Tổng kết diễn đàn: “Ngành giáo dục: Đầu tư nhiều nhưng chất lượng bao nhiêu?!”
(Sóng trẻ) - Sau một thời gian hoạt động, diễn đàn đã nhận được nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp ý kiến của quý độc giả. Bài viết nhận được 2153 lượt theo dõi, trong đó có 15 ý kiến bình luận về vấn đề đặt ra.
Vấn đề giáo dục luôn là vấn đề nóng, nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Trong 10 năm trở lại đây, ngân sách nhà nước chi cho ngành giáo dục lên tới hàng trăm nghìn tỉ đồng. Điển hình nhất là năm 2012, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục lên đến 170 349 tỉ đồng, gấp hơn 7,5 lần so với năm 2003 (Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: “chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng giáo dục có tiến bộ so với bản thân nó trước đây, nhưng so với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, so với mong muốn của thầy và trò, của phụ huynh, của Đảng, nhà nước và xã hội thì chưa đáp ứng”.
Trong số 15 ý kiến tham gia diễn đàn có 13 ý kiến (chiếm gần 87% số người tham gia bình luận) đồng tình với quan điểm đầu tư giáo dục ở Việt Nam nhiều nhưng kết quả thu lại chưa được như mong muốn; số còn lại nhận thấy mức đầu tư và quan tâm của xã hội dành cho ngành giáo dục vẫn chưa cao. Tuy nhiên hầu hết các ý kiến đều nêu ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Độc giả[email protected] chia sẻ: “Người ta bảo học phải đi đôi với hành nhưng ở Việt Nam thì chỉ được đầu tư vào học. Việc nâng cao kỹ năng cho học sinh thường không được đầu tư hoặc đầu tư dàn trải, không có sự định hướng lâu dài. Thực tế, chúng ta vẫn đang loay hoay trên con đường đổi mới giáo dục dù vốn đầu tư rất lớn. Một trong những thất bại đó là đổi mới trình độ của đội ngũ giảng dạy”.
Đồng quan điểm, độc giả [email protected] cũng góp ý về hạn chế của ngành giáo dục là “đầu tư cho giáo dục còn thiếu đồng bộ, đặc biệt có sự phân hóa rõ rệt giữa các vùng miền. Bản thân các chương trình cải cách giáo dục chưa thực sự hiệu quả, sách giáo khoa vẫn còn quá nhiều sạn”.
Mở rộng vấn đề hơn, độc giả [email protected] chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục chưa cao: “Bản thân tôi thấy ngành giáo dục đầu tư nhiều nhưng chưa đạt được kết quả cao lý do một phần là bệnh thành tích nhiều quá. Các thầy cô giáo chưa thực sự quan tâm xem học sinh, sinh viên nghĩ gì và muốn gì.Một phần nữa là nạn tham nhũng ghê quá. Nên thực hiện biện pháp để học sinh, sinh viên đánh giá giảng viên, giáo viên, phải làm sao xóa hẳn chế độ "con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa” thì chất lượng mới tốt được”.
Độc giả Nguyễn Lan có địa chỉ [email protected] thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của vấn đề: “một là mắc bệnh thành tích, hai là vì cho con cái đi học quá nhiều, lúc nào cũng thấy học và học,hết ở trường sáng chiều, về nhà tối lại học thêm thầy nọ cô kia, hoặc gia sư riêng, thậm chí thứ bảy, chủ nhật của các em cũng phải học thêm. Học đương nhiên là tốt, nhưng cần có phương pháp thích hợp cho từng đối tượng, từng hoàn cảnh, chứ không nên nhồi nhét, dập khuôn, sáo rỗng... Cần kết hợp học với vui chơi giải trí để học sinh có tinh thần tốt mà tiếp thu chứ không nên để học sinh cắm đầu vào học rồi nhìn lại mà chẳng biết cuộc sống quanh mình ra sao thì kết quả sao mà tốt được?”
Không chỉ có vậy, độc giả [email protected] còn chỉ ra nguyên nhân nữa là một “số trường hợp giáo viên lạm dụng thiết bị công nghệ để giảng dạy khiến giờ học không thu hút học sinh, học sinh sử dụng một số đồ dùng cá nhân như máy tính bảng, điện thoại thông minh để chơi game, lướt web... khiến giáo viên và các em không chủ động trong học tập, giảng dạy”.
Lạm dụng thiết bị công nghệ khiến học sinh trở nên thụ động hơn (Nguồn : Internet)
Bên cạnh những ý kiến trên cũng xuất hiện một số ý kiến trái chiều, cho rằng đầu tư cho giáo dục ở Việt Nam vẫn chưa cao. Độc giả Nguyễn Quỳnh có địa chỉ [email protected] sẻ: “Tôi thấy vấn đề đầu tư cho giáo dục được quan tâm hơn, nhưng cũng chưa nhiều, chưa nói đến việc đầu tư không hiệu quả vì thiếu đồng bộ gây lãng phí. Nhiều khi những thứ đầu tư chỉ là để "làm cảnh", trưng bày, chứ sự hữu dụng cho các em là không nhiều”.
Cùng suy nghĩ, một độc giả có địa chỉ [email protected] phản ánh:“Mình thấy ở Việt Nam đầu tư cho giáo dục là ít nhất đấy! Thử nhìn xem còn bao nhiêu em nhỏ không được đến trường, còn bao nhiêu vùng sâu vùng xa không có trường lớp, đồ dùng học tập! Toàn rót tiền đi đâu thôi!”
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, nền giáo dục nước nhà giữ một vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đất nước, nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì thế, ngành giáo dục cần phải được chú trọng hơn, được đầu tư và quan tâm thực sự đểhiệu quả đào tạo được nâng cao, cung cấp nguồn nhân lực trí tuệ dồi dào cho các ngành kinh tế, xã hội khác.
Những ý kiến đóng góp của độc giả nêu trên vừa chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong công tác giáo dục đào tạo, vừa nêu ra những giải pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao chất lượng giáo dục.Diễn đàn: “Ngành giáo dục: Đầu tư nhiều nhưng chất lượng bao nhiêu?!”xin phép được khép lại.
Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm và đóng góp của quý độc giả!
Nguyễn Huệ
Nhóm 6- Báo mạng điện tử K31
Cùng chuyên mục
Bình luận