Sinh viên đôn đáo tìm nhà trọ trước thông tin đi học trực tiếp
(Sóng trẻ) - Những ngày vừa qua, hầu hết các trường đại học, cao đẳng đã lên kế hoạch cho sinh viên, học viên đi học tập trung trở lại. Trước thông tin đó, hàng loạt sinh viên ngoại tỉnh đã đổ xô đi tìm kiếm nhà trọ ngay sau Tết.
Tâm lý sinh viên: vừa mừng vừa lo
Sau thời gian dài học trực tuyến, thực hiện chỉ đạo của thủ tướng Phạm Minh Chính về việc chuẩn bị các điều kiện để mở cửa trường học trở lại, nhiều trường đại học đã thông báo lịch học trực tiếp cho sinh viên đi học sau Tết nguyên đán. Cụ thể: Từ ngày 21.2, sinh viên, học viên các khóa, hệ tại học viện Ngân Hàng bắt đầu đi học tập trung tại học viện và các phân viện, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội quy định sinh viên các hệ/bậc học chuyển sang học trực tiếp từ ngày 14.2 theo thời khóa biểu học kỳ II năm học 2021-2022,...
Ngoài ra một số trường đại học chia nhỏ thời gian lên học trực tuyến thành nhiều đợt đối với từng hệ khác nhau. Như Học viện Báo chí và Tuyên truyền thông báo các lớp nghiên cứu sinh cao học, đại học hệ vừa học vừa làm sẽ học tập trung từ ngày 14/2, tiếp đó là hệ chất lượng cao học trực tiếp từ 28/2, và cuối cùng là hệ các lớp đại học chính quy hệ chuẩn sẽ học từ ngày 7/3.
Việc được quay trở lại trường học khiến các bạn tân sinh viên vừa mừng, vừa lo. Mừng vì sau quãng thời gian dài học online tại nhà, các bạn sắp được gặp mặt bạn bè, thầy cô ở giảng đường. Lo là bởi sắp phải đi học xa nhà, sống một cuộc sống tự lập ở vùng đất mới.
Ngay sau khi nghe tin đi học trực tiếp, Bạn Vũ Thanh Phượng (sinh viên năm nhất trường Đại học Tài nguyên và Môi trường) đã chuẩn bị tâm lý cùng hành trang sẵn sàng nhập học. Bạn tâm sự: “Khi nhận được thông báo, dù không bất ngờ nhưng mình khá lo lắng. Vì đã quen với việc học online nên khi học trực tiếp sẽ có đôi chút khó khăn”
Cô tân sinh viên chia sẻ thêm, vì đi học xa nhà nên vấn đề chỗ ở cũng rất quan trọng. Dù thuộc diện được ở ký túc của trường nhưng Phượng vẫn quyết định lựa chọn thuê trọ ngoài. Cho đến hiện tại, bạn vẫn đang loay hoay tìm kiếm cho mình một phòng trọ ưng ý.
Gian nan việc tìm trọ
Không chỉ riêng Phượng, đối với nhiều sinh viên bây giờ, vấn đề chỗ ở chính là một nỗi bận tâm lớn, việc tìm được một nơi ở ưng ý là điều không hề đơn giản. Nhiều khu phòng trọ giá khá hời nhưng điện nước, vệ sinh lại không tốt. Khi sinh viên chọn được khu nhà chất lượng thì có thể giá lại không hề rẻ, không phù hợp với đời sống sinh viên.
Nhận được giấy báo trúng tuyển từ lâu nhưng chưa một lần trải nghiệm đời sống sinh viên trên Hà Nội, bạn Nguyễn Thảo Ly (sinh viên năm nhất, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Mình chưa có kinh nghiệm nhiều trong việc tìm trọ. Vì ở xa nên mình thường tìm kiếm online qua các hội, nhóm trên facebook. Mình thấy rất nhiều bài đăng cho thuê trọ nhưng đa phần là cò mồi trung gian nên cũng khá đắn đo. Mình có đọc được một số bài viết các các anh chị sinh viên từng bị lừa hay gặp phải chủ trọ khó tính khiến tâm lý mình cũng khá e dè.”
Khác với mọi năm, chỉ sinh viên năm nhất mới bị áp lực tìm trọ thì năm nay, rất nhiều sinh viên năm 2, năm 3 cũng không nằm ngoài cuộc “chạy đua” tìm chỗ ở. Trong thời gian nghỉ dịch kéo dài, phần lớn sinh viên đã trả phòng để về quê học online, nên nỗi lo bây giờ là sau khi lên học trực tiếp sẽ không còn chỗ ở. Bạn Nguyễn Anh Tuấn (sinh viên năm hai, trường đại học Điện Lực) cho biết: “Khi thấy tình hình dịch bệnh kéo dài, mình trả trọ luôn sau khi hết hợp đồng. Giờ đây, mình bắt đầu tìm phòng trọ khác nhưng chưa thấy chỗ nào phù hợp.”
Có cầu ắt có cung, khi nhu cầu của sinh viên lên cao thì thông tin cho thuê phòng trọ cũng tràn ngập các trang mạng xã hội. Các chủ trọ cũng có nhiều cách để tiếp cận sinh viên như dán giấy giới thiệu, đăng tải bài viết, nhờ người môi giới,.... Tại khu vực Cầu Giấy, nơi tập trung nhiều sinh viên các trường đại học như Báo Chí, Sư Phạm, Thương Mại,... việc tìm trọ còn trở nên khó khăn hơn nhiều.
Cô Nguyễn Thị Son, chủ nhà trọ tại khu vực này chia sẻ: “Những ngày gần đây sinh viên hỏi thuê phòng nhiều lắm, hôm nào cũng có mấy hội sinh viên vào xem. Đợt dịch bệnh căng có nhiều sinh viên bỏ trọ nên giờ phòng trống còn nhiều nhưng với tình hình này, trọ sẽ sớm được thuê hết. Dù nhu cầu thuê trọ của sinh viên cao nhưng cô tuyệt nhiên không tăng giá phòng trọ, vẫn giữ nguyên giá và còn có thêm một số hỗ trợ sinh viên thuê trọ”.
Khi đi tìm phòng, sinh viên nên cẩn thận với những lời quảng cáo, mời gọi vì rất có thể bị lừa tiền cọc hay thuê phải phòng trọ chất lượng thấp nhưng chi phí cao. Hiện nay các trường đại học đều có phòng công tác sinh viên, hỗ trợ tư vấn cho học viên tìm phòng trọ hợp lý.