Thầy giáo mầm non: Đam mê vượt qua định kiến

(Sóng trẻ) - Khi nhiều người vẫn còn e ngại về hình ảnh một người đàn ông làm giáo viên mầm non, anh Lê Xuân Trường lại đang chứng minh rằng, tình yêu trẻ thơ và sự tận tâm với nghề không phân biệt giới tính. Qua cuộc trò chuyện này, anh sẽ chia sẻ những trải nghiệm, niềm vui và cả những khó khăn khi theo đuổi nghề giáo.

Thầy giáo Lê Xuân Trường bế học sinh ở trường. (Ảnh:NVCC)
Thầy giáo Lê Xuân Trường bế học sinh ở trường. (Ảnh:NVCC)

Từ chàng thanh niên nhút nhát không dám theo đuổi ước mơ trở thành thầy giáo mầm non vì định kiến “giáo viên mầm non là việc của phụ nữ” hay “thầy giáo mầm non là những người yếu ớt”, thầy Trường đã dũng cảm thực hiện ước mơ sau những lần “không dám”. “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều rồi mới quyết định”. 

Sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Phúc, thầy giáo trẻ sinh năm 2000 - Lê Xuân Trường hiện đang công tác tại một trường mầm non trên địa bàn quận Cầu Giấy - Hà Nội. 

PV: Anh có thể chia sẻ về quyết định chọn trở thành thầy giáo mầm non. Trước quyết định đó, gia đình, bạn bè anh đã có phản ứng như thế nào? 

Thầy Lê Xuân Trường: Ngay khi tốt nghiệp cấp 3, tôi đã ấp ủ ước mơ trở thành giáo viên mầm non. Tuy nhiên, mong muốn theo đuổi ngành nghề của tôi đã vấp phải không ít sự phản đối  từ những người xung quanh, nhất là những người hàng xóm. Họ cho rằng giáo viên mầm non là nghề của phụ nữ và đàn ông theo nghề này chỉ là những người không mạnh mẽ, nên họ khuyên tôi không nên theo nghề. Về phía gia đình tôi, mọi người thoải mái hơn nhưng cũng có phần ái ngại mọi người xung quanh sẽ nói ra nói vào ảnh hưởng đến gia đình. 

Đến sau này, khi tốt nghiệp đại học, nhận thấy niềm đam mê và khao khát trở thành một giáo viên mầm non trong mình vẫn cháy bỏng nên tôi quyết định học văn bằng 2, chuyên ngành giáo dục mầm non tại trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Đến bây giờ khi nghĩ lại tôi vẫn rất hài lòng về quyết định của mình. 

PV: Trong quá trình làm việc, anh đã từng gặp những định kiến nào về giới tính, chẳng hạn như việc nhiều người cho rằng giáo dục mầm non là công việc của phụ nữ?

Thầy Lê Xuân Trường: Có thể nói là rất nhiều. Khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, tôi đã vất vả để có được công việc hiện tại, vì định kiến, quan điểm cho rằng nam giới làm giáo viên mầm non là không phù hợp. 

Tôi gửi hồ sơ tới rất nhiều trường mầm non trên địa bàn Hà Nội, đi phỏng vấn khá nhiều nhưng phần lớn đều bị từ chối với lý do “trường không tuyển giáo viên nam”. Điều đó khiến tôi khá nản và nghi ngờ bản thân. Vậy nên sau khi được nhận vào trường, tôi rất hạnh phúc và biết ơn. Tôi nỗ lực làm việc tốt hơn.

Trong quá trình làm việc, tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn, nhất là áp lực từ phía phụ huynh. Một số phụ huynh đã phản đối và bày tỏ sự nghi ngờ đối với tôi. Họ không muốn giáo viên nam đứng lớp của con mình bởi một vài lý do như không muốn thầy giáo chạm vào người con mình, nhất là ở khâu vệ sinh hay thầy giáo sẽ không nhẹ nhàng bằng cô giáo. Điều đó khiến tôi rất áp lực, nhất là thời gian đầu. Nhưng nhờ đó, tôi quyết tâm sẽ làm tốt và chứng minh cho phụ huynh thấy rằng mình đủ khả năng làm công việc này. 

Thầy Trường hướng dẫn học sinh học tập. (Ảnh: NVCC)
Thầy Trường hướng dẫn học sinh học tập. (Ảnh: NVCC)


PV: Theo anh, tại sao trong xã hội vẫn tồn tại suy nghĩ rằng nam giới không phù hợp với nghề giáo dục mầm non?

Thầy Lê Xuân Trường: Có khá nhiều lý do khác nhau nhưng theo tôi lý do chính là do quan niệm giáo viên mầm non chỉ phù hợp với phụ nữ đã ăn sâu vào tâm trí mọi người từ xa xưa đến nay. Nên khi nghe giáo viên mầm non là nam, mọi người cảm thấy lạ và có phần nghi ngờ.  

Bởi vì người xưa cho rằng việc nuôi dạy trẻ là việc của đàn bà con gái. Thường trong mỗi gia đình, người mẹ, người vợ sẽ là người chăm sóc, lo toan việc gia đình nên họ sẽ nhẹ nhàng, hiểu biết và có kinh nghiệm hơn trong việc chăm trẻ. Còn đàn ông sẽ là người ra ngoài kiếm tiền, là trụ cột gia đình nên phải mạnh mẽ, làm việc lớn, nặng nhọc nên không có được sự nhẫn nhịn, nhẹ nhàng như phụ nữ. Vì vậy khi nhắc đến việc nam giới làm công việc chăm trẻ nhỏ mọi người sẽ cho rằng chỉ có đàn ông “yếu ớt” mới làm công việc này. 

PV: Theo anh, sức mạnh và giá trị mà nam giới mang lại cho môi trường mầm non là gì?

Thầy Lê Xuân Trường: Việc trẻ được tiếp xúc, vừa có thầy, vừa có cô đứng lớp sẽ giúp trẻ được tiếp cận nhiều hình thức vui chơi và giao tiếp khác nhau. Qua đó, hình thành cho trẻ ý tưởng lành mạnh về giới tính hơn. 

Bên cạnh đó, ở trường mỗi thầy cô sẽ có thế mạnh khác nhau. Với thầy giáo như tôi sẽ có thế mạnh hơn về các hoạt động ngoại khóa, tổ chức sự kiện cho các em học sinh. Các cô giáo sẽ làm tốt hơn về việc dạy trẻ chăm sóc bản thân, nhảy múa. Ngoài ra, những việc bưng bê nặng thì thầy giáo cũng sẽ đảm nhận chính. 

PV: Số lượng thầy giáo mầm non nam hiện nay khá ít, anh có nghĩ rằng điều này có liên quan đến những áp lực và định kiến xã hội không?

Thầy Lê Xuân Trường: Theo quan sát của tôi, hiện nay vẫn còn khá ít thầy giáo mầm non. Năm tôi học cả khóa chỉ có 2 bạn nam, trong đó có tôi. Điều khá đáng tiếc là bạn nam còn lại đã bỏ dở việc học vì áp lực quá lớn. Năm đó, chúng tôi gặp không ít những lời bàn tán, không chỉ từ những người xung quanh mà thậm chí cả những bạn cùng khóa. Bởi với họ, nam giới làm giáo viên mầm non là điều gì đó rất lạ và không nên. Bên cạnh đó thì nhiều người cũng bảo rằng lương giáo viên mầm non không thể khiến chúng tôi có đủ kinh tế để lo cho gia đình. Có lẽ vì những lý do đó mà có không ít các bạn trẻ không dám theo đuổi con đường này, dẫn đến số lượng giáo viên nam mầm non rất ít. 

Tiết học thường ngày trên lớp của thầy Lê Xuân trường. (Ảnh: NVCC)
Tiết học thường ngày trên lớp của thầy Lê Xuân trường. (Ảnh: NVCC)


PV: Anh nghĩ tại sao chúng ta không nên định kiến và gán ghép rằng thầy giáo mầm non là "yếu ớt" hay không phù hợp với công việc này?

Thầy Lê Xuân Trường: Mỗi công việc có một đặc thù riêng và tất nhiên khi tìm hiểu, lựa chọn nghề nghiệp, mỗi người sẽ xem xét mình có thể làm công việc đó được không. Chỉ khi họ biết mình phù hợp và có thể làm thì họ mới theo đuổi. 

Vậy nên việc gán ghép thầy giáo mầm non là “yếu ớt” là không nên. Họ không hề yếu ớt bởi công việc này đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, lòng nhân hậu, sự hiểu biết mới làm được. Đặc biệt, họ phải là những người mạnh mẽ và vô cùng dũng cảm mới có thể bỏ ngoài tai những lời bàn tán, sự hạn chế về mặt lương thưởng mới có thể gắn bó với nghề. 

PV: Anh hãy nhắn gửi lời gì đó đến những bạn nam đang có ý định sẽ theo đuổi nghề giáo viên mầm non? 

Thầy Lê Xuân Trường: Làm giáo viên mầm non không phải là công việc dễ dàng, càng không phải “yếu ớt”, “không phù hợp” như mọi người vẫn nói. Các bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn để đến được với nó nhưng chỉ cần đam mê, sự nhiệt huyết và đủ tình yêu thương thì sẽ có thể theo được. So với việc thực hiện được ước mơ của mình thì những lời nói xung quanh chẳng là gì cả. Tôi tin, một ngày nào đó sẽ không còn những quan điểm hay định kiến như vậy nữa. 

PV: Xin cảm ơn anh về những chia sẻ vô cùng chân thành. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN