Thuyền nan Nội Lễ - chỉ còn vang bóng
(Sóng Trẻ) - Giống như thực trạng của nhiều làng nghề
truyền thống hiện nay, nghề đan thuyền nan của thôn Nội Lễ, xã An Viên huyện
Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên đang dần mai một và đứng trước nguy cơ thất truyền.
Thuyền nan thuở ấy…
Thôn Nội
Lễ với gần 500 hộ dân từ lâu đã nổi tiếng với nghề đan thuyền nan. Công đoạn
làm thuyền nan khá phức tạp và đòi hỏi có tay nghề vững. Để tránh bị thanh tre
cứa, người thôn Nội Lễ thường lấy lốp xe cắt thành miếng để làm bao tay. Vì
vậy, trong gia đình, việc đan thuyền thường dành cho đàn ông, phụ nữ chỉ phụ đan
rổ, giá… đem đi bán thêm.
Một chiếc
thuyền nan nặng tầm 50kg, người dân thường phải vác đi xa để bán. Thuyền bán
tốt nhất khi vào vụ gặt lúa. Người dân thường bắt đầu làm từ tháng 2, tháng 3…
đến tháng 5 sẽ mang đi bán.Thuyền nan 3 thang được dùng để gặt lúa, thuyền 2
thang để kéo lưới.
Nghề đan thuyền nan có từ xa xưa. (Internet)
Thật lạ
lùng vì chẳng ai biết nghề đan thuyền nan truyền thống ra đời từ khi nào. Các
cụ cao tuổi nhất trong làng kể lại rằng ngay từ khi còn nhỏ, họ đã được cha mẹ
dạy làm thuyền nan. Ông Phạm Văn Mí - Trưởng thôn Nội Lễ bồi hồi nhớ lại: “Tôi
theo bố mẹ học làm thuyền từ lúc 7 tuổi. Hồi ấy nhà nào cũng đan thuyền, cả
làng tụ tập làm vui lắm. Cả những đứa trẻ như tôi cũng háo hức và thầm nghĩ sẽ
nối nghiệp làm thuyền nan này.” Tuy chỉ là nghề phụ trong những lúc nông nhàn
của những người dân Nội Lễ, nhưng nó đã trở thành một kỷ niệm đẹp trong lòng
mỗi người con của vùng đất này.
Thuyền nan nay còn đâu…
Nếu đến
thôn Nội Lễ, xã An Viên, huyện Tiên Lữ trong khoảng 10 năm trở lại đây, sẽ rất
khó để nhận ra đây từng là làng nghề đan thuyền truyền thống. Hiếm lắm ta mới
có thể gặp được một gia đình còn giữ nghề. Bác Phạm Văn Miền - người cuối cùng
còn theo đuổi nghề đan thuyền đến tận bây giờ chia sẻ: “Thời buổi này thuyền nan
không còn được ưa chuộng nữa vì xuất hiện rất nhiều thuyền tôn, thuyền bê tông.
Các kênh máng cũng bị san lấp, chẳng còn nghề lứa cá. Còn khi chở lúa, người ta
dùng bạt túm vừa nhẹ vừa rẻ, không ai dùng thuyền làm gì. Làm thuyền bây giờ
ngày công cũng chỉ tầm 50-70 nghìn, nhưng hiếm người mua lắm.”
Ông Phạm Văn Miền - người lưu giữ lại truyền
thống (Internet).
Từ đan thuyền
nan, người dân thôn Nội Lễ nay chuyển sang nghề vận tải thủy. Cứ 10 nhà thì 8
nhà vay tiền để mua thuyền. Thời gian đầu, cả làng có gần 200 con tàu, nhưng
nghề này không duy trì được lâu. Bởi một con tàu nhỏ có giá tầm 1 tỉ đồng, tiền
lãi trả ngân hàng quá lớn, người nông dân không kham nổi. Vì vậy hiện giờ chỉ còn
lại khoảng một phần ba số tàu còn hoạt động ở Quảng Ninh, Hải Phòng,Thái Bình, Nam
Định.
Sự thay
đổi của thị trường, sự phát triển của công nghệ đã gần như “xóa sổ” một làng
nghề truyền thống và buộc họ phải tìm những cách sinh nhai mới. Đây không chỉ
là vấn đề riêng của thôn Nội Vũ, mà còn là vấn đề đặt ra đối với việc lưu giữ
và phát triển các ngành nghề truyền thống tại Hưng Yên nói riêng và các địa
phương khác nói chung.
Nguyễn Trang