Tam Đảo, Vĩnh Phúc: Hút khách du lịch nhờ mô hình trồng hoa - tạo cảnh - chụp ảnh
(Sóng trẻ) – Những năm gần đây nhờ tận dụng địa hình, cảnh quan, chuyển từ trồng cây su su sang trồng hoa gắn với các hoạt động du lịch, chụp ảnh,… nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc đã vươn lên phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ.
Huyện Tam Đảo được thành lập và đi vào hoạt động năm 2004 trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, thị trấn thuộc huyện Bình Xuyên, Tam Dương, Lập Thạch và thành phố Vĩnh Yên. Là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, Tam Đảo có vị trí địa lý gần với thủ đô Hà Nội và sân bay quốc tế Nội Bài, thuận lợi trong việc thu hút khách nội địa và quốc tế đến với Tam Đảo. Bên cạnh đó, huyện có nút giao lên xuống với tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai dễ dàng kết nối tuyến du lịch với các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lào Cai.
Tam Đảo có điều kiện tự nhiên phong phú, là nơi gìn giữ báu vật của thiên nhiên với hệ thống rừng nguyên sinh, hồ, đập, suối, thác nước, hang, động và núi cao cùng với những thắng cảnh nổi tiếng như đỉnh Rùng Rình, rừng Ma, ao Dứa, Thác Bạc, núi Trường Sinh, suối Bát Nhã, suối Giải Oan. Đặc biệt, khu nghỉ mát Tam Đảo nằm ở độ cao hơn 900m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình trong năm là 180C là nơi lý tưởng cho du khách nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học, du lịch công vụ, mạo hiểm.... thu hút hàng trăm nghìn khách đến tham quan hàng năm.
Mô hình vườn hoa – tạo cảnh – chụp ảnh đem lại hiệu quả kinh tế cao cho Tam Đảo (Ảnh: Công Bắc)
Những năm gần đây, tận dụng được lợi thế là khu trọng điểm về du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc, thị trấn Tam Đảo đã và đang trong quá trình phát triển nhiều mô hình kinh tế du lịch – dịch vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có mô hình trồng hoa – tạo cảnh – chụp ảnh phục vụ khách du lịch tham quan, chụp hình, quay phim,…
Bà Vũ Phương Thái (58 tuổi) chia sẻ về hiệu quả kinh tế với mô hình trồng hoa – tạo cảnh của gia đình (Ảnh: Công Bắc)
Theo hộ gia đình bà Vũ Phương Thái (58 tuổi) chủ bãi hoa tại sườn đồi dưới khu Belvedere Tam Dao Resort, trước đây, khu vực vườn trên đồi chủ yếu trồng cây su su. Việc trồng cây su su gặp phải nhiều khó khăn khi mỗi năm đất đều bạc màu, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng là một trong những tác nhân khiến việc trồng cây su su không đem lại hiệu quả kinh tế. Chính vì vậy từ tháng 8/2017, gia đình bà Thái chuyển hoàn toàn sang trồng các loại hoa, quy hoạch khu vực vườn đồi thành mô hình trồng hoa – tạo cảnh phục vụ khách du lịch tham quan, vãng cảnh, chụp hình.
Đa dạng loài hoa được trồng tại vườn (Ảnh: Công Bắc)
Hoa dã quỳ là một trong những loài hoa thu hút nhiều du khách đến với vườn (Ảnh: Công Bắc)
Điểm đặc biệt của những mô hình trồng hoa – tạo cảnh này là sự đa dạng của các loại hoa được trồng. Mùa nào trồng hoa đó, các loại hoa được trồng phải phù hợp với khí hậu của Tam Đảo. Đa dạng các loại hoa như: hoa dã quỳ, hoa cải vàng, cải trắng, hoa bách hợp, hoa lam tú cầu, hoa đỗ quyên,… nài ra còn có những loài hoa cổ, ít còn được thấy như: hoa hồng dây, hoa hiên, hoa móng rồng,…
Hệ thống cầu mây là một điểm nhấn độc đáo tại vườn hoa – tạo cảnh (Ảnh: Công Bắc)
Hệ thống cầu mây hướng ra phía nài núi tạo ra một không gian chụp ảnh thu hút nhiều khách du lịch (Ảnh: Công Bắc)
Trong vườn không chỉ có những khu trồng hoa mà còn có nhiều tạo cảnh khác làm nên những điểm nhấn độc đáo tại vườn hoa. Đó là hệ thống các lán trại bằng lá khô, hệ thống bể bơi chuyên chụp ảnh, đặc biệt là hệ thống cầu mây nài núi được ghép lại từ các ống tre, nứa,… tạo thành hệ thống cầu, bậc thang bao quanh sườn đồi ở độ cao từ 900 – 1000m được mây bao phủ tạo ra một khung cảnh nên thơ, mơ màng là địa điểm thu hút nhiều khách du lịch chụp hình. “Khi có mây thì cầu mây đến, khi không có mây thì cầu mây đi” – bà Vũ Phương Thái – chủ vườn chia sẻ.
Bể bơi trên đỉnh núi cũng là một điểm chụp ảnh đặc biệt tại vườn hoa (Ảnh: Công Bắc)
Việc quy hoạch, trồng hoa tại các sườn núi Tam Đảo gặp rất nhiều khó khăn. Với địa hình núi cao – đón gió, ảnh hưởng từ thiên tai, gió lốc khiến cho nhiều đợt trong năm nhiều vườn hoa bị tàn phá nghiêm trọng, người dân gần như mất trắng sau những đợt thiên tai. “Có lần đầu từ hơn 20 triệu tiền hoa đặt, bố trí trong vườn chuẩn bị đón khách nhưng đúng đến 1 – 2 giờ sáng một cơn lốc đi qua cuốn đi gần sạch, mất hết, lều, trại cũng bay hết” – bà Thái chia sẻ. Không chỉ vậy, quá trình trồng, chăm sóc hoa cũng gặp nhiều khó khăn khi hệ thống nước tưới tiêu phải kéo xa do địa hình.
Nhiều đoàn khách du lịch, chụp ảnh cưới lựa chọn các vườn hoa – chụp hình là một điểm đến không thể thiếu khi đến với Tam Đảo (Ảnh: Công Bắc)
So sánh hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng hoa – tạo cảnh với việc trồng cây su su trước đó thì mô hình trồng hoa – tạo cảnh đem lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Với giá vào cửa một lần là 10.000 đồng/1 khách lẻ và 150.000 đồng/ 1 đoàn đám cưới thì thu nhập bình quân một ngày trên vườn hoa là từ 1 – 2 triệu đồng. “Vào những đợt cao điểm, vườn hoa luôn trong tình trạng quá tải không có lối vào, có những ngày hơn 1000 lượt khách vào vườn, không đủ cả chỗ cho khách vào vườn tham quan, chụp hình” – bà Thái nói.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ những mô hình trồng hoa – tạo cảnh – chụp ảnh, UBND huyện Tam Đảo luôn khuyến khích nhiều hộ gia đình là du lịch sạch tiếp tục mở rộng thêm nhiều mô hình trồng hoa – tạo cảnh để tiếp tục thu hút khách du lịch đến với Tam Đảo, biến những mô hình như vậy trở thành một hướng đi mới, có hiệu quả trong việc phát triển Tam Đảo thành trọng điểm du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc.
Thực hiện: Công Bắc
Cùng chuyên mục
Bình luận