Trăn trở nỗi niềm đưa miến làng cổ Cự Đà vươn dài, vươn xa

(Sóng trẻ) - Làng miến Cự Đà (thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) có tuổi đời hơn 400 năm được lưu giữ qua nhiều thế hệ, tuy nhiên giờ đây làng lại đứng trước nguy cơ thất truyền.

Không phải ngẫu nhiên mà làng cổ Cự Đà được mệnh danh là “thiên đường của miến”. Miến Cự Đà khẳng định thương hiệu lâu đời bằng hương vị đặc trưng, chất lượng sợi miến mảnh, giòn dai, kể cả khi nấu quá lửa cũng không bị bở nát.

slide5.JPG
Nghề làm miến không quá nặng nhọc, song công việc này đòi hỏi nhiều công đoạn. (Ảnh: Thanh Hà)

Để đạt được thành tựu ấy, nghệ nhân làm miến phải quần quật từ 4 giờ sáng đến 6 giờ tối với bốn công đoạn chính: Đầu tiên, cơ sở sản xuất nhập bột dong riềng phơi khô từ các tỉnh miền núi phía Bắc; tiếp đó là sơ chế bột và tráng bột thành bánh miến để phơi nắng lần một; sau khi tấm bánh khô sẽ cắt bánh thành sợi mảnh dài để phơi nắng lần hai; cuối cùng là khâu đóng gói và vận chuyển ra thị trường. Mỗi công đoạn làm miến không những yêu cầu người thợ làng nghề phải kỳ công, tỉ mỉ và chịu khó, mà còn buộc họ đối mặt với nhiều thách thức khác nhau.

Ngao ngán vì thời tiết
Do đặc thù của nghề phụ thuộc nhiều vào thời tiết, người dân khó có thể chủ động trong quá trình làm ra thành phẩm. “Trời nắng to, khô ráo mới phơi được miến, nếu mưa hoặc âm u, chúng tôi không dám làm”, ông Đinh Văn Toàn (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ. Mặc dù năng suất miến tăng đáng kể nhờ ứng dụng máy móc nhưng vào những ngày thời tiết xấu, người dân làng nghề cũng đành phải tạm dừng công việc.

slide2.JPG
Trong điều kiện nắng đẹp, mỗi lần phơi mất khoảng 3 tiếng đồng hồ thì bánh mới khô; khi trời mưa, nồm thì thời gian kéo dài, thậm chí mất đến nhiều ngày trời. (Ảnh: Thanh Hà)

Chị Đinh Thị Loan, hộ dân có truyền thống làm miến hơn 50 năm, cho hay: “Làm nghề này xác định không có giờ nghỉ trưa bởi trời càng nắng gắt càng là thời điểm lý tưởng để phơi miến. Chúng tôi phải ngồi canh chừng để lật miến liên tục, tránh tình trạng sợi miến khô không đồng đều làm ảnh hưởng đến chất lượng miến”.

slide4.JPG
Mặc dù dành cả ngày ở bãi phơi miến, người dân vẫn không tránh khỏi cảnh oái ăm khi bất chợt gió lớn khiến miến rối tung. Những sợi miến này không thể đem bán nên người ta thường mang về phục vụ trong gia đình. (Ảnh: Thanh Hà)

Nỗi lo thiếu người trẻ kế nghiệp
Trước đây, làng có hơn 80% hộ dân làm miến. Nghề miến bấy giờ được xem là nghề chính với lãi suất cao, mỗi mẻ tráng bình quân thu về 5 triệu đồng/ngày. Nhờ làm miến, người dân Cự Đà có cái ăn, cái mặc, được học hành đầy đủ và không hộ nào thuộc diện nghèo.

Thế nhưng, theo chị Đinh Thị Loan: “Hiện nay, toàn làng chỉ còn khoảng 20-22 hộ còn duy trì nghề làm miến. Do nghề đòi hỏi luôn tay luôn chân, không ngơi nghỉ nên một số người quyết định ‘thoát ly’ để mở cửa hàng buôn bán hoặc làm bảo vệ với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng mà nhàn nhã hơn. Ngày nay, các bạn trẻ không thiếu cơ hội tìm việc làm, không như thế hệ của chúng tôi trước kia, nếu không theo nghề cha ông thì không biết làm gì”.

slide6.JPG
Làng Cự Đà đang phải đối mặt với nguy cơ thất truyền do thiếu nguồn nhân lực trẻ. (Ảnh: Thanh Hà)

Mặc dù lo lắng nghề tổ thất truyền, chị Loan vẫn định hướng cho con cái trong nhà học Đại học với mong muốn con mình có một cuộc sống tốt hơn bố mẹ. Chị Loan chia sẻ: “Ngày xưa, bất cứ đứa trẻ nào từ 4-5 tuổi đều theo bố mẹ học làm miến nên tuổi nghề cũng gần bằng tuổi thật của mình. Cha truyền con nối, cả gia đình bám trụ vào nghề, người người nhà nhà đều biết làm miến”. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều gia đình tạo điều kiện cho thế hệ sau được tập trung học hành, dẫn đến người trẻ ở đây hiếm được tiếp xúc với nghề cổ truyền của làng. 

Một trong những nguyên do khiến người trẻ dần “thoát ly” với nghề là vì tính chất của công việc. Nghề miến yêu cầu người làm phải luôn tay luôn chân từ sáng sớm đến tối mịt, đòi hỏi sự tỉ mỉ và chịu khó, mang tính lặp đi lặp lại các bước; trái ngược với bản chất sáng tạo, thích khám phá và tung hoành ở chân trời mới của giới trẻ. Họ khao khát “bước” khỏi cổng làng để tìm kiếm cho bản thân nhiều cơ hội phát triển và mở mang tri thức.

slide3.JPG
Số lượng hộ dân theo nghề chưa tới 10% trên tổng số 2.100 hộ và độ tuổi người làm miến từ 40-60 tuổi. Mỗi xưởng có khoảng 10 nhân công thì hơn một nửa phải thuê từ bên ngoài vào. (Ảnh: Thanh Hà)

Theo ghi nhận của PV, lực lượng lao động có tay nghề vững, kinh nghiệm và kỹ năng tốt đa phần thuộc nhóm tuổi khá cao. Còn lại, lực lượng lao động trẻ lại thuộc đối tượng lao động không thường xuyên, chỉ làm nghề những lúc nông nhàn hay thời gian nghỉ học để phụ giúp bố mẹ. Trong khi đó, sự phát triển của làng nghề truyền thống hiện nay đòi hỏi đội ngũ thợ trẻ có khả năng tiếp thu nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào quá trình sản xuất. Do đó, bài toán nâng cao chất lượng và số lượng lao động trẻ lành nghề nối nghiệp tổ tiên đang là vấn đề nan giải, không chỉ riêng làng miến Cự Đà mà còn tồn đọng ở nhiều làng nghề truyền thống khác.

Khan hiếm mặt bằng
Bên cạnh thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, quỹ đất phát triển làng nghề cũng ngày càng eo hẹp. “Làng miến Cự Đà không có khu đất dành riêng phục vụ việc lưu giữ nghề truyền thống nên chúng tôi đành sử dụng mặt bằng của hộ dân trong thôn. Do hộ dân ở đây chưa có nhu cầu nên chúng tôi phơi nhờ miến, mai này họ muốn xây nhà hay trồng vườn ở đây thì cũng đành chịu thôi”, ông Toàn ngậm ngùi.

slide1.JPG
Những tấm miến được gác tạm bợ cạnh vườn cây của hộ dân trong làng. (Ảnh: Thanh Hà)

Trên thực tế, cứ một hộ làm nghề miến phải cần tối thiểu 1500-2000m2 đất để phục vụ sản xuất trong xưởng và phơi miến. Người dân làng Cự Đà đang mong ngóng từng ngày địa phương sớm đầu tư điểm công nghiệp làng nghề để hỗ trợ về mặt bằng cho các cơ sở sản xuất phát triển.

Không chỉ ông Toàn mà nhiều nghệ nhân làng miến cũng khắc khoải khi nghĩ tới tương lai của nghề tổ. “Bây giờ còn rất ít hộ làm nghề, sau này khả năng chỉ còn 10 hoặc 5 nhà, thậm chí là thất truyền. Chúng tôi cố giữ được nghề này đến bao giờ thì giữ thôi…”, chị Loan chua xót.

Có lẽ, khát khao lớn nhất trong dịp Tết của những nghệ nhân làng cổ là giữ gìn nghề cũ của ông cha, giữ chút tâm tình và “nếp sống” văn hóa của người dân Cự Đà. Ngôi làng mang nét đẹp trầm mặc, cổ kính nổi danh với sợi miến vàng ươm, rồi đây liệu có còn?

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN