Thị trường chuyển nhượng Ngoại hạng: Bóng đá Anh và những đồng bảng
“Tiếng nói” của đồng tiền
Abramovic – ông chủ của đội bóng Chelsea khi mới đặt chân tới đất Anh đã từng tuyên bố: “Có những thứ không mua được bằng tiền nhưng có thể mua được bằng rất nhiều tiền”. Trong tám mùa giải qua, Abramovic đã “giải ngân” hơn 1,4 tỷ bảng Anh vào thị trường chuyển nhượng để biến The Blues thành một “ông lớn” của bóng đá Anh cũng như của châu Âu.
Một loạt ngôi sao đã đổ bộ xuống “miền đất hứa” Chelsea, từ D. Drogba, A. Cole, Malouda, Essien …cho tới những chân sút “bom tấn” gần đây như Fernando Torres (50 triệu bảng Anh), David Luiz (25 triệu bảng), Juan Mata (28 triệu Euro)…đã cho thấy sự “chịu chơi” của ông chủ người Nga.
Tám năm trước, Chelsea chỉ là một đội bóng “làng nhàng” cỡ Everton, Tottenham Hotspur thì nay họ đã trở thành một trong những đại gia của bóng đá Anh nhờ những đồng Rúp.
Những trận đấu giữa tứ đại gia luôn căng thẳng
Cách đây ba năm, Manchester City (Man xanh) được sang tên đổi chủ cho người Arab. Sau ba mùa bóng, ông chủ Sheikh Mansour bin Zayed al Nahyan đã biến Man xanh thành một đối thủ đáng gờm không chỉ riêng với người hàng xóm Manchester United ( MU) mà còn đối với cả châu Âu.
Bằng chứng là sau ba vòng đấu đầu tiên năm nay, bằng một lối chơi mãn nhãn với sự tỏa sáng của các ngôi sao mới mua về, Man City dành trọn chín điểm và song hành cùng MU dẫn đầu bảng xếp hạng.
Bản hợp đồng Sergio Aguero từ Atletico Madrid với giá trị 45 triệu Euro (kỉ lục của thị trường chuyển nhượng 2011) ngay lập tức tỏa sáng trong trận ra mắt. Cùng với đó là Samir Nasri (24 triệu bảng), Gael Clichy (7 triệu bảng) và bộ khung từ mùa trước, Man City nay đã có ít nhất hai ngôi sao ở cùng một vị trí.
Một tỷ bảng Anh đã được những người Arab chi ra cho tham vọng của họ. Mùa trước, Man xanh đã đứng trong top 3 và lần đầu tiên trong lịch sử họ có được suất vào thẳng vòng bảng Champion League. Còn mùa này, tham vọng của Mancini cùng các học trò không chỉ dừng lại ở đó mà còn là ngôi vương của Premier League. Đó sẽ là thách thức thực sự với những đội bóng lớn như Barca hay Real.
Trong 20 năm qua, chưa bao giờ người hâm mộ lại tràn trề hi vọng về tương lai tới vậy kể từ lần cuối cùng The Kop (biệt danh của Liverpool) vô địch bóng đá Anh. Có một chút cay đắng khi MU đã chính thức vượt qua The Kop (19 so với 18 lần vô địch ở giải đấu cao nhất của bóng đá Anh). Song với những người hâm mộ Liverpool thì niềm tin sẽ vang mãi cùng bài hát truyền thống “You’re never walk alone” trên sân Anfield.
Hơn 100 triệu bảng đã được J. Henry đổ vào thị trường chuyển nhượng cùng việc bổ nhiệm Kenny Dalglish làm HLV. Sự ra đi của Torres (sang Chelsea) đã được thay thế xứng đáng bằng A.Carroll cùng Luis Suárez và một loạt bản hợp đồng mới chất lượng với Charlie Adam, Stewart Downing, Doni, Sebastian Coates cho thấy tham vọng của ban huấn luyện đội bóng.
Ba vòng đấu đầu tiên của mùa giải 2011, họ thắng 2, hòa 1, dành được 7 điểm, đặc biệt là chiến thắng trước đối thủ cạnh tranh trực tiếp Arsenal. Qua đó, Liverpool đã có được sự khởi đầu tốt nhất kể từ năm 1994. 35 vòng đấu còn lại sẽ là những thách thức không nhỏ để “Lữ đoàn đỏ” tìm lại ánh hào quang xưa.
Man United mùa này chi không nhiều nhưng những bản hợp đồng của họ rất chất lượng. Có lẽ việc Paul Scholes, G. Neville giải nghệ sẽ không còn đáng lo khi nhìn thấy màn trình diễn sáng chói của Tom Cleverley, anh em nhà Silva, Danny Welbeck hay Chicharito cùng những cầu thủ mới về như Phil Jones, Ashley Young. Ngài Alex hoàn toàn có thể hài lòng vì lực lượng kế cận đủ đảm bảo cho MU thống trị ở giải ngoại hạng Anh trong nhiều năm nữa.
Derby thành manchester sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chức vô địch giải ngoại hạng Anh mùa này
Trong nhóm đại gia của bóng đá Anh thì tình cảnh của Arsenal mùa này là bi đát nhất. Họ phải “bán máu” những trụ cột bởi chính sách chuyển nhượng bảo thủ của HLV Arsene Wenger. Sáu mùa bóng liên tiếp trắng tay tại tất cả các mặt trận, cùng với đó là các trụ cột lần lượt ra đi tìm kiếm những vinh quang mới khiến người hâm mộ đặt dấu chấm hỏi cho tham vọng của Arsenal.
Ngày cuối cùng của kì chuyển nhượng (31/8) mang một chút “ánh sáng cuối đường hầm” cho The Gunners khi năm bản hợp đồng mới được kí kết là Mikel Arteta, P. Mertesacker, A. Santos, Gervinho, Carl Jenkinson với tổng giá trị khoảng 30 triệu bảng.
Với đội hình như vậy, Arsenal như một công trường đang thi công dang dở của vị giáo sư già. Họ sẽ phải chiến đấu cật lực cho một suất dự Champion League mùa sau khi Liverpool đang thăng hoa cùng King Kenny, hay một Tottenham nhất quyết không chịu “nhả” Luka Modric với bất cứ giá nào để cạnh tranh với các đội bóng lớn khác.
Đắt chưa chắc đã xắt ra miếng
Nhưng không phải bản hợp đồng nào cũng “đắt là xắt ra miếng”. Nhìn Torres loay hoay với quả bóng mà không biết xử lí thế nào mới thấy rằng 50 triệu bảng là món hàng “hớ” của Chelsea.
Ba trận đấu đầu mùa, cựu cầu thủ của Liverpool đều được HLV Andre Villas-Boas tin tưởng cho một suất chính thức trong đội hình xuất phát nhưng anh đều gây thất vọng và bị thay ra giữa hiệp hai. Hay như bản hợp đồng Jordan Herderson của Liverpool chuyển đến từ Sunderland khi qua hai trận đấu đầu mùa, người hâm mộ tự hỏi sao anh ta lại có giá tới 20 triệu bảng?
Một mùa hè với rất nhiều thay đổi trong phòng thay đồ của các đội bóng Premier League. Nếu tính cả tiền giao dịch của kì chuyển nhượng mùa Đông vừa qua, thì số tiền mà các đội bóng của xứ sở sương mù bỏ ra lên tới 383 triệu bảng, vượt xa so với tổng giá trị chuyển nhượng của các giải Seria A (369 triệu bảng), La Liga (295 triệu bảng). Điều đó cho thấy Premier League dù trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thì vẫn là số một.
Tuy nhiên, để có thể kiểm chứng được giá trị những bản hợp đồng mới của các đội bóng thì cần có thêm thời gian. Tiền có thể mua được nhiều thứ nhưng để có được thành công trong bóng đá thì may rủi lại là yếu tố quyết định.
Tuấn Anh, Ánh Nguyệt, Nguyễn Nga, Phạm Lài, Hương Trang
Lớp Báo mạng điện tử K.28
Học viện Báo chí và Tuyên truyền