Về quê ăn Tết trong đại dịch - Kỳ 3: Đợi một ngày đoàn viên
(Sóng trẻ) - Nỗi niềm mong đợi một ngày được trở về không chỉ đến từ những người lao động xa quê. Trong tâm trí mỗi người cha, người mẹ ở nhà ngày nhìn thấy con cái về quê mới là điều thực sự hạnh phúc.
Những chuyến đi xa
Xế chiều, ông Nguyễn Thế Dung (Thị Trấn Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) dắt chiếc xe máy ra cổng để chuẩn bị đi đón cháu tan học. 5 năm nay, bố mẹ cu Tít - cháu ông Dung - đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài chưa trở về. Tít năm nay lên 6, sống với ông bà từ bé. Trong kí ức của em, hình ảnh bố mẹ chỉ hiện diện qua những cuộc gọi video, và những lần gửi quà về cho mình.
Hai anh chị Nguyễn T. D và Trần T. H lấy nhau khi còn trẻ, cả hai luôn mong đợi một cuộc sống sung túc, đầy đủ. Quyết định khó khăn nhất của đôi vợ chồng là gửi lại đứa con nhỏ cho ông bà trông để đi xuất khẩu lao động.Lao động xa nhà còn nhiều vất vả, vậy mà hai anh chị lại ở mỗi người một nơi nước khác nhau.
Trong suy nghĩ non nớt của cậu bé 6 tuổi, Tít chẳng thể hiểu vì sao lại không được ở bên cạnh bố mẹ của mình. Chia sẻ về những ngày chăm cháu thay con, ông Dung chia sẻ: “Hồi cu Tít còn nhỏ là thương nhất. Thằng bé mới có 1 tuổi mà phải xa bố mẹ. Mọi việc chăm cháu đều được hai ông bà lo hết. Mỗi cuộc điện thoại về nhiều khi muốn rơi nước mắt vì thương con ở nơi đất khách quê người nhưng cũng chỉ đành nén lại giấu vào trong".
Nhắc đến Tết Nguyên đán, người ông thoáng buồn, trăn trở: “Càng gần những ngày giáp Tết, nỗi nhớ con lại cồn cào, da diết. Bao nhiêu năm Tết chỉ lủi thủi có hai vợ chồng già với đứa cháu nhỏ. Những buổi lễ Tết chỉ có thể gặp con qua màn hình điện thoại, thấy con cùng các bạn đồng nghiệp cũng ăn Tết âm ở nước ngoài mà cũng phần nào yên tâm”.
Những ngày tình hình dịch bệnh căng thẳng trên toàn thế giới, nỗi niềm của bố mẹ già lại tăng lên gấp bội phần. Mọi cuộc gọi điện cho con ở nơi xứ xa cũng chỉ hỏi thăm được tình hình sức khỏe, căn dặn các con phải cẩn thận. Nhiều khi người làm cha, làm mẹ cũng chỉ muốn các con trở về với gia đình. Nhưng vì quyết định của các con đã vậy, thì cũng chỉ biết ngậm ngùi chờ đợi mà thôi. Những đồng lương gửi về, ông bà cũng chỉ dùng cho cháu một phần và để dành đợi khi con về có tiền mà làm ăn.
Ngoài sân cu Tít vẫn đang ngồi chơi cùng chú chó thân thuộc của mình. Trong ánh mắt của cậu bé luôn ánh lên một hy vọng về ngày đoàn tụ với bố mẹ và một cái Tết đoàn viên.
Hạnh phúc ngày trở về
Khác với câu chuyện nhà ông Dung, Tết năm nay gia đình anh Nguyễn Dương Tuấn hân hoan đón Tết tại quê nhà. Vì công việc làm ăn, cả gia đình đã phải tạm biệt quê chuyển lên thành phố định cư. Đi xa quê gần chục năm, những ngày Tết đến chỉ có gia đình nhỏ quây quần trong căn phòng chung cư nhỏ bé, thiếu đi tình cảm xóm làng cùng khiến lòng người như chững lại.
Anh Nguyễn Dương Tuấn ngậm ngùi chia sẻ: “Cuộc sống trên thành phố khác nhiều chứ, lúc nào cũng hối hả, vội vàng. Sinh hoạt thì khép kín, ít khi có cái cảnh anh em làng xã quây quần như xưa. Nhiều khi cũng muốn về quê thăm lại họ hàng, xóm giềng nhưng vì đặc thù công việc bận bịu nên cũng chỉ đành bỏ lại căn nhà trống ở quê”. Ngày nhận quyết định chuyển công tác, cả nhà anh chỉ đành biết bỏ lại mọi thứ ở quê để lên thành phố. Những ngày tháng đầu thật sự khó khăn khi phải chạy đôn chạy đáo để ổn định cuộc sống.
Sau chục năm công tác, giờ anh đã được chuyển công tác về quê. Năm nay anh cũng gia đình được ăn Tết tại căn nhà vừa được tu sửa lại khang trang hơn. Được hòa chung không khí hân hoan đón Tết cùng họ hàng và làng xóm, anh chia sẻ: “Sau bao năm xa quê, năm nay tôi đã được về quê ăn Tết. Được đi chợ quê, đi thăm họ hàng, giúp mọi người trang trí lại cổng chào ở đầu xóm khiến tôi cảm thấy rất ấm áp và hạnh phúc”.
Không ai mong muốn đi làm ăn xa quê, không phải người nông dân nào cũng muốn rời bỏ ruộng vườn của mình để bon chen nơi thành phố mưu sinh. Nhưng cuộc sống với bộn bề lo toan đã buộc họ phải đưa ra những lựa chọn. Những suy nghĩ, trăn trở trong lòng của người ở lại chờ đợi lại là gấp đôi gấp ba hoặc hơn rất nhiều. Họ không chờ đợi xem con cháu kiếm được bao nhiêu, mang về những gì, mà những mong mỏi chỉ gói gọn trong hai chữ “bình an”.