Toạ đàm trực tuyến: Giới trẻ "Nghèo sang chảnh": Lối sống mới hay sự lệch lạc trong tư duy?

(Sóng trẻ) -  14h, 18/12, trang thông tin điện tử Sóng trẻ tổ chức Toạ đàm trực tuyến: Giới trẻ "Nghèo sang chảnh": Lối sống mới hay sự lệch lạc trong tư duy? nhằm giúp các bạn trẻ nhận thức đúng đắn về việc quản lý chi tiêu. Toạ đàm được sự quan tâm đông đảo đặc biệt là các bạn trẻ.

2c54d57b-38a6-43ea-b76a-f4bab1d255fa.jpg

Buổi tọa đàm có sự tham gia của hai vị khách mời: chuyên gia tài chính Phạm Hồng Phúc - Giám đốc điều hành lĩnh vực Thời trang và Đào tạo Công ty Cổ phần Thời trang Sen Vàng, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư tại Công ty CP Chứng khoán VPS; chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Không biết ở thời sinh viên, hàng tháng chuyên gia Phạm Mạnh Hà cũng như chuyên gia Phạm Hồng Phúc được bố mẹ trợ cấp bao nhiêu tiền và lúc đó anh chị đã làm như thế nào để quản lý chi tiêu của mình?

Chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà: Rất cảm ơn MC Phương Thảo đã cho tôi nhớ lại thời sinh viên. Ngày xưa sinh viên nghèo vô cùng, không có điều kiện đi làm thêm, sống nhờ trợ cấp bố mẹ vì thế có chút tiền để phân phối cho hiệu quả thì đó là những câu chuyện cười ra nước mắt. Nhìn vào các bạn sinh viên ngày nay thì ở thế hệ nào cũng có những bạn chưa biết quản lý chi tiêu. Nghèo sang chảnh thời chúng tôi chúng có, tuy nhiên với tôi vì nghèo nên chưa có đủ tiền để có thể chi tiêu nhiều.

Chuyên gia tài chính Phạm Hồng Phúc: Câu hỏi của MC cũng làm tôi cũng rất bồi hồi. Tôi nhớ 1 suất cơm là chỉ khoảng 2500 - 3000 đồng. Hồi đó, tôi cũng là một sinh viên tương đối có điều kiện. Bố mẹ cho tôi 300 nghìn đồng, học bổng một tháng là 120-180 nghìn đồng. Mức thu nhập đó là khá ổn. Nhưng là sinh viên mà, cứ đầu tháng rủng rỉnh thì cuối tháng kết cục là hết tiền.Tôi khá là buồn, đáng tiếc vì mình ngày xưa chi tiêu vào những khoản không thực sự cần thiết, không mang lại nhiều giá trị, chỉ tập trung thoả mãn nhu cầu bản thân, không dành cho những người thân trong gia đình. Hy vọng những bạn sinh viên có lòng biết ơn, yêu thương đối với những người sinh thành ra mình. Hãy dành những món quà đầu tiên cho những người mình cần biết ơn, bố mẹ, mặc dù là món quà nhỏ thôi nhưng cũng rất là ấm áp.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà có đi làm thêm không? Thầy có nhớ việc làm thêm đầu tiên của mình là gì không ạ?

Chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà: Tôi cũng có đi làm thêm, đi buôn đào dịp tết năm 1993 ở Nhật Tân, vay 300.000 đồng đi buôn đào nhưng rất tiếc bị lỗ. Đó là bài học tài chính đầu tiên. Ngoài ra, tôi còn đi chạy bàn và làm những việc vặt, tuy nhiên sau đó tôi cũng dành thời gian để học nhiều hơn. Hồi đó kiếm được tiền thì tưởng là lãi nhưng lại tiêu đi. Đến khi tổng kết thì lại lỗ, không biết được cuộc sống cho chúng ta nhiều bài học. Mà chúng ta vốn dĩ chỉ là những người vỡ lòng thôi. Đều là những bài học đầu tiên.

Những khoản thu nhập kiếm được giúp thầy trang trải cuộc sống như thế nào?

Chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà: Những đồng tiền đầu tiên tôi đều đem đi tiêu hết, đi ăn phở, làm lon coca. Năm 1993, lon coca xa xỉ vô cùng. Cũng giống như các bạn bây giờ bao nhiêu tiền kiếm được đều đem đi thể hiện bản thân mình là chính. Tôi tiêu hết, lúc lỗ trong buôn đào cũng là do tiêu hết. Kiếm được vài đồng xong tiêu hết cho ăn uống.

Không biết là sau khi xem xong đoạn video trên thì hai chuyên gia có suy nghĩ như thế nào?

Chuyên gia tài chính Phạm Hồng Phúc: Vâng sau khi tôi vừa xem video trên, tôi chỉ có thể dùng được 2 từ thôi là “Ngưỡng mộ”. Những việc mà tôi hay các anh chị đi trước khó có thể làm được vậy. Sử dụng những chiếc điện thoại rất là cao cấp mà đặc biệt đó là tiền không phải của mình mà của người khác. Chúng tôi chắc cũng là chưa được cầm vào chiếc điện thoại 62 triệu bao giờ đâu.

Chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà: Tôi cũng có cảm xúc giống như anh Phúc, điện thoại của tôi bán bây giờ chỉ 2-3 triệu thôi, vì tôi đã dùng lâu lắm rồi, áo tôi mặc mua ở May10 chỉ 300.000 đồng mà sale 50%. Chúng ta thấy rằng việc tiêu dùng ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, tất nhiên là đi từ nhu cầu của chúng ta thôi, đôi khi là vì đánh giá của xã hội. Các bạn trẻ khẳng định mình sẽ đi qua khả năng bản thân như người giàu có.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, "nghèo sang chảnh" còn có những biểu hiện như thế nào?

Chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà: Tôi thấy đó là một thuật ngữ nói về sự đối lập, đã nghèo còn sang. "Nghèo sang chảnh" nghĩa là tiêu dùng 1 thứ quá khả năng chi tiêu, vay mượn người khác hoặc huy động người khác cho vay. Nó giúp thể hiện bản thân nhưng cũng thể hiện sự tự ti của bản thân nữa, muốn đẳng cấp cao. Thuật ngữ "nghèo sang chảnh" dùng cho tất cả mọi người. Trong kinh tế học còn có từ là tiêu dùng phô trương, nó nghĩa là mua những thứ để thể hiện bản thân chứ không phải để tiêu dùng hiệu quả.

Nói chung, theo tôi, ngoài các biểu hiện chúng ta thấy trong video, tôi cho rằng nhiều người nghèo sang chảnh còn thể hiện bản thân, tiêu dùng bằng cảm xúc hay lối sống dùng hàng fake và thường xuyên ghen tỵ với người khác.

Lối sống này về lâu dài sẽ ảnh hưởng như thế nào với việc quản lý tiền bạc của các bạn trẻ thưa chuyên gia?

Chuyên gia tài chính Phạm Hồng Phúc: Tôi xin bổ sung ý nghèo sang chảnh ảnh hưởng gì đến các bạn là: cần lưu ý khi dùng đồ xa xỉ, nó chỉ tạo ra sự hào hứng và ngưỡng mộ của người khác trong khoảng thời gian ngắn (chỉ từ 1-2 tuần) như mua ô tô đắt tiền hay nhà mới. Tuy nhiên sau đó trở thành điều bình thường. Mình cố sức và vay tiền để mua thì mình sẽ luôn trong vòng quay lúc nào cũng thiếu tiền vì nó chỉ tạo ra sự hào nhoáng nhất thời.

Ví dụ, gặp người như tôi hay thầy Hà, nếu bạn đó quàng khăn 60 triệu đồng hay 600.000 đồng, chúng tôi nhìn cũng không phân biệt được hàng fake hay thường. Chúng tôi không phân biệt được và cũng không quan tâm chiếc IPhone 13 khác với những chiếc IPhone khác thế nào. Lối sống này sẽ hình thành tâm lý bị phụ thuộc, bất kỳ món đồ nào bạn mua đều cần sự hộ trợ của người khác, thay vì bạn tự phấn đấu.

Chúng ta sẽ có tư duy vay mượn, thay vì chủ động sắp xếp tăng thu nhập, giảm chi tiêu để mua một món đồ nào đấy thì các bạn chuyển sang tư duy vay mượn để mua sắm những món đồ yêu thích. Dẫn đến vòng xoáy về quản lý tài chính cá nhân, các bạn sẽ không bao giờ có được một khoản tiền tiết kiệm. Chúng ta chỉ có đi vay mượn, lúc nào cũng thiếu tiền, bước vào vòng xoáy khó khăn về tài chính. Chỉ khi nào các bạn thay đổi về tư duy tiêu dùng, cách quản trị tài chính cá nhân và có những khoản tiết kiệm thì khi đó các bạn mới bắt đầu con đường mới, quản lý tài chính cá nhân hiệu quả hơn.

Với những thông tin từ đoạn clip trên, là người đã có kinh nghiệm đào tạo kỹ năng sống cho sinh viên, chuyên gia nhận thấy những bạn trẻ thời hiện đại còn gặp những vấn đề nào trong tư duy tài chính?

Chuyên gia tài chính Phạm Hồng Phúc: Ngoài việc các bạn có một tư duy phụ thuộc thì còn có tư duy hưởng thụ. Các bạn hưởng thụ rất sớm trong khi chưa có kết quả. Trong môi trường mà mình không định hình được một kế hoạch phát triển bản thân thì đa phần các bạn trẻ sẽ hình thành tư duy làm thuê để kiếm tiền. Nguồn thu nhập chính của đa số người trưởng thành là đi làm thuê. Tư duy ăn sâu và hình thành trong tiềm thức rằng: Mình đi làm thuê để kiếm tiền. Nếu có tư duy đó thì sẽ chỉ có nguồn thu nhập ổn định, mà sự ổn định thì không đem lại sự bứt phá. Chúng ta nên hướng đến sự vượt trội, khi đó chúng ta sẽ có những nền tảng tư duy tài chính tốt hơn.

Bên cạnh tư duy làm thuê để kiếm tiền, thì các bạn trẻ cần có tư duy làm chủ, làm việc với tâm thế của người làm chủ. Chúng ta cần nghĩ đến việc phải phát triển thêm, có thêm những nguồn thu nhập khác để đạt được kết quả tài chính tốt hơn. Còn nếu chúng ta chỉ phụ thuộc vào nguồn thu nhập duy nhất là đi làm thuê thì sẽ không có được điều kiện tài chính tốt hơn được.

Có hai quan điểm đối lập nhau cho rằng: Ta chỉ sống 1 lần trên đời hay hãy tiết kiệm khi còn trẻ. Chuyên gia đánh giá như thế nào về hai ý kiến này?

Chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà: Việc sống cho đáng tuổi trẻ không chỉ thể hiện cái vỏ mà còn phải thế hiện năng lực, con người mình, làm chủ cuộc đời mình. Lúc nào cũng thể hiện bản thân bằng tiêu dùng phô trương thì một lúc nào đó sẽ trở thành con nợ của chính mình và không thoát ra được, khi đó dễ bị người khác chi phối. Có nhiều bạn trẻ mới 25, 26 tuổi đã thành công cụ kiếm tiền của người khác.

Muốn sống một tuổi trẻ đúng nghĩa phải sống bằng đam mê, cống hiến cho xã hội. Sống bằng thực lực và sự dấn thân của tuổi trẻ. Việc sống tiêu xài phung phí hay không, vì thế chúng ta nên tiêu dùng dựa trên khả năng tạo ra tiền của mình. Tiết kiệm có mục tiêu, đầu tư tiền cho học hành, cho các mối quan hệ giúp cho chúng ta có nhiều trải nghiệm, ra trường với tâm thế của người làm chủ.

Có nhiều ý kiến cho rằng “nghèo sang chảnh” là sự biến tướng của việc xây dựng hình ảnh cá nhân, chuyên gia có suy nghĩ như thế nào về thực trạng này? Dưới góc độ tâm lý, nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều bạn trẻ theo đuổi lối sống “nghèo sang chảnh” là gì?

Chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà: Chúng ta có nên xét đoán những bạn tiêu tiền phung phí không vì đó cũng không phải tiền của mình. Ở đây chúng ta không phán xét ai, việc tiêu tiền là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, chúng ta đang bàn về cách quản lý tài chính để đảm bảo được sự bền vững cũng như phát triển trong tương lai. Chúng ta cần sự tính toán vì cuộc đời rất là dài, nếu làm 1 đồng tiêu 2 đồng cuộc sống sẽ bị thiếu hụt, không có sự dự phòng cho tương lai. Chúng ta chỉ tiêu 0,5 hay 0,25 đồng trong 1 đồng làm ra. Còn lại chúng ta dùng để đầu tư để kiếm ra được rất nhiều đồng khác.

Vấn đề là cách quản lý để đảm bảo được sự tồn tại, phát triển sau này. “Tích cực phòng hờ”. Chúng ta tạo ra tiền, chúng ta phải được tiêu đồng tiền đó, không ai được phán xét, thế nhưng mình tiêu thế nào để chúng ta luôn có sự an toàn.

Sinh viên Thu trong video, nên có kế hoạch tích góp thế nào để có thể mua được chiếc máy tính đó trong thời gian sớm nhất? Và thời gian đó là bao lâu là phù hợp?

Chuyên gia tài chính Phạm Hồng Phúc: Bài toán này có 2 con đường để chúng ta mua được chiếc máy tính 15 triệu nhanh hơn:

Con đường 1, giảm chi tiêu cá nhân. Có những khoản thu nhập không thay đổi được là tiền nhà, nước, xăng, xe nhưng bạn có thể tiết kiệm tiền ăn gồm 80 nghìn đồng một ngày. Bạn nên sắp xếp lại kế hoạch ăn uống còn 50 nghìn đồng một ngày. Một tháng bạn tiết kiệm được 900.000 đồng. Chi tiêu khác, giảm còn 500.000 đồng. Một tháng Thu sẽ tiết kiệm được 1 triệu 7. Từ đó, nếu mua chiếc máy tính 15 triệu, Thu  sẽ mất khoảng 10 tháng. Tuy nhiên, thời gian quá lâu, do đó chúng ta phải tìm đến lời giải thứ hai.

Con đường 2, tăng thu nhập của bản thân lên. Thu có thể nỗ lực để kiếm từ 6 triệu thành 9 triệu 1 tháng. Việc tăng thu nhập khiến con đường mua được chiếc máy tính của Thu rút xuống còn khoảng 3 tháng!

Thưa chuyên gia tài chính Phạm Hồng Phúc, cách chuyên gia quản lý và kiểm soát chi tiêu cho cá nhân hàng tháng thế nào?

Chuyên gia tài chính Phạm Hồng Phúc: Tôi quản lý tài chính theo mô hình 6 chiếc lọ:

Chiếc lọ 1: 55 % dành cho nhu cầu thiết yếu; chiếc lọ 2: 10% cho quỹ tiết kiệm dài hạn; chiếc lọ 3: 10% đào tạo và phát triển bản thân; chiếc lọ 4: 10% tự do tài chính, dành ra 10% thu nhập để tham gia vào kênh đầu tư để nhân tiền lên; chiếc lọ 5: 5% cho đi, giúp đỡ người xung quanh, những người có hoàn cảnh khó khăn; chiếc lọ 6: 10% Đây là khoản tiền bạn dành cho việc hưởng thụ, mua sắm xa xỉ, chăm lo cho bản thân, làm những việc mới mẻ, tăng cường trải nghiệm... Quỹ hưởng thụ (PLAY) giúp bạn có động lực để làm việc tốt hơn.

6 chiếc lọ cực kỳ ý nghĩa và giá trị mà đa phần chúng ta bị quên đi.

Làm thế nào để khi con cái đi học xa nhà mà gia đình vẫn có thể quản lý tốt con, nói mà trẻ nghe theo nhưng không khiến con cái cảm thấy khó chịu thưa PGS.TS Phạm Mạnh Hà?

Chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà: Khi bạn khó khăn, chúng ta phải tìm cách để bớt khó khăn hơn. 

Chỉ khi chúng ta rơi vào tình huống khó khăn nhất, chúng ta mới biết cách buộc bản thân quản lý tốt tiền mà chúng ta có. Nếu bố mẹ có con đi học ở xa thì cần thẳng thắn trao đổi với con rằng bố mẹ chỉ có từng ấy tiền lo cho con, không xin thêm. Con cần tự duy trì cuộc sống và cân đối cuộc sống theo cách của con. 

Bố mẹ phải nghiêm khắc trong việc đáp ứng nhu cầu của các bạn thì mới có thể kiểm soát được. Các bạn trẻ khi được bố mẹ đầu tư cho bản thân mình thì thay vì hoang phí, bạn phải biết cách đầu tư ngược trở lại cho bố mẹ, thì chúng ta sẽ nhận được kết quả tốt.

Các bạn trẻ cần tiêu tiền hợp lý, tiêu tiền trong khả năng ít ỏi của chúng ta có, thì chúng ta mới có thể quản lý chi tiêu cá nhân. Chúng ta phải biết cách tiêu tiền khoa học, tiêu tiền đúng mục đích!

Chuyên gia tài chính Phạm Hồng Phúc: Tôi cho rằng cách kiểm soát tốt nhất là không kiểm soát gì cả. Cần tạo cho con tư duy tài chính tốt, tạo những thói quen chi tiêu, quản lý tài chính từ lúc rất nhỏ. Nếu không khi lớn sẽ không thể nói với con không được thế này không được thế kia.

Thứ nhất, bố mẹ cần tạo cho con cái thói quen chi tiêu và quản lý tài chính từ nhỏ. 

Thứ hai, chính bố mẹ cũng cần có một kế hoạch chi tiêu tốt, từ đó sẽ hình thành thói quen cho con cái.

Thứ ba, bố mẹ cần trang bị cho con cái một tư duy tài chính tốt, độc lập.

Thứ tư, các bạn trẻ tự tạo ra một kế hoạch tài chính của riêng cá nhân.

Tôi thấy người trẻ cần làm ba việc: Kiếm tiền, giữ tiền, nhân tiền. Thường thì các bạn trẻ kiếm tiền rất giỏi nhưng giữ tiền kém và hiếm ai biết cách nhân tiền. Khi các bạn biết cách nhân tiền, tài sản lớn sẽ bắt đầu đến với các bạn, các bạn sẽ đạt được sự tự do cá nhân. 

Hiện nay trên mạng có rất nhiều các lớp học “Quản lý tài chính” được mở ra. Thế nhưng không phải khoá học nào cũng chất lượng, vậy theo chuyên gia đâu là những tiêu chí để xác định một khóa học tốt hay nói cách khác đâu là những yếu tố cần tìm hiểu trước khi quyết định tham gia một khóa học liên quan đến tài chính?

Chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà: Thứ nhất, khi các bạn tham gia bất kỳ một khóa học nào đó, các bạn đều có thể nhận được 1 kiến thức nhất định. Nhưng ngoài việc học từ thầy, sếp, mình còn cần học từ những người có vị trí thấp hơn mình.

Tuy nhiên, hiện nay giới trẻ thay vì việc học tập và tập trung vào phát triển bản thân, các bạn dành thời gian để giải trí nhiều hơn. Tôi nghĩ các bạn cần bớt thời gian để giải trí còn một nửa để học bất kỳ một điều gì, hãy trau dồi kiến thức.

Thứ hai, thay vì việc tham gia những khóa học mất tiền, hãy tham gia những khóa học hoàn toàn miễn phí trên các nền tảng xã hội. Học phải đi đôi với hành, sau khi học, các bạn cần bắt tay để phát triển bản thân bằng việc thực hiện hành động, kỷ luật bởi bản thân mình. Chúng ta chủ động phân bổ những quỹ cá nhân dù rất nhỏ, có nguyên tắc độc lập và tuân thủ theo nguyên tắc. Bạn sẽ đạt được tự do tài chính nhanh thôi!

Người giàu thật sự, liệu họ quan tâm về vấn đề gì? Họ có chi tiêu như cách những bạn trẻ "nghèo sang chảnh" chi tiêu hay không?

Chuyên gia tài chính Phạm Hồng Phúc: Người giàu thật sự họ quan tâm đến việc tạo ra giá trị và nhân giá trị đến với nhiều người khác. Chỉ những người giàu mới nổi họ mới thể hiện vẻ hào nhoáng của bản thân. 

Có người đặt câu hỏi rằng: Một người ở NewYork có 10 triệu đô thì có thể sống đủ hay không? Nếu người đó cặp với các người mẫu thì số tiền đó không bao giờ là đủ! Không bao giờ đủ với một người không biết cách nguyên tắc với chính bản thân, sống không có mục đích, và không mong muốn chia sẻ giá trị tới cộng đồng.

Những người thật sự giàu họ không quan tâm những điều đó. Cái họ quan tâm là họ đã đem lại giá trị cho bao nhiêu người, tiền đẻ ra tiền, họ cống hiến được bao nhiêu cho xã hội. Những kẻ bòn rút xã hội, sống ích kỷ và sống vì mục đích cá nhân thì sẽ phải trả giá đắt.

Theo quan sát, cũng như phản ánh của các bạn trẻ, bên cạnh tiết kiệm để quản lý chi tiêu, ngày càng có nhiều bạn trẻ mong muốn dùng tiền đầu tư để “tiền đẻ ra tiền”. Chuyên gia có thể gợi ý một số kênh đầu tư cho người trẻ được không?

Chuyên gia tài chính Phạm Hồng Phúc: Theo tôi trước hết cần biết về những kênh đầu tư nên tránh. Tôi đang nói đến những kênh đầu tư như tiền ảo, forex,... Tôi thấy có rất nhiều người kiếm được tiền từ các kênh đầu tư đó, nhưng cũng có rất nhiều người mất hết tài sản vì nó. Vì các kênh đầu tư này có đặc điểm chung là chưa được Nhà nước và pháp luật Việt Nam bảo hộ. Do đó, rủi ro khi đầu tư là toàn bộ tài sản của chúng ta sẽ bị bốc hơi 100%. Dù nhân tài sản lên 3, 4 lần nhưng nếu rủi ro thì có thể mất trắng tài sản thì không nên tham gia.

Với các kênh đầu tư tôi khuyến nghị, có lẽ tôi sẽ không đề cập đến mua vàng, gửi ngân hàng, trái phiếu chính phủ vì mức lãi suất rất thấp vì chỉ 7-15%/ năm.

Ngoài các kênh trên, tôi khuyến nghị hai kênh là bất động sản và chứng khoán: 

Đầu tiên là bất động sản. Đây là một kênh đầu tư tốt. Nhưng có một nhược điểm là cần nhiều tiền, cần thời gian rất là lâu để tạo vốn và sinh lời.

Do đó, bỏ qua bất động sản, chúng ta có chứng khoán. Kênh đầu tư chứng khoán rất an toàn vì được Nhà nước bảo hộ, mức lãi suất tương đối cao và ổn định. Ngoài ra, chứng khoán có thể bắt đầu rất linh hoạt, với số tiền rất nhỏ.

Kết thúc buổi toạ đàm, các chuyên gia có thể cho các bạn trẻ một số lời khuyên để quản lý tài chính cá nhân và có cách chi tiêu hợp lý không?

Chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà: Chúng ta nên học những bài học từ những người đi trước. Điều quan trọng nhất là chúng ta biết cách quản lý chi tiêu và tự do tài chính. Tôi hi vọng tất cả các bạn trẻ ngoài việc tự do tài chính, chúng ta cần giàu nhân văn, giàu tình người nữa. Hãy kiếm tiền bằng sự tử tế, sự nhân văn! "Nghèo sang chảnh" dù tuổi trẻ ai cũng gặp phải nhưng nó chắc chắn không phải mục đích sống lâu dài của chúng ta!

Chuyên gia tài chính Phạm Hồng Phúc: Không có cái gì đúng và không có gì sai, tất cả chỉ là tương đối, dưới góc nhìn của mình là phung phí nhưng với người khác thì không. Trong chương trình, có rất nhiều quan điểm trái chiều, nhưng với mục tiêu cuối cùng là mong muốn đạt được điều kiện tài chính và tốt hơn trong tương lai. Nếu chúng ta không thay đổi tư duy tài chính, chúng ta không thể đạt được điều kiện tài chính tốt. Tôi có một sứ mệnh sẽ trao khóa đào tạo miễn phí tới 100.000 nhà đầu tư. Nếu bạn trẻ nào quan tâm, thì có thể trao đổi với tôi!

Cảm ơn hai vị khách mời vì đã dành thời gian tham dự tọa đàm hôm nay!

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN