Tháng năm ấy, bạn và tôi!

(Sóng Trẻ) - “Đứng ở ban công lớp, tôi ngước nhìn lên bầu trời và chợt nhìn thấy cây thông già đã có từ khi thành lập trường - kỷ vật tình bạn giữa tôi và đứa bạn thân mà tôi có nhắc đến trong lưu bút chia tay tôi viết cho nó.”
Mới ngày nào vào lớp Một còn ngồi nghêu ngao “em yêu trường em với bao bạn thân”, rồi là “lớp chúng mình rất rất vui, như anh em keo sơn một nhà”. Tưởng sau này lớn lên sẽ không còn hát mấy bài kiểu đó nữa, ai ngờ lại có cái lớp đặc biệt như lớp tôi, làm toàn những trò kỳ lạ không lý giải nổi.

Có lẽ vì sắp xa mái trường trung học, và để tổng kết cả một chặng đường “quậy phá” trên ghế nhà trường thứ Bảy cuối tuần nào cũng hát mấy bài thuộc làu hồi tiểu học. Những tưởng mấy bài trẻ con ấy tụi bạn sẽ không ai chịu hát, ai dè chúng nó lại hát rất “tử tế”, trên mặt còn thoáng hiện những nét rất ngây thơ, hồn nhiên như trẻ nhỏ. Cô chủ nhiệm nhìn cả lũ chỉ biết cười và khẽ lắc đầu. Chắc cô nghĩ: “Bó tay với cái lớp này!”

Nghĩ lại, học cùng với chúng nó gần ba năm nay, mỗi ngày đi học với tôi đều là một ngày vui. Tiết chào cờ thứ hai đầu tuần luôn là một cuộc đua trong lớp tôi, mà kẻ thắng là kẻ nhanh tay. Lớp có 25 mống mà luôn chỉ có 24 cái ghế thôi. Đứa nào đi học muộn sẽ phải ngồi xuống đất, không những thế còn được “ghi danh bảng vàng” và thể nào cuối tuần cũng được “vinh danh” trên bảng tin của lớp vì “thành tích” làm tụt hạng của lớp.

Lại còn cái trò sơ vin của đám con trai nữa. Chúng nó không bao giờ chịu sơ vin cho đàng hoàng khi tới lớp cả. Chỉ có khi chào cờ và xuống thể dục giữa giờ là chúng nó chịu “bỏ áo vào quần”. Tôi không hiểu nổi sao chúng nó ghét làm thế, mặc dù mấy đứa con gái trong lớp khen chúng nó “đóng thùng” rất chất.

                    a179e2b80_truongamschiataygiaoduc.net.vn_42.jpg

Những giờ thực hành Sinh học trong phòng thí nghiệm thì luôn đầy bất ngờ. Chúng tôi được học làm nhiều thứ nhưng nhớ nhất vẫn là lần học làm sữa chua. Đứa nào đứa nấy cũng tỏ vẻ ta đây nhưng đều làm hỏng bét, chỉ riêng nhóm tôi là “thành công”. Cô giáo khen làm ra được vị sữa chua, tuy hơi thiếu vị ngọt. Thật ra, sữa chua này là một đứa mang từ quán nhà nó đi, nhân lúc cô giáo và các nhóm khác không để ý đã đổ vào. Sữa chua bị chua quá có lẽ do vốn nó đã đạt độ chua rồi nhưng lại được ủ thêm 4 tiếng nữa. Hôm đó cả nhóm cứ lo không biết sữa chua có bị hỏng không, về sau lại lo không biết cô giáo nếm thử có bị làm sao không. Nhưng rồi đứa nào đứa nấy cũng quên ngay khi được cho điểm 9 đỏ rói.

Phải nói là lớp tôi khi vào bài kiểm tra môn chính như Toán, Văn, Anh thì như đánh trận. Đứa nào đứa nấy nhìn cũng đăm đăm, tìm mọi cách để che bài không cho đứa khác chép. Nhưng kỳ lạ là đến giờ kiểm tra miệng thì lại trở nên vô cùng đoàn kết. Lớp tôi có kiểu phân công nhau lên lấy điểm miệng bài tập các môn Lý, Hoá. Bài khó cho đứa giỏi, bài dễ cho đứa yếu hơn. Có lúc trong giờ Lý, thầy giáo thấy nhiều đứa hăng hái giơ tay, tưởng lớp đều làm được bèn gọi sổ thế là chết ngay mấy đứa không chuẩn bị hoặc bị “lệch tủ”; lên bảng đành chọn phương án “cứu trợ từ bạn thân”.

Giờ Anh là nhộn nhất, học mà chơi, chơi mà học. Thầy giáo chúng tôi luôn có một trò chơi nho nhỏ đầu giờ để khuấy động không khí. Nhớ có lần chơi trò lấy đồ vật, có ba tổ tất cả. Lần đó thầy yêu cầu một cốc nước, đội tôi nhờ có con trai nên mang về nhanh nhất. Thầy giáo tuyên dương xong rồi đưa chén nước lên uống một hơi còn khen mát. Thằng bạn thấy vậy nuốt nước bọt đánh ực rồi quay xuống nhìn tôi ái ngại thì thầm: “Mày ơi, chết tao. Thấy hai đứa đội kia tranh nhau chờ vòi nước ở bình, tao nghĩ là chỉ cần mang nước thôi, thế là tao…tao vào…nhà vệ sinh mày ạ.” Tôi hốt hoảng: “Thế là lấy nước ở… bồn ấy à?” Thằng bạn ngập ngừng: “Bồn rửa tay mày ạ”. Hic, hai đứa ái ngại nhìn thầy. Tôi tự nhủ vẫn may là nước ở bồn rửa tay, nếu không thì…
Đấy, lớp tôi là thế. Tuy không đến nỗi bị cho là “nghịch” vì là khối Xã hội nhưng cũng không phải là không “tinh”. Dường như cái ngày định mệnh càng đến gần chúng tôi ai cũng tự nhủ phải mở lòng hơn, cố tận hưởng những phút giây tươi đẹp bên nhau này. Cũng không khó để nhận ra sự thay đổi dần dần của lũ bạn tôi. Học cùng nhau gần ba năm rồi mà lại, còn không hiểu nhau nữa.

Thay đổi rõ nhất là hai đứa con trai “lạc đàn” trong lớp tôi. Chúng nó vốn từ trước đến nay chưa hề tham gia bất cứ một cuộc đi chơi nào cùng lớp vì ngại lũ con gái nhưng năm lớp 12 này, chúng nó đã khiến con gái vô cùng bất ngờ khi xuất hiện buổi karaoke lại còn mang thêm đồ ăn vặt đến nữa chứ. Chúng nó không e ngại chụp ảnh chung với lớp nữa, nói chuyện với tụi con gái nhiều hơn.

 Riêng phần tôi, tôi cũng thấy mình đang dần thay đổi vì cái ngày chia xa ấy. Gần đây, tôi chọn cách đạp xe chậm lại, thậm chí xuống dắt xe khi vào cổng trường. Tôi chưa từng thấy cổng trường mình dài và lãng mạn trong khung cảnh đỏ rực màu hoa phượng thế này bao giờ. Và hiếm khi tôi đứng lại đọc bảng tin trước cổng trường nhưng dạo gần đây thì thường xuyên xem vì có điểm thi thử lần này.

Mỗi khi tiếng trống trường vang lên, chúng tôi lại thấy xốn xang trong lòng. Liệu chúng tôi đã sẵn sàng chia tay mái trường trung học để bước vào đại học? Luôn có những câu hỏi mà chỉ có bản thân mình mới trả lời nổi.
Đứng ở ban công lớp, tôi ngước nhìn lên bầu trời và chợt nhìn thấy cây thông già đã có từ khi thành lập trường - kỷ vật tình bạn giữa tôi và đứa bạn thân mà tôi có nhắc đến trong lưu bút chia tay tôi viết cho nó.

                           a179e2b80_2_7_1337590943_36_lhp2005128_66636.jpg

Đó là câu chuyện ngày chúng tôi mới vào học.  Buổi học đầu tiên, tôi rất ít nói nên hầu như không làm quen được ai. Giờ ra chơi, có một đứa con gái đã đến bên cạnh tôi khi tôi cũng đang đứng nơi ban công này, nở nụ cười ngây thơ như đứa trẻ, đôi mắt mở to tròn và hỏi tôi: “Liệu đến khi mình học xong cái cây này có cao hơn mái nhà được không nhỉ?” Tôi trả lời: “Chắc không được đâu.” Nhưng đứa kia quả quyết: “Tớ tin là được”.

Thế rồi chúng tôi làm bạn của nhau dù hai đứa như nước với lửa. Tình bạn của chúng tôi có lẽ giống như cục nam châm, luôn có một cực Bắc và một cực Nam, tuy tính tình khác nhau nhưng lúc nào cũng quấn lấy nhau được. Giờ đây, ba năm sắp qua, cái cây tuy đã cao hơn nhiều nhưng vẫn không thể cao hơn mái trường được. Và câu trả lời chắc chắn là không thể. Không bao giờ có thể.

Lũ học trò chúng tôi như những cái cây này, dù đã trưởng thành nhiều dưới mái trường nhưng vẫn chỉ là những đứa trẻ, còn nhiều điều cần học hỏi để có thể bước vào cuộc sống. Chúc cho những bạn bè thân mến của tôi và cả những ai sắp bước vào kì thi đại học đầy cam trước mắt sẽ như những cái cây kiên cường này, luôn vững vàng trước sóng gió và vươn cao đến tận trời xanh; quan trọng nhất là không lúc nào được quên cội nguồn gốc rễ đã nuôi nấng thân cành được như ngày hôm nay, các bạn nhé.

Trần Nhật Linh

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN