Th.S Đinh Ngọc Sơn: “Chúc cho thầy trò luôn giữ được ngọn lửa đam mê"

(Sóng trẻ) - Với Th.S Đinh Ngọc Sơn, chất lượng đầu ra của sinh viên chính là thước đo chính xác nhất cho chặng đường phát triển của khoa trong suốt 15 năm qua. Sinh viên là niềm tự hào, đồng thời là động lực to lớn để ngọn lửa yêu nghề luôn luôn rực cháy trong trái tim của người thầy tận tụy.

Nhân lễ kỷ niệm 15 năm tái thành lập khoa Phát thanh – Truyền hình, nhóm sinh viên đã có buổi trò chuyện với Th.S Đinh Ngọc Sơn – Phó Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình. Qua đó ghi lại những cảm xúc, tâm tư của thầy trước cột mốc quan trọng của khoa với góc nhìn hiện đại cùng những lời khuyên bổ ích dành cho sinh viên báo chí.

PV: Cột mốc đánh dấu 15 năm tái thành lập khoa Phát thanh – Truyền hình có ý nghĩa rất quan trọng với các thế hệ giảng viên. Là người gắn bó với khoa từ những ngày đầu, chắc hẳn thầy sẽ có những cảm xúc đặc biệt?
 
Nhắc đến khoa Phát thanh – Truyền hình thì cảm xúc nhiều nhất của tôi gắn liền với Sóng trẻ – hoạt động mà tôi từng trực tiếp đảm nhận. Vì đây là hoạt động đầu tiên của khoa, nên từ những ngày đầu, giảng viên phải làm rất nhiều.

Tuy nhiên, đứng trên quan điểm của một người thầy, tôi cho rằng những hoạt động này phải dần dần chuyển giao để sinh viên thực hiện. Đến thời điểm này, khi khoa Phát thanh – Truyền hình đã tròn 15 năm tuổi, tôi luôn coi sinh viên là niềm tự hào của mình, vì tất cả những gì các em làm được.


fc91c3e14_anh1.jpg

Thầy Đinh Ngọc Sơn – Phó trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình

15 năm có thể là quãng thời gian dài, nhưng so với đào tạo, dạy học thì không phải là quá lâu. Muốn đánh giá chất lượng đào tạo, cần phải nhìn vào chất lượng của chính các em sinh viên. Thứ nhất, phải đánh giá xem khoa Phát thanh – Truyền hình có đáp ứng được nhu cầu của xã hội không, có đáp ứng được thì các em mới lựa chọn để thi vào. 15 năm qua, mức độ ổn định ở điểm số và tỉ lệ thi vào cho thấy định hướng phát triển của khoa Phát thanh – Truyền hình đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội. 

Thứ hai, là người đồng hành, gắn bó cùng khoa từ những ngày đầu, tôi luôn đi theo xu hướng tăng cường thực hành cho sinh viên. Ý tưởng ấy được thể hiện với sự xuất hiện của CLB truyền hình sinh viên STV, CLB phát thanh Sóng trẻ hay trang tin Sóng trẻ. Đây cũng là xu hướng được rất nhiều khoa áp dụng để sinh viên được tiếp xúc và làm nghề nhiều hơn. Mỗi khi nhìn lại, tôi luôn tự hào vì những điều như vậy.

PV: Trong quá trình giảng dạy và làm việc cùng sinh viên, kỷ niệm nào khiến thầy ấn tượng và ghi nhớ lâu nhất?

Kỷ niệm lớn nhất của tôi là giai đoạn đầu cùng các sinh viên làm ở STV. Khi đó, chúng ta ký hợp đồng với VTV6 để sản xuất chương trình “Thế hệ tôi”, mỗi số gần 30 phút. STV đã làm được 29 số như thế để phát ở VTV6.

Sản xuất chương trình cho kênh truyền hình, chúng ta không thể làm được như lúc thực hành. Áp lực thời gian vô cùng lớn, nên có những đêm mà thầy trò sửa bài ở studio trên tầng 5. Khi bảo vệ đã khóa cửa, thầy trò bảo nhau ngủ luôn ở studio. Có những trưa mà thầy trò cùng mang bánh mỳ vào tranh thủ ăn để lấy sức dựng chương trình, đó cũng là điều bình thường. 

PV: Trong thời đại công nghệ 4.0, khi công nghệ và truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ, một bộ phận sinh viên cho rằng nghề báo, nhất là với báo chính thống, không còn giúp các bạn đủ để trang trải cuộc sống. Do đó, nhiều người đã lựa chọn “nhảy cóc” từ báo chí sang làm truyền thông. Thầy nghĩ thế nào về quan điểm này?

Mỗi nghề nghiệp đều là một loại dịch vụ xã hội, và nghề nghiệp tồn tại trên nhu cầu của xã hội, dù là nghề báo, nghề giáo hay nghề y. Truyền thông ra đời từ lâu, bản thân báo chí cũng là một bộ phận của truyền thông. Tuy nhiên, khi công nghệ thay đổi, vai trò của các bộ phận cũng thay đổi theo.

Thời trước, báo chí đảm nhiệm vai trò của truyền thông đại chúng, nhưng khi truyền thông xã hội ra đời để phục vụ nhu cầu xã hội, lực lượng những người làm báo hiển nhiên sẽ vơi đi. Một bộ phận làm báo sẽ chuyển sang truyền thông. Đó là quy luật.

Đừng đặt vấn đề là những người làm báo thì chỉ hoạt động báo chí được thôi, không làm được những nghề khác. Báo chí là một bộ phận của truyền thông. Hôm nay bạn học báo chí, ngày mai bạn làm truyền thông, đó là điều hoàn toàn được. Vấn đề nằm ở sự năng động của người học. Việc chúng ta học như thế nào sẽ quyết định giá trị chúng ta làm ra khi tốt nghiệp đại học. Không nên giữ quan điểm “báo chí đói, truyền thông no”.

Học báo chí, sinh viên phải ý thức được báo chí và truyền thông ngày nay thay đổi thế nào, có mối quan hệ ra sao. Làm nghề nào cũng vậy, phải tạo ra giá trị cho xã hội thì mới hướng đến những điều tốt đẹp được.

PV: Nói về việc giảng dạy nói chung và giảng dạy báo chí nói riêng hiện nay, liệu các thầy cô có đang truyền đạt theo thiên hướng thiếu thực tế, thừa lý thuyết, khiến sinh viên gặp nhiều khó khăn khi bước ra “trường đời”?

Người ta vẫn hay nói giáo dục Việt Nam quá nặng về lý thuyết, coi nhẹ thực tế. Đó là môi trường chung. Khi môi trường ấy không tạo điều kiện để sinh viên tiếp xúc nhiều hơn với thực tiễn, một giáo viên cũng không thể giải quyết được vấn đề. 

Trước hết, chúng ta phải nhìn toàn diện trong hệ thống giáo dục với kết cấu các môn học. 4 năm học, sinh viên được học những môn nào, và bao nhiêu trong số đó là những giá trị thực tế đưa vào,… Tỉ lệ các môn lý thuyết, thực hành của các môn phải đảm bảo được ngay từ trong hệ thống.

Thứ hai, chúng ta phải đi sâu vào chương trình giảng dạy với từng bài giảng. Lúc này, vai trò của giảng viên mới được thể hiện ở việc phân bổ giờ lý thuyết, thực hành ra sao, trong giờ thực hành thì giảng viên sẽ hỗ trợ và kiểm soát sinh viên như thế nào,… Giáo dục Việt Nam đã có bước chuyển mình khi tăng số giờ thực hành, song thời gian để giảng viên và sinh viên trao đổi vẫn chưa đạt được. Một phần lý do nằm ở số lượng sinh viên quá lớn tính trên một giảng viên. 

Do đó, cần phải nhìn vấn đề ở tư duy đào tạo tầm vĩ mô, bên cạnh sự cân xứng giữa số lượng sinh viên và giảng viên. “Nút thắt” chỉ được giải quyết khi đáp ứng được cả hai.

Cách đây 10 năm, khi mới là giảng viên, tôi đã luôn tâm huyết: “Làm thế nào để sinh viên được làm nhiều hơn?”. Ở tuổi 18, 20, sinh viên thích học động chứ không học tĩnh, phải được làm, khi nào thiếu sót mới hỏi, chứ không thể tư duy “học lý thuyết rồi mới thực hành” như ngày xưa. Cơ hội học hỏi tri thức đã được mở rộng hơn nhiều. 

Ngày nay, sinh viên cần được học phương pháp học nhiều hơn để hiểu rằng mình phải học cho mình, không được chờ đợi. Giảng viên cần phải dạy cho sinh viên tính chủ động thì mới thành công, chứ đôi khi không nhất thiết phải điều chỉnh số giờ lý thuyết, thực hành. Tư duy bị động, chờ đợi sẽ làm hỏng cả một thế hệ.

fc91c3e14_anh2_1.png

PV: Có những sinh viên đi làm thêm ngày nay mang tư duy coi nhẹ tầm quan trọng của những kiến thức học được ở trường, dẫn đến hậu quả là chán nản với những giờ học trên lớp. Quan điểm của thầy về vấn đề này? 

Đi làm thêm cũng có hai cấp độ, hoặc là làm thêm với mục đích kiếm tiền đơn thuần, hoặc là làm thêm gắn với chuyên ngành để có kiến thức từ thực tế, qua đó bổ sung cho kiến thức lý luận mà chúng ta đang học. Sinh viên hiện nay nên làm thêm theo hướng của cấp độ hai.

Khi đi làm thêm, sinh viên sẽ thấy có sự khác biệt giữa thực tiễn và lý thuyết các bạn học được. Có những quyển giáo trình phải mất 3 đến 5 năm mới viết xong, và khi ra đời, những kiến thức trong đó có thể không còn đúng. Thực tiễn luôn thay đổi, còn lý thuyết không thể thay đổi liên tục như thế, nên luôn có độ trễ. 

Nhưng có những giáo trình với kiến thức tồn tại hàng trăm năm vẫn không thay đổi. Đó là lý thuyết mà ai cũng thừa nhận. Cần cập nhật tri thức ổn định và tri thức lỗi thời, nên không thể đánh giá rằng “cứ lý thuyết là lỗi thời”. Muốn tiếp thu lý thuyết, bản thân sinh viên phải có kiến thức thực tế. 

Tại sao có rất nhiều sinh viên không muốn học lý thuyết, song lại có nhiều nhà báo đi làm nhiều năm xong lại quay về học những khóa bồi dưỡng và rất thích những lý thuyết ấy?

Vì khi đó, họ mới nhận ra lý thuyết này là phù hợp. Còn với sinh viên, chúng ta chưa bao giờ trải nghiệm, đi làm nên chúng ta thấy nó xa vời. Vậy nên, học lý thuyết ngay từ đầu dễ gây cảm giác nhàm chán. 

fc91c3e14_anh3_1.png

PV: Thầy có lời khuyên gì cho sinh viên báo chí – những người đang bước những bước đầu tiên trên con đường nghề nghiệp của mình và sẽ đối diện với rất nhiều thử thách trong tương lai?

Mỗi người sinh ra có một loại trí thông minh, một lựa chọn cho mình và có duyên với một ngành nghề. Nếu tố chất phù hợp với nghề, hãy yên tâm là chúng ta phát huy được. 

Sinh viên cần có mục tiêu và giải pháp để đạt được mục tiêu cho từng năm sau khi ra trường. Không nên so sánh và hướng tới những việc quá lớn, đến khi làm được lại đổ lỗi cho nhiều yếu tố. Thực ra, ai cũng có năng lực và năng lực ấy sẽ biến đổi theo thời gian. Khi mình 18 tuổi, mình không thể đòi hỏi năng lực của năm 30 tuổi. Muốn làm gì cũng cần có thời gian và độ “chín” để đạt được.

Sinh viên không nên nhìn những nhà báo có 10, 20 năm kinh nghiệm rồi suy nghĩ bản thân kém cỏi. Các bạn không kém, vấn đề là phải đặt ra mục tiêu và biết khi nào cần tăng tốc. Ai cũng có thời sinh viên với những ngô nghê, sai lầm, quan trọng là phải rút ra bài học. 

PV: Vậy còn lời chúc dành cho khoa Phát thanh – Truyền hình – con tàu chuẩn bị bước sang tuổi thứ 15 và đang căng buồm để vươn mình trên biển lớn?

Một nhà trường đào tạo nói chung và một khoa đào tạo nói riêng luôn có 2 yếu tố rất quan trọng là giảng viên và sinh viên. Chúc cho mọi người luôn đam mê với cái nghề mà mình đã chọn. Thầy thì đam mê với nghề dạy, trò đam mê với nghề báo mà mình đã học. Khi những đam mê gặp nhau, tất sẽ nảy sinh ra giá trị mới. Chúc cho khoa Phát thanh – Truyền hình luôn tạo ra những giá trị mới như vậy. 


Th.S Đinh Ngọc Sơn gửi lời chúc đến các thầy cô trong khoa cùng các bạn sinh viên

Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!

Hồng Nam – Quốc Việt – Báo mạng điện tử K35

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật5 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN