Tôi 20, loay hoay đi tìm đam mê
(Sóng trẻ) - Nếu ai đó hỏi rằng “Đam mê của bạn là gì?” Có lẽ tôi chỉ biết mỉm cười ngại ngùng, đắn đo hồi lâu mà trả lời “Tôi vẫn đang loay hoay đi tìm đam mê”.
20 tuổi, tôi không biết mình cần gì? 20 tuổi, tôi không biết mình muốn gì? 20 tuổi, tôi không biết mình thích gì? 20 tuổi, tôi không thể trả lời cho câu hỏi “Đam mê của bạn là gì”?
Có đôi lúc, tôi tưởng rằng mình đã thực sự tìm ra đam mê của bản thân. Nhưng rồi theo thời gian, cái “đam mê” đó biến thiên thay đổi, đã 20 tuổi rồi, tôi cũng chưa tìm thấy đam mê để mình đeo đuổi, tôi vẫn đang hoang hoải kiếm tìm môt thứ mang tên “đam mê”.
Học lớp 2, khi vinh dự được đứng đầu bảng điểm môn toán, được cô giáo chủ nhiệm hết lời khen ngợi, lũ bạn ngày đó, cứ đến lớp sẽ cuống cuồng mượn vở bài tập toán của tôi mà chép. Giờ học toán, tôi chú ý tập trung tiếp thu bài giảng, từ đó tôi ước mơ sau này sẽ là giáo viên dạy toán. Thực ra, ngày đó tôi không ý thức được rằng, việc học toán là do bố thúc ép, bố muốn tôi giỏi toán.
Lên lớp 6, tôi được xem bộ phim “Đồng nghiệp”, tôi mê mẩn nhân vật nam chính và nữ chính, họ luôn kết hợp hoàn hảo và giành thắng lợi trong mọi phiên xét xử, công lý luôn luôn thắng. Lớp 6, tôi ước mình sau này trở thành luật sư. Nhưng rồi tôi đâu biết, đó chỉ là phim, trong mọi phiên toà “sự thật chưa chắc đã chiến thắng mà cái chiến thắng mới là sự thật”.
Lên lớp 8, phim một lần nữa tác động mạnh mẽ đến cô bé “đang tìm đam mê” trong cái khuôn của bố mẹ là phải học giỏi, trong cái khuôn của thầy cô là phải học giỏi, rồi kể cả cái khuôn của cô bé cũng là phải - học - giỏi.
Tôi vẫn đang tìm kiếm đam mê thực sự
Một bộ phim Thái Lan, nói về đời sống của những tiếp viên hàng không, nó thấy họ thật giỏi, họ được đi đó đây, được lơ lửng trên bầu trời, nó ước mình sẽ là tiếp viên hàng không. Nhưng rồi nó sớm ý thức được, tiếp viên hàng không sẽ không tuyển một cô gái béo. Tôi từ bỏ ước mơ mới vừa đâm chồi trong vẻn vẹn 20 tập, lúc bộ phim đang công chiếu.
Lên lớp 9, một lần nữa ước mơ làm cô giáo của tôi trỗi dậy. Nhưng lần này không phải là giáo viên dạy toán, mà là cô giáo dạy văn, vì tôi chết mê chết mệt những tiết học của cô giáo bộ môn văn, những bài giảng cuốn hút đến lạ kì. Rồi tôi ước, sau này mình có thể làm cô giáo để truyền tải cái hồn của mỗi tác phẩm văn học, để phân tích, thấu suốt từng câu thơ, để mình trở nên sâu sắc hơn nữa… Lớp 9, tôi chắc chắn rằng, sau này mình sẽ là cô giáo dạy Văn. Tôi chăm chút cho bài văn của mình, tôi chăm chỉ đọc sách tham khảo, để kiến thức văn học mở rộng, để có đủ khả năng làm cô giáo dạy Văn.
Tôi mãn nguyện vì cuối cùng mình đã tìm ra mơ ước, nghiệp giảng dạy sẽ là đam mê, là duyên phận. Và cấp 3 tôi đậu chuyên Văn, bước đệm đầu tiên để tôi chạm chân vào mơ ước. Rồi, sống trong môi trường chỉ có văn chương, câu chữ phân tích đơn thuần của tôi không thể nào đánh bật được câu chữ của những bạn vốn có năng khiếu văn chương. Cấp 3, tôi nhận ra mình không dành cho văn học. Vốn dĩ, muốn trở thành giáo viên dạy văn cũng cần phải có khiếu cảm văn.
Lại hành trình đi tìm đam mê. Cô giáo dạy Văn là không thể, vậy thì sẽ là gì khi 3 năm cấp 3 của tôi chót lỡ dành cho Văn mất rồi. Tôi không còn nhiều thời gian để đắn đo suy nghĩ, lớp 12, người ta chỉ quan tâm tôi có đậu đại học hay không. Và Báo chí được tôi lựa chọn cho đích đến của mình. 3 năm học Văn của tôi, sợ bị lãng phí, sợ bị bỏ quên, nên tôi đã chọn Báo chí.
Để rồi, khi đang học báo chí năm thứ 3, tôi vẫn còn tự hỏi, liệu Báo chí có phải đam mê của mình, hay nó đúng là lựa chọn “đường cùng”, “có còn hơn không” mà người ta vẫn nhắc đến cho “dân khối C”. Ừ, ban đầu, Báo chí không phải là đường cùng, vì Báo chí sẽ ấp ủ hộ tôi sở thích với môn Văn. Chỉ là dần dà, tôi phát hiện ra báo chí với văn học vốn dĩ rất xa nhau. Tôi lại tiếp tục mất – phương – hướng…
20 tuổi, tôi đang học ngành báo chí và tôi vẫn đang loay hoay đi tìm đam mê…
Lê Linh
Báo mạng K32
Cùng chuyên mục
Bình luận