Thanh niên và những tác động đến việc chuyển đổi năng lượng bền vững tại Việt Nam

(Sóng trẻ) - Thời gian gần đây, năng lượng bền vững là một trong những vấn đề đang rất được quan tâm, nhất là sau khi Việt Nam ký cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26. Vậy trên thực tế, với một vấn đề tưởng chừng như chỉ dành cho các nhà kinh tế hay các chính trị gia, sự giúp sức của các bạn trẻ được thể hiện như thế nào? PV đã có cuộc trò chuyện với bạn Dương Thị Bảo Ngọc - người sáng lập dự án Sóng xanh Podcast để hiểu hơn về vấn đề này.

PV: Được biết Ngọc đang là một sinh viên theo học ngành Báo chí, tại sao bạn lại yêu thích và quan tâm đến vấn đề môi trường, và cụ thể là về năng lượng bền vững?

Bảo Ngọc: Mọi người có thể hơi bất ngờ một chút, bởi vì vấn đề báo chí và môi trường hay năng lượng tưởng chừng không liên quan đến nhau. Nhưng mà thật ra thì từ năm cấp ba thì mình đã có sự quan tâm và yêu thích về vấn đề môi trường và năng lượng rồi. Khi mà lên đại học và là một sinh viên Báo chí thì mình được học nhiều hơn và dần có định hướng là sẽ làm việc trong ngành báo chí này. Chính vì thế mà mình mới tham gia nhiều hơn về các dự án về năng lượng cũng như là đọc nhiều tài liệu nghiên cứu chuyên sâu hơn về vấn đề năng lượng tái tạo và năng lượng bền vững.

PV: Đối với 1 sinh viên không theo học ngành Năng lượng thì trong việc tiếp cận cũng như tìm hiểu về lĩnh vực này chắc hẳn có rất nhiều khó khăn?

Bảo Ngọc: Đúng là mình đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Thật ra chỉ cần search cụm từ “Năng lượng bền vững” trên mạng thì mọi người sẽ tìm được rất nhiều tài liệu. Tuy nhiên, chính vì nguồn tài liệu ở trên Internet quá dồi dào, nên việc khó khăn ở đây là làm sao có thể chọn lọc để đọc xem đâu mới là nguồn thông tin chính xác.

Năng lượng là một vấn đề xảy ra hằng ngày và thay đổi liên tục. Các bạn sinh viên ngành năng lượng đi học và được cập nhật kiến thức mỗi ngày. Còn với một sinh viên Báo chí như mình, nếu không thực sự có sự quan tâm và tìm hiểu về nó một cách cặn kẽ thì mình có thể bỏ lỡ rất nhiều thông tin.
Một cái khó khăn nữa đó là mình không có một người chỉ dẫn để giúp mình tìm hiểu thông tin một cách đúng đắn. Trong quá trình làm truyền thông về vấn đề Năng lượng, đôi khi nguồn tin mình tiếp cận chưa chính xác. Khi không có một giảng viên hay một người hướng dẫn để định hướng sửa đổi thông tin theo hướng chính xác thì mình rất dễ tiếp cận và truyền tải thông tin một cách sai lệch.

PV: Được biết Ngọc có tham gia 1 số chương trình, dự án về chủ đề Năng lượng dành cho thanh niên. Liệu đây có phải là một trong những cách để bạn để học tập và tìm hiểu thêm kiến thức về vấn đề năng lượng bền vững?

Bảo Ngọc: Thực sự thì những kiến thức chuyên sâu về năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo nếu chỉ tiếp cận trên văn bản giấy như sách vở, tài liệu thông thường thì khá là khô khan. Chính vì thế, một “tay ngang” trong lĩnh vực năng lượng như mình đã lựa chọn tham gia những dự án, những chiến dịch, những buổi tọa đàm hoặc những buổi nói chuyện về vấn đề Năng lượng. Nguồn thông tin mà các diễn giả cung cấp trong các hoạt động này không quá chuyên sâu hay khó hiểu. Đặc biệt là trong những diễn đàn hay trong những cuộc thi sáng kiến thì còn cung cấp kiến thức thông qua những trò chơi hay những hoạt động giao lưu, chia sẻ, hỏi đáp. Nhờ vậy, việc tiếp cận của mình đến vấn đề năng lượng cũng sẽ dễ dàng và dễ hiểu hơn.

PV: Bên cạnh thực tế rằng hiện nay có rất nhiều bạn trẻ đang tham gia vào những chương trình, những dự án về Năng lượng bền vững, thì cũng có ý kiến cho rằng năng lượng là vấn đề vĩ mô, là phạm vi quan tâm của những nhà kinh tế hay chính trị gia chứ thanh niên sẽ khó tạo ra được tiếng nói hay ảnh hưởng lớn. Là 1 người trẻ, bạn có bình luận gì về ý kiến này?

Bảo Ngọc: Thật ra thì mình chính bản thân mình cũng là người từng băn khoăn như thế khi mà bắt đầu nghiên cứu hay làm dự án. Và trong những hoạt động về Năng lượng bền vững mà mình đã từng tham gia thì câu hỏi này cũng được chính các bạn thanh niên đặt lên.

Khi nghe về vấn đề năng lượng hay là năng lượng tái tạo, năng lượng bền vững, mọi người có thể cảm thấy nó giống như một cái gì đấy rất xa vời, nghe khó hiểu và vĩ mô. Nhưng mà thật ra khi mà mình tiếp cận với nó, gắn nó vào cuộc sống thì nó đến từ những vấn đề rất đơn giản hằng ngày như sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng phương tiện công cộng thay cho phương tiện di chuyển cá nhân hay sử dụng những nguồn năng lượng tốt cho môi trường như năng lượng mặt trời, năng lượng gió,... Những vấn đề đấy gắn bó mật thiết với cuộc sống của mình, đặc biệt là với các bạn thanh niên. Chính vì thế thanh niên lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc mà truyền thông, giáo dục và lan tỏa nhiều hơn thông tin về năng lượng tái tạo đến cho các bạn trẻ khác.

Khi mình mong chờ những mục tiêu, những thay đổi lớn thì mình sẽ cảm thấy nó khó, nó quá sức. Thế nhưng khi thu thu hẹp lại về những cái mục tiêu ngắn hạn hơn thì các bạn sẽ thấy mình cũng có thể tạo ra được những ảnh hưởng nhỏ bé, tác động từng chút một đến ngành Năng lượng tại Việt Nam.

PV: Với kinh nghiệm tham gia vào những chương trình, dự án chuyển đổi năng lượng dành cho thanh niên thì theo Ngọc, các bạn trẻ cần có tố chất hay năng lực gì đặc biệt để tham gia vào những dự án về chuyển đổi năng lượng không?

Bảo Ngọc: Thực ra mình nghĩ là cũng không đến mức phải gọi là năng lực đặc biệt. Bản thân mình đây cũng không có một năng lực gì đấy gọi là đặc biệt cả nhưng mà vẫn có thể theo đuổi ngành này. Mình cũng hy vọng là các bạn thanh niên đang bắt đầu có sự quan tâm về vấn đề môi trường hay năng lượng cũng không cần cảm thấy mình phải biết những kiến thức uyên thâm và chuyên sâu thì mới có thể bắt đầu vì thực ra nó bắt nguồn từ những cái rất nhỏ.

Đầu tiên đó là các bạn cần phải có sẵn sự yêu thích và mong muốn được học hỏi. Bởi vì chỉ khi mà mình có sự yêu thích và thực sự mong muốn được tìm hiểu về nó thì dù có khó khăn trong việc tìm kiếm, nghiên cứu tài liệu hay là thực hiện dự án thì mình vẫn có thể vượt qua được bởi vì mình đang thực sự yêu thích và có mong muốn tìm hiểu.

Với các bạn mong muốn tìm hiểu về vấn đề môi trường và năng lượng thì cần có sự kiên trì trong việc tìm kiếm, đọc các nguồn thông tin và kiên trì trong việc cập nhật tin tức hằng ngày. Bởi vì vấn đề năng lượng, môi trường nếu không phải là một người học chuyên sâu thì rất có thể sẽ tiếp cận sai cái nguồn tin, dẫn đến truyền thông sai hoặc đưa những thông tin chưa thực sự chính.

Mình nghĩ là sự yêu thích và kiên trì là hai yếu tố quan trọng nhất. Còn thực ra không cần một tố chất gì đó quá đặc biệt để có thể theo đuổi ngành này cả.

PV: Được biết bạn đang điều hành Sóng xanh Podcast - 1 trong những dự án nhận được tài trợ của Cuộc thi sáng kiến thanh niên Chuyển đổi năng lượng đảm bảo công bằng xã hội. Bạn kỳ vọng gì về tầm ảnh hưởng của dự án đến nhận thức của các bạn trẻ trong việc tiếp cận với chuyển đổi năng lượng?

Bảo Ngọc: Về dự án Sóng xanh Podcast, đây là một dự án sẽ hướng đến mặt truyền thông, giáo dục cho các bạn trẻ nhiều hơn. Chúng mình chọn truyền tải thông tin bằng Podcast vì hiện nay podcast đang dần trở nên phổ biến hơn và có nhiều lượng người nghe. Mọi người dành nhiều thời gian để lắng nghe podcast hơn và những thông tin mà chúng mình truyền tải qua podcast thì cũng dễ dàng đến với mọi người hơn.

Mình hi vọng sau dự án này sẽ có thêm nhiều bạn trẻ được tiếp cận và biết đến vấn đề năng lượng, an ninh năng lượng cũng như năng lượng tái tạo, năng lượng bền vững và dần có sự thay đổi trong lối sống của mình. Nó bắt đầu từ những cái rất nhỏ, ví dụ như tắt điện khi không sử dụng hay sử dụng phương tiện công cộng. Đó là những điều mà mình mong muốn sau khi dự án này kết thúc.

PV: Hy vọng những mong muốn của Ngọc cùng các cộng sự sẽ sớm được thành hiện thực và sớm lan tỏa được thêm nhiều kiến thức đến với các bạn trẻ trong việc tiếp cận về chuyển đổi năng lượng.

Cảm ơn Bảo Ngọc đã dành thời gian tham gia cuộc trò chuyện này. Chúc bạn có nhiều sức khỏe và thành công với những dự định trong tương lai.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN