Tâm sự của người trực Tết giữa Thủ đô
(Sóng trẻ) - Dư luận đã nói nhiều tới câu chuyện của những người trực Tết ở các vùng xa xôi, như người lính ở đảo xa hay hay các thầy cô giáo trên miền biên cương. Nhưng vẫn còn đó những người trực Tết ở ngay giữa Thủ đô, với tâm sự thật “lạ”
Thấm thoát đã qua 3 cái Tết cùng người yêu, năm nào cũng vậy, vào mỗi buổi tối tất niên, anh H.T.N lại cùng cô bạn gái của mình đi dạo phố phường và ngắm pháo hoa của đêm giao thừa. Nhưng Tết Quý Tỵ năm nay lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, khi anh không thể được hòa cùng mọi người đón không khí đón xuân mà phải dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ trực đêm tại tòa soạn.
Anh N chia sẻ tâm sự khi bài vở còn bộn bề xung quanh: “Ngồi trên tòa nhà cao tầng ở giữa Thủ đô, mình nhìn rất rõ dòng người nô nức đi đón giao thừa. Thế là lại mường tượng ra cảnh hai đứa đi hóng giao thừa như mọi năm. Áy náy nhất là năm nay, “người ấy” sẽ ngồi thui thủi ở nhà vì không có mình ở bên”.
Đâu chỉ có nghiệp báo, ngành công an là vất vả. Cũng chung nỗi niềm như anh N, chị N.T.P, y tá chạnh lòng: “Chứng kiến cảnh nhiều gia đình hạnh phúc đèo nhau đi đón giao thừa thế kia, thú thật là cũng hơi chạnh lòng một chút, vì giờ này chồng mình ở nhà phải xoay vần ra lo đủ mọi thứ, và trông cả hai đứa con nhỏ nữa.”
Không phải chỉ riêng những người trực Tết giữ băn khoăn trong lòng, mà người thân của họ cũng có không ít tâm sự khi rơi vào hoàn cảnh “mỗi người một nơi.”
Đón giao thừa tại cơ quan cũng có nhiều điều thú vị
Chị T.T.H, người yêu của anh N giãi bày: “Cũng lăn tăn lắm chứ, vì tự dưng đến dịp quan trọng mà hai người lại không ở bên nhau. Nhưng mình không dám nói ra, vì biết là càng nói, anh ấy sẽ càng băn khoăn. Công việc được giao, phải hoàn thành cho tốt. Mình và anh ấy sẽ bù đắp cho nhau vào dịp sau này.”
Trong khi đó, chồng của chị P là anh L.M.C cũng không quên động viên vợ, cho dù vào ngày cuối năm, mọi việc trong nhà dồn cả lên đôi vai của anh.
Tất bật thay vợ nấu cỗ, rồi tắm rửa cho con, anh C vẫn hài hước: “Có làm thay những công việc của vợ, mới hiểu được vợ mình vất vả thế nào. Chắc sau này không chịu để vợ trực Tết mất thôi. Nói vui vậy chứ mình biết công việc của vợ là đặc thù, những năm trước thì người khác đã trực, năm nay phải hoán đổi thôi.”
Băn khoăn và tâm sự là vậy, song những người làm nhiệm vụ vào đêm giao thừa như anh N hay chị P đều có chung một suy nghĩ. Đó là phải cảm ơn buổi trực Tết, vì nhờ đó mà họ mới cảm nhận sâu sắc thêm được ý nghĩa của sự cảm thông, quan tâm từ những người thân.
Anh N nói rằng khi giao trọng trách trực ca vào đêm giao thừa là cấp trên đã rất tin tưởng vào anh, cả trong yếu tố tâm linh cũng như công việc chuyên môn.
Vậy nên “Nếu không có buổi trực như thế này, làm sao mình biết chồng mình đảm đang đến vậy cơ chứ. Thực sự, nhờ có trực Tết mà mình mới thấu hiểu thêm sự cảm thông và quan tâm của chồng. Vậy nên không biết nói gì hơn, nài lời cảm ơn buổi trực Tết.”
Nguyễn Trung Hiếu
Lớp Báo in K32B
Lớp Báo in K32B
Cùng chuyên mục
Bình luận