Tâm sự người giáo viên vẽ lại cuộc sống cho trẻ tự kỷ
(Sóng trẻ)- Có giáo viên không đứng trên bục giảng, cũng không có kỳ nghỉ hè, nhưng họ vẫn đóng vai trò là người dạy dỗ, người bạn tâm giao, lại như mẹ hiền dạy con những kỹ năng sống đơn giản nhất. Họ luôn cố gắng từng chút với niềm hy vọng học sinh của mình sẽ giống như các bạn khác, trở thành những đứa trẻ có thể đến trường để học tập, vui chơi, lớn lên và trưởng thành.
Những giáo viên không đứng trên bục giảng
Trong căn phòng rộng rãi, sạch sẽ của Trung tâm dành cho trẻ tự kỷ An Bắc Kạn, chúng tôi nghe tiếng nô đùa của các bạn nhỏ khi cùng nhau tập một bài vận động đơn giản. Một vài em không hợp tác òa khóc, gào thét...Trước những cơn bùng nổ của các bé, các cô giáo nhanh chóng dỗ dành, xoa dịu cảm xúc học trò.
“Công tác đầu tiên giáo viên ở An làm là cho các con có được cảm giác an toàn. Nhu cầu an toàn của các con phải được đáp ứng trước nhất, vì mỗi một đứa trẻ khi cảm thấy an toàn mới hợp tác với mình", cô giáo Bùi Phượng chia sẻ.
Tại đây, những giáo viên đã trở thành một người bạn, cùng học, cùng chơi. Những đứa trẻ ấy chăm chú nhìn vào cử chỉ tay cô, nhưng chốc chốc lại không khỏi sao nhãng mà đảo mắt đi nơi khác.
Đã 4 năm công tác tại Trung tâm dạy trẻ tự kỷ An Bắc Kạn với tư cách người thành lập và là giáo viên trực tiếp giảng dạy, cô Phượng được biết đến như một người mẹ thứ hai của những bạn nhỏ có chứng rối loạn và tự kỷ. Từ một sinh viên ngành Tâm lý học được sớm tiếp xúc với trẻ tự kỷ, trong cô như dần có thứ tình yêu vô hình, đủ để bùng lên thành ngọn lửa nhiệt huyết, thôi thúc mong muốn mở lớp dạy trẻ sau này.
Cô Phượng bộc bạch: “Thực ra thì nghề chọn người, chuyên ngành chính của tôi là học Tâm lý học đường, và tôi học tiếp lên cao học. Nhưng tôi đã tiếp cận với các em bé đặc biệt từ khi còn học Đại học. Sau đó tôi đã dạy ở trường chuyên nghiệp, hiện tại là giảng viên của trường Cao đẳng Bắc Kạn".
Cô cho biết bản thân từng tham gia vào tổ chức hỗ trợ trẻ đặc biệt HI. Nhìn thấy con đường phía trước, người giáo viên yêu nghề quyết tâm đi học tiếp lên Thạc sĩ tâm lý tại trường Đại học Sư phạm 1. Xuất phát điểm là dân tâm lý, sau nhiều năm học tập, cô giáo Phượng trở về Bắc Kạn làm việc và tiếp tục ấp ủ ước mơ tạo ra một trung tâm riêng dành cho các bạn học sinh đặc biệt. Đến năm 2018, Trung tâm An Bắc Kạn ra đời.
Hành trình tạo ra "ngôi nhà hạnh phúc"
Một mình cố gắng trên hành trình tạo ra “ngôi nhà hạnh phúc” cho trẻ tự kỷ, người giáo viên trẻ tuổi này cũng có lúc mệt mỏi và căng thẳng. Không chỉ giúp những trẻ em đặc biệt, với cô Phượng, việc mở một trung tâm dạy học cũng là cơ hội lớn để giúp đỡ những bạn trẻ cùng ngành.
“Khi quyết định mở trung tâm, tôi mong muốn có thể hỗ trợ được nhiều hơn cũng như tạo cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên trường mình sau khi ra trường. Tuy nhiên, tôi lại gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng.
Làm nghề này không phải ai cũng theo được bởi vì đặc thù công việc. Vừa phải có lòng thương trẻ và phải luôn luôn học tập học hỏi các mới. Nên nhiều lúc cảm thấy rất khủng hoảng, nhất là trong việc đào tạo nhân sự”, cô Phượng ngậm ngùi chia sẻ.
Nghiêm túc và có chuyên môn cao trong công việc, sau những tháng ngày miệt mài, giờ đây cô Phượng đã thực hiện được mong muốn xây dựng một ngôi trường có đầy đủ vật tư cũng như chất lượng nhằm hỗ trợ trẻ rối loạn, tự kỷ.
Theo lời cô Phượng, những đứa trẻ khi đến đây kiểm tra tình trạng và học tập đều có biểu hiện khác nhau. Có những bé là tự kỷ có rối loạn đi kèm, có bạn lại là trẻ tự kỷ chức năng cao, có IQ cao. Ngoài ra còn có một số biểu hiện khác như rối loạn giác quan, chậm phát triển ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ.
“Có những ca khiến tôi trăn trở rất nhiều. Bạn ấy 5 tuổi và đã học ở nơi khác được 2 năm. Bạn có ngôn ngữ nhưng gần như không nhận thức được những gì mình đang nói. Ví dụ bạn ấy nói “Không đánh các em đâu” nhưng bạn ấy sẵn sàng lao vào đánh, đá. Tuy vậy, gia đình lại chưa hiểu tình trạng của con, chưa hợp tác lắm”, cô Phượng bày tỏ.
Phụ huynh chưa hợp tác
Trước khi đến với Trung tâm An, một số bạn nhỏ được gia đình đưa đi khám trước đó. Nhưng cũng có những phụ huynh chưa có điều kiện, thậm chí chưa nhận ra vấn đề của con. Dẫu biết rằng công việc của các giáo viên là điều kiện tiên quyết, nhưng trách nhiệm của phụ huynh cũng vô cùng quan trọng. Thế nhưng đây lại là điều khiến cô Phượng trăn trở…
"Phụ huynh miền núi có gánh nặng cơm áo gạo tiền, họ chưa đủ kiên trì và nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này. Ở trung tâm có 16 em bé thì chỉ có 6 phụ huynh là hỗ trợ tích cực, còn 10 phụ huynh thì phó mặc mọi thứ cho cô giáo", cô Bùi Phượng chia sẻ.
Gặp gỡ phụ huynh một học sinh tại Trung tâm An, chúng tôi phần nào hiểu rõ những khó khăn của cả giáo viên lẫn người làm cha, làm mẹ. Có con là trẻ tự kỷ, chị H.T.H mang trong mình nỗi khổ tâm lớn: “Chỉ khi đến trường, cháu mới chịu thực hiện các bài giảng và trị liệu của cô giáo, nhưng đến khi về nhà, cháu lại lầm lì, không nói chuyện với bố mẹ. Tôi dù công việc bận bịu nhưng luôn dành thời gian buổi tối ngồi trò chuyện với cháu. Là một người mẹ nhưng chưa từng được con ôm hôn, thật sự tôi cũng rất đau lòng”.
Trung tâm An Bắc Kạn nằm giữa vùng miền núi, ở nơi này, khó khăn về kinh tế dường như đè nặng lên vai những người làm cha mẹ. Áp lực cuộc sống, cộng thêm áp lực tinh thần, vô tình tạo nên một khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Do đó, mọi niềm hy vọng đều được gửi gắm nơi cô Phượng, giáo viên giàu tình yêu thương của trung tâm nhỏ.
Trò chuyện cùng chúng tôi, cô tiếp tục thủ thỉ những niềm vui mà mình gom góp suốt bao năm qua. Là Hiệu trưởng của trường, hơn ai hết cô hiểu nơi này, hiểu những cô cậu học trò đặc biệt của mình.
“Ở trung tâm có 3 bạn khá ở thể nặng thì chưa biết biểu hiện cảm xúc. 13 bạn còn lại đã biết thể hiện cảm xúc của mình, mong muốn được các cô ôm ấp, vỗ về. Cô chỉ cần rìa tay ra thì bạn ấy chạy ào đến ôm, hôn, thơm”.
Cô cười, chúng tôi chắc rằng khoảnh khắc đó, cô giáo Phượng đã nghĩ về những học trò đặc biệt của mình. Sau đó, cô có kể chúng tôi nghe về những cô cậu bé đặc biệt, người đã mang đến cho cô những cảm xúc khó quên dù đã rời khỏi trung tâm:
“Tôi nhớ mãi bạn Minh Hiếu, lúc đến với tôi bạn đã 6 tuổi. Sau một khoảng thời gian học, lúc bạn đến thăm tôi, bạn có ôm theo một bó hoa".
- Hiếu cầm hoa làm gì đó?
- Tặng cô.
- Tặng cô ngày gì?
- Ngày yêu cô.
Niềm vui đối với cô Phượng nói riêng và các giáo viên dạy trẻ tự kỷ nói chung thật đơn giản. Một cái gật đầu, một cái ôm, lời nói yêu cô hay sự tiến bộ hằng ngày đều trở thành những món quà vô giá.
Nghề nào cũng mang trong mình một sứ mệnh cao cả. Với cô Phượng thì sứ mệnh ấy lại càng khiến cô tự hào, hạnh phúc hơn bao giờ hết. Trung tâm An - một chữ An ngắn ngủi nhưng hàm chứa bao hy vọng và ý nghĩa. An trong bình an, an tâm, an lành. Chữ An đó như gói trọn tâm tư người nhà giáo, mong muốn mang đến cho học trò những gì tốt đẹp nhất.