “sát cánh” cùng mình trong kì thực tập sắp tới?, Với những anh chị hay bạn bè đang làm việc tại nơi bạn sắp thực tập thì bạn đã nhắn tin hay hỏi thăm về công việc với họ hay chưa,… 1001 những câu hỏi mà ngay từ bây giờ bạn nên tìm câu trả lời ngay.
Bạn Hồng Hạnh, sinh viên năm 4 Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Tạo dựng mối quan hệ tốt sẽ giúp mình rất nhiều. Vì thế ngay từ khi thực tập ở năm 3 đến tận bây giờ, mình vẫn thường xuyên giữ liên lạc với các anh chị tại chỗ thực tập. Đôi khi chỉ vài tin nhắn đơn giản hoặc hỏi về vấn đề trong công việc,… Vì thế, đến khi thực tập năm 4, mình cảm thấy thực sự tự tin và gần như đã rất quen thuộc với công việc mới”.
Quỳnh Anh
Cùng chuyên mục
Bình luận