Tâm sự chuyện nghề từ nhà báo Trần Dzĩ Hạ
(Sóng trẻ) - Xuất phát từ một phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Trần Dzĩ Hạ trở thành một trong những nhà báo có tên tuổi và để lại nhiều tác phẩm báo chí cũng như công trình nghiên cứu có giá trị cho các thế hệ đi sau học tập và tìm hiểu.
Cuộc đời cầm bút nhiều gian truân
Trần Dzĩ Hạ là cái tên quen thuộc xuất hiện trên nhiều mặt báo. Ông viết được nhiều đề tài, từ chính luận, nghiệp vụ báo chí cho đến truyện cười. Mặc dù không qua trường lớp đào tạo nào cũng như không đến với báo chí bằng niềm đam mê lớn nhất, nhưng bằng những trải nghiệm và lòng tâm huyết của mình, những bài báo do Trần Dzĩ Hạ viết ra đều mang những giá trị sâu sắc, dài lâu, thấm đẫm lòng nhiệt thành của một nhà báo chân chính.
Khi nói về sự nghiệp của mình, nhà báo Trần Dzĩ Hạ tâm sự: “Nghề nó chọn mình chứ mình không chọn nó. Cuộc đời tôi lắm khi 'lên voi xuống chó', cũng nếm đủ mùi vất vả, đắng cay rồi. Tuy nhiên, dù có thế nào thì cái mình đặt lên trên nhất vẫn là tầm vóc, đạo đức của người làm nghề, vẫn phải đầu tư, say mê, luôn cố gắng để tự tìm kiếm động lực cho chính mình”.
Cả cuộc đời cầm bút, các bài viết của Trần Dzĩ Hạ đã được đăng trên hơn 100 tờ báo, có tháng ông viết được tận 41 bài, ngày nhiều nhất viết được 11 bài. Đối với người làm báo, đó thực sự là một kết quả đáng ngưỡng mộ.
Nhà báo Trần Dzĩ Hạ có một sự nghiệp báo chí ấn tượng
"Mắt sáng, lòng trong, bút sắc' là chưa đủ"
Chia sẻ về những tố chất mà một người làm báo bắt buộc phải có, Trần Dzĩ Hạ vui vẻ nói: “Nói như ông Hữu Thọ thì một nhà báo phải hội tụ đủ 3 yếu tố: mắt sáng, lòng trong, bút sắc. Nhưng theo tôi thì ba yếu tố ấy thôi chưa đủ, một người làm báo cần phải có gan to nữa, nghĩa là phải biết dẫn thân, phải biết nỗ lực không ngừng để bảo vệ lẽ phải”.
Còn đối với lớp trẻ muốn dẫn thân vào nghiệp báo, theo nhà báo Trần Dzĩ Hạ, trước hết phải có sức khỏe, nghị lực và môi trường rèn luyện, sau đó mới đến trí tuệ. Nói đến đây, Trần Dzĩ Hạ cũng không quên đề cập đến những vấn đề nổi cộm trong việc đào tạo nghiệp vụ cho người làm báo. Ông nhấn mạnh, việc quan trọng nhất trong đào tạo và giáo dục là phải làm sao để đào tạo được khả năng độc lập tư duy, khả năng phản biện và sự sáng tạo, bởi đây là ba điều kiện cần và đủ cho một người muốn gắn bó lâu dài với báo chí.
Đến với nghề báo không qua trường lớp nhưng ông đã góp phần viết những cuốn sách dạy về báo chí
Bên cạnh đó, nhà báo cũng nhấn mạnh hình thức “tự kỉ ám thị”, mà theo ông, tất cả mọi nhà báo cần phải hiểu nó và áp dụng nó, đó là thứ tạo nên nguồn động lực tinh thần vô giá cho mỗi một người làm báo.
Nhà báo hôm nay "cần cân bằng mọi mối quan hệ xã hội"
Gần đây, đặc biệt là sau vụ thảm sát ở tòa soạn báo Charlie Hebdo (Pháp), vấn đề dấy lên trong dư luận và gây ra nhiều ý kiến trái chiều là vấn đề xoay quanh quyền tự do ngôn luận. Khi bàn về đề tài này, nhà báo Trần Dzĩ Hạ đưa ra quan điểm của mình: “Với tư cách của một người làm báo, tôi đề cao tuyệt đối quyền tự do ngôn luận và cho rằng đây là một quyền lợi phải được đảm bảo. Tuy nhiên, viết và nói về cái gì, chúng ta vẫn phải cân nhắc, tức là phải có giới hạn của nó, phải tùy đối tượng, môi trường mình viết, phải xem mình đang viết ở khoảng thời gian nào, thời đại nào, đang viết trong tư cách gì, chẳng hạn như cùng là một vấn đề nhưng những gì. Một nhà báo nói khác với những gì một nguyên thủ quốc gia nói. Đồng thời, người viết có thể tự do ngôn luận nhưng không được phép đặt mình ra khỏi phạm vi của của đạo lí, lẽ phải, đạo đức của người làm báo. Một người làm báo thông minh là người biết cân bằng mọi mối quan hệ xã hội”.
Là người thuộc thế hệ đi trước, nhìn và đánh giá về báo chí hiện đại, cụ thể là báo mạng điện tử, Trần Dzĩ Hạ nhận xét: “Cái mà báo mạng điện tử làm được đó là tính cập nhật và tính tuyên truyền, khả năng tác động mạnh mẽ đến xã hội, sự hình thành và phát triển của báo mạng điện tử thực sự là một cuộc cách mạng báo chí. Tuy nhiên cái hạn chế của nó là một số báo còn chạy theo cơ chế thị trường, mang tính giật gân, câu khách do tầm nhìn của người viết còn hạn hẹp”.
Nhà báo Trần Dzĩ Hạ và đứa cháu trong buổi trò chuyện
Tuy không còn đương chức nhưng những kiến thức, trải nghiệm của nhà báo Trần Dzĩ Hạ vẫn luôn là kho tàng tri thức quý giá cho nhiều nhà báo trẻ học tập.
Thủy Tiên
Báo Mạng điện tử K34
Cùng chuyên mục
Bình luận