Thôn nữ đá bóng

(Sóng Trẻ) - “Chuyền sang trái, sang trái, về đội hình 3-4-3… và phản công”, tiếng vị huấn luyện viên già dõng dạc giữa nắng hè gay gắt. Trên sân, hơn 30 thiếu nữ tóc buộc cao hăng say tập luyện.  

Mỗi buổi chiều từ 14 đến 18h, trên sân vận động xã Nghiêm Xuyên (Thường Tín, Hà Nội), 33 nữ cầu thủ tuổi đời 12-14 cùng với huấn luyện viên Dương Khắc Kiểm miệt mài tập luyện để chuẩn bị cho giải bóng đá nữ Thường Tín vào ngày 5/7 tới. Hành trang đội mang theo là một xô nước, một bao tải cờ, gần chục quả bóng đã sờn và một cái cuốc để vệ sinh sân bãi.

Giờ nghỉ giải lao, ông Kiểm tranh thủ bàn lại sơ đồ chiến thuật và các kỹ thuật trên sân. Hơn 30 em gái đang hồn nhiên cười đùa, nhưng khi ông cất tiếng nói thì tất cả đều trật tự và nghiêm túc lắng nghe. Như nuốt từng lời thầy giảng, Thu An, cô thủ môn của đội bóng, thành thật: "Em thích bóng đá nên chẳng nghỉ buổi tập nào. Em sẽ cố gắng tập luyện để được vào đội tuyển quốc gia".


23080e2fd_st9.jpg

 Ông Kiểm đang hăng say dạy chiến thuật cho đám học trò. Ảnh: Hải Đăng.
 

Say mê bóng đá, nhưng không phải em nào cũng được gia đình ủng hộ, bởi ở vùng quê nghèo khó này, bên cạnh giờ tới lớp, tới trường lũ trẻ còn phải giúp đỡ cha mẹ chăn trâu, cắt cỏ, làm việc đồng áng. Làn da rám nắng, ánh mắt tròn xoe, cô bé Nguyễn Thanh Yến, chia sẻ: "Bố mẹ không muốn em đi đá bóng vì sợ ảnh hưởng đến học hành. Nhưng vì em thích bóng đá quá nên bố mẹ cũng đồng ý với điều kiện chơi bóng nhưng vẫn phải đạt học sinh giỏi. Thế là em quyết tâm học tập nên năm nào cũng đạt học sinh giỏi”.

Hơn ai hết ông Kiểm hiểu học văn hóa với các em trong giai đoạn này là quan trọng nhất nên đã tạo điều kiện để các em vừa được thỏa mãn niềm đam mê, vừa đạt kết quả cao trong học tập. "Chỉ những ngày chủ nhật tôi mới yêu cầu đủ 33 em ra sân để tập, còn ngày thường, cứ đến 14h chiều tôi ra sân, có em nào tôi dạy em đó. Tập bóng cũng là cách rèn thể lực để các em học văn hóa tốt hơn”, ông nói.

Nhắc đến đội bóng của mình, người dân Nghiêm Xuân rất tự hào và thường trìu mến gọi là “Đội bóng thôn nữ chân đất”. Qua hơn chục năm thành lập, với hơn 200 cầu thủ nông dân và huấn luyện viên chưa một lần được được đào tạo về bóng đá, nhưng đội bóng tóc dài đã cống hiến 37 cầu thủ cho đội bóng nữ Hà Tây cũ và 8 cầu thủ cho đội tuyển bóng đá nữ quốc gia.

Có được thành tích đó, công đầu tiên thuộc về huấn luyện viên nghiệp dư Dương Khắc Kiểm. Tham gia quân ngũ từ năm 1965, đến năm 1973, ông Kiểm xuất ngũ với tỷ lệ thương tật 60%. Trở về quê, chứng kiến cảnh người dân quanh năm chân lấm tay bùn, đời sống tinh thần nghèo nàn, ông đã nảy ra ý tưởng muốn thành lập một đội bóng nữ để các chị em, vốn chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới, có sân chơi trong những ngày nông nhàn.

23085df36_st9.1.jpg

 62 tuổi nhưng ông Kiểm vẫn mải mê với đám học trò mê bóng ở quê. Ảnh: Hải Đăng.
 

Nói về những khó khăn ngày đầu thành lập đội bóng, ông Kiểm cho biết: “Nghe tôi trình bày ý tưởng, cả làng đều ngao ngán bởi con gái Nghiêm Xuyên xưa nay chỉ quen lội ruộng, làm việc đồng áng, nay lại quần cộc, áo ngắn xô đẩy nhau tranh cướp quả bóng trên sân khó coi lắm. Khi đi vận động bà con cho con em vào đội bóng, họ cho tôi là hâm, là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Những lời bán ra tán vào đó không làm ông Kiểm nhụt chí. 17 năm qua, danh sách các cầu thủ cứ dày lên, trong đó có nhiều tên tuổi, như Thu Trang, Khánh Ly, Bích Liên, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Thành, Phương Dung…, đều nằm trong đội tuyển quốc gia. Nhiều học trò của ông giờ đã thành sinh viên trường thể dục thể thao danh tiếng, có người đã là cô giáo.

Nói về người thầy bóng đá đầu tiên của mình, Thu Trang, thủ môn 2 lần tham dự SEA Games, hai năm liền là vận động viên xuất sắc giải vô địch quốc gia nữ chia sẻ: "Thầy Kiểm yêu thương học trò hết mực, tận tụy chỉ dạy từng đường bóng, sẵn sàng hy sinh cả lợi ích cá nhân để phục vụ cho đội bóng. Song thầy cũng vô cùng nghiêm khắc”.

Hoàng hôn xuống, nhưng đám trẻ vẫn hăng say tập luyện, mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Chỉ khi ông Kiểm thổi 3 tiếng còi thì đám trẻ mới nghỉ. Tối đến đám học trò của ông lại tụ tập về nhà chú Năm có chiếc tivi to nhất làng để theo dõi giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh. Ông Kiểm vừa xem vừa giảng giải từng chiến thuật, từng đường bóng.

                                                                                                      Hải Đăng

Báo mạng điện tử K27

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN