Liệu AI sẽ khiến ngành truyền thông - marketing bị đào thải nhanh?
(Sóng trẻ) - Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang phát triển mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực đời sống con người, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông - marketing. Tuy nhiên, AI liệu có đang thực sự đi đúng hướng như kỳ vọng của con người?
Đầu năm 2024, các chuyên gia đã dự đoán, đây là năm của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực truyền thông - marketing. Bối cảnh xã hội lại càng rõ nét hơn khi ông trùm công nghệ OpenAI lần đầu tiên hợp tác với nhà xuất bản tin tức lớn nhất nước Đức - Axel Springer để sử dụng tin tức chính thống trong các câu trả lời của Chatbot, nhằm ngăn chặn thông tin sai lệch.
Với bước tiến đột phá này, nhiều người e ngại rằng, ngành truyền thông - marketing sẽ sớm bị thay thế bởi các cỗ máy thông minh. Điều này liệu có thể xảy ra? Chúng ta sẽ cùng anh Hạnh Trần - Trưởng phòng Lancer, Công ty Cổ phần Appota thảo luận rõ hơn về vấn đề này.
PV: Thưa anh, hiện tại, việc áp dụng công nghệ AI tại truyền thông Việt Nam nói chung và tại Appota nói riêng đang diễn ra như thế nào?
Trưởng phòng Lancer Hạnh Trần: Hiện tại, trên thị trường, công nghệ AI đang được áp dụng khá chủ động. AI đang giúp các doanh nghiệp cải thiện khá nhiều về quy trình cũng như những góc độ phân tích người dùng, tối ưu hóa những chiến dịch truyền thông.
Ở Appota, AI cũng đang làm các công việc như phân tích, dự đoán các xu hướng cũng như hành vi của người dùng. Ở thời điểm hiện tại, nhu cầu của người dùng thay đổi nhiều và liên tục nên mình luôn luôn phải bám sát theo thị trường.
PV: Thực tế, ứng dụng AI vào hoạt động sáng tạo của các doanh nghiệp đã xuất hiện từ một vài năm trước. Có thể nhắc đến chiến dịch quảng cáo mùa hè của Clear năm 2020 với “siêu sao AI celeb Tóc Tiên”. Anh nhận định như thế nào về hiệu quả truyền thông của chiến dịch trên nói riêng và hoạt động truyền thông của các doanh nghiệp nói chung?
Trưởng phòng Lancer Hạnh Trần: Chiến dịch “Siêu sao AI Celeb Tóc Tiên” thực chất là một trong những chiến dịch đầu tiên có sử dụng công nghệ AI, đại diện cho một nhân vật. Đây có thể nói là một chiến dịch truyền thông khá nổi bật. Tôi thấy AI đã thể hiện được rất rõ vai trò của mình trong việc tạo ra những trải nghiệm và cá nhân hóa độc đáo cho người dùng. Nó cũng đem lại nhiều điều mới mẻ để tiếp cận. Đồng thời, nó giúp cho việc sản xuất các dự án hay chiến dịch tiết kiệm chi phí về lâu dài, đặc biệt là trong những chiến dịch có tần suất cao hoặc phát triển trên nhiều nền tảng khác nhau.
Về hiệu quả của các doanh nghiệp nói chung, tôi nhận thấy AI có thể tăng tính năng tương tác ở các nền tảng Chatbox hoặc trở thành trợ lý ảo để có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giao tiếp với khách hàng một cách liên tục và nhanh chóng. Điều này có thể giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí và tối ưu hơn về về mặt nhân sự, chất lượng để quá trình chăm sóc khách hàng trở nên tốt hơn.
PV: Theo anh, đâu là lợi ích lớn nhất mà trí tuệ nhân tạo mang lại cho lĩnh vực truyền thông tại thời điểm hiện tại?
Trưởng phòng Lancer Hạnh Trần: Đối với Appota cũng như OT Network, hoặc các đơn vị khác, tôi nghĩ ngoài những thứ tôi đã đề cập ở trên, lợi ích lớn nhất AI mang lại cho các doanh nghiệp là khả năng tối ưu hóa quy trình và cá nhân hóa cho trải nghiệm người dùng. Trong lĩnh vực truyền thông, AI hỗ trợ phân tích dữ liệu và dự đoán xu hướng để chúng ta có những chiến dịch truyền thông bám đuổi mục tiêu và đạt được những hiệu quả cao hơn.
Đồng thời sau mỗi dự án, AI giúp chúng ta phân tích kết quả chiến dịch, đưa ra phương án, rút bài học kinh nghiệm cho những chiến dịch tiếp theo.
PV: Bên cạnh những lợi ích, có những bất cập nào đang tồn tại khi áp dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực này?
Trưởng phòng Lancer Hạnh Trần: Về phía chúng tôi, chúng tôi nhận thấy rằng việc sử dụng AI trong các dự án truyền thông, marketing vẫn có một số bất cập, mặc dù lợi ích vẫn rất nhiều. Điển hình phải nhắc đến việc con người phụ thuộc quá lớn vào AI, dẫn đến tình trạng thiếu chủ động, sáng tạo và “yếu” màu cá nhân hóa trong các chiến dịch truyền thông.
Đồng thời, ứng dụng AI khiến chúng tôi gặp phải những khó khăn trong việc đồng bộ. Khi triển khai nội dung với toàn bộ nhân sự, trình độ của mỗi cá nhân là khác nhau. Vì vậy, có người sử dụng tốt và cũng có người sử dụng chưa thành thạo.
Ngoài ra, có một số lý do khác như rủi ro về tính bảo mật thông tin, tình trạng thông tin thiếu minh bạch, mất kiểm soát thông tin hay những tổn hại về chi phí để khai thác và duy trì dự án cũng có thể xảy ra khi sử dụng AI.
PV: Một số ý kiến cho rằng, khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số trong ngành truyền thông hiện nay là vấn đề pháp lý. Vậy các vấn đề pháp lý và quyền sở hữu trí tuệ sẽ được giải quyết ra sao khi nội dung truyền thông do AI tạo ra?
Trưởng phòng Lancer Hạnh Trần: Như chúng ta đã biết, khi sử dụng AI, với những câu lệnh nhập vào khác nhau vẫn có thể đưa đến kết quả đầu ra vô tình trùng lặp nhau, dẫn đến trường hợp vi phạm bản quyền. Với quan điểm của tôi, hiện tại, quyền sở hữu trí tuệ và các quy định về pháp lý đều công nhận con người là tác giả duy nhất. Cho nên, mọi việc liên quan đến quyền sở hữu của các nội dung do AI tạo ra cũng khá phức tạp.
PV: Được biết, trong lĩnh vực truyền thông, trào lưu luôn được coi trọng. Tuy nhiên, tại Diễn đàn Lãnh đạo Doanh nghiệp trẻ Việt Nam với chủ đề AI WAVE, ông Trương Quốc Hùng (nhà Sáng lập kiêm CEO VinBrain) đã nhấn mạnh trào lưu hiện đang có sự thay đổi do có sự tham gia của AI. Vậy những thay đổi đó là gì?
Trưởng phòng Lancer Hạnh Trần: Đối với việc sản xuất nội dung, AI như chất xúc tác khiến các yêu cầu trong việc sáng tạo trở nên cao hơn. Từ việc lên ý tưởng cho các dự án, nội dung cốt lõi và các kỹ năng trong việc sử dụng AI.
Bên cạnh đó, AI cũng đã và đang làm thay đổi về các tiêu chí tuyển dụng. Thay vì yêu cầu các bạn có kinh nghiệm về sản xuất nội dung thì hiện nay, các nhà doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu thêm hoặc ưu tiên phải có kỹ năng huấn luyện sử dụng AI.
Và một thay đổi lớn nhất, AI sẽ tác động đến xu hướng thị trường lao động toàn cầu để đáp ứng cho việc sử dụng và vận hành phát triển AI tốt hơn.
PV: Với những thay đổi đó, anh dự đoán AI sẽ tác động như thế nào đến ngành truyền thông ở hiện tại và trong tương lai?
Trưởng phòng Lancer Hạnh Trần: Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo sẽ tác động đến truyền thông khá lớn. Đơn cử như chiến dịch “siêu sao AI celeb Tóc Tiên” đã được nhắc đến ở trên. Chắc chắn sẽ nổi lên những chiến dịch truyền thông độc đáo về AI, phát triển về mảng thực tế ảo, áp dụng công nghệ với góc nhìn thực tế hơn.
Và với sự phát triển vượt bậc của công nghệ trong thời đại chuyển đổi số, tôi tin rằng, AI sẽ ngày càng thông minh và tương tác tốt hơn. Đặc biệt, AI sẽ giúp các nhà sáng tạo nội dung (content creator) phát hiện những rủi ro không đáng có, thậm chí là dự đoán khủng hoảng truyền thông để việc quản lý truyền thông ngày càng đơn giản hơn.
PV: Có thể nói, AI đã và đang hỗ trợ con người rất nhiều trong việc sáng tạo nội dung. Tuy nhiên, nhiều người trẻ lại đang mất dần tính chủ động, khá phụ thuộc vào AI trong công việc của mình. Vậy sự phụ thuộc này có tiềm ẩn những rủi ro nào cho nguồn nhân sự ngành truyền thông - marketing ở tương lai không?
Trưởng phòng Lancer Hạnh Trần: Tôi cho rằng, trong tương lai, bất cứ ai khi sử dụng AI đều cần tỉnh táo và chủ động. Khi quá phụ thuộc vào AI, nó sẽ ảnh hưởng đến cá nhân của những người sử dụng, dẫn đến việc thiếu kỹ năng chuyên môn.
Đối với các bạn sinh viên, nếu chúng ta quá lạm dụng vào AI, bộ phận nhân sự bắt buộc phải thay đổi nhân sự vì không đảm bảo được chất lượng sản phẩm truyền thông. Vì vậy, chúng ta hãy coi AI là một công cụ tốt, một “thanh kiếm sắc” để phát triển bản thân, không phụ thuộc, không trông chờ.
PV: Vào năm 2022, Google phát triển công cụ Performance Max, có khả năng tự động phân tích chiến lược marketing dựa trên dữ liệu của hàng triệu chiến dịch. Anh có nghĩ rằng vai trò của các nhà chiến lược Marketing sẽ dần bị thu hẹp trong tương lai không?
Trưởng phòng Lancer Hạnh Trần: Chắc chắn là không. Công cụ Performance Max có thể tự động hóa nhiều nhiệm vụ, nhưng các nhà chiến lược Marketing vẫn cần thiết để đưa ra những quyết định sau cuối, hiểu rõ thị trường, xác định mục tiêu sáng tạo và phát triển tư duy chiến lược. Cái không thể của AI là cảm xúc. Vì vậy, trong cái bối cảnh cụ thể, các chiến dịch, dự án vẫn cần đến sự can thiệp của con người.
Có thể nói, công cụ AI hay Performance Max của Google cũng chỉ là công cụ giúp ích một công việc cụ thể nào đó hoặc một giai đoạn ngắn trong cả đoạn hành trình phát triển. Công cụ thì không thể thay thế con người.
PV: Với kinh nghiệm 8 năm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, đặc biệt là làm nội dung trên nền tảng Tiktok, làm thế nào để cân bằng giữa trí tuệ nhân tạo và con người để đạt hiệu quả truyền thông tốt nhất?
Trưởng phòng Lancer Hạnh Trần: Đối với chúng tôi, việc ứng dụng AI vào các sản phẩm truyền thông để hỗ trợ con người chắc chắn sẽ dùng và luôn luôn dùng. Chúng tôi xác định, AI là bàn đạp để chúng tôi có những bảng phân tích số liệu, tài liệu nghiên cứu thị trường, nghiên cứu khách hàng, nghiên cứu hành vi người dùng chi tiết hơn, cụ thể và chuẩn xác hơn. Từ đó, chúng tôi có thể đưa ra những tiêu chí nhằm phục vụ cho công việc sáng tạo nội dung hay phương diện cộng đồng, tập trung chính xác vào tệp khách hàng của mình.
Đối với mỗi doanh nghiệp, AI cũng chỉ là một công trợ hỗ trợ nên chắc chắn, nhân sự ngành truyền thông - marketing sẽ không dễ dàng bị đào thải nhanh chóng. Thay vào đó, như tôi đã khẳng định ở phía trên, kết hợp nhuần nhuyễn giữa AI và sự thông minh, khả năng làm mới bản thân để phát triển các dự án truyền thông một cách tốt nhất có thể.
PV: Cảm ơn anh đã nhận lời tham gia phỏng vấn!