“Nguyễn Triệu Luật – Tác phẩm đăng báo”: Những tư tưởng một thời vẫn vẹn nguyên giá trị thời đại

(Sóng trẻ) - Cuốn sách mới mang tên “Nguyễn Triệu Luật – Tác phẩm đăng báo” là tập hợp những sáng tác của tác giả Nguyễn Triệu Luật đề cập tới những vấn đề của thời đại ông đang sống và những Lý luận về Tâm lý học. Hơn hai phần ba thế kỷ đã trôi qua, chính tài năng của tác giả và giá trị đích thực của những sáng tác đó đã đưa Nguyễn Triệu Luật tới gần hơn với công chúng.

Ngày 23/1, Nhà xuất bản Tri Thức phối hợp với Trung tâm Văn hoá Pháp tổ chức Toạ đàm Giới thiệu sách “Nguyễn Triệu Luật – Tác phẩm đăng báo” tại Hội trường Trung tâm (số 24, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tham dự buổi Toạ đàm có PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh (nguyên công tác tại Viện Văn học), Nhà giáo Nguyễn Triệu Căn trong vai trò là các diễn giả và Bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ (Phó Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức) trong vai trò người dẫn chương trình và đông đảo các khán giả là các Nhà giáo, Nhà văn hoá, Giáo sư nổi tiếng và công chúng yêu thích Văn học.

a2963bb46_mylife5695.jpg

Các Diễn giả tại buổi Toạ đàm

Nguyễn Triệu Luật là ai?

Nguyễn Triệu Luật (1903 – 1946) là người làng Du Lâm (nay thuộc xã Mai Lâm) – Đông Anh – Hà Nội. Ông là cha đẻ của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam. “Ông dựa theo văn phong của Alexandre Dumas và Sacha Guitry trong cách kể chuyện lịch sử bằng cách đưa những tình tiết vui vẻ, sắc sảo, khiến người đọc cảm thấy nhẹ nhàng, thích thú” (Janine Gillon – CID Việt Nam). Các tác phẩm chính của ông có thể kể tới như Hòm đựng người (1938), Bà chúa chè (1938), Ngược đường Trường Thi (1939), Chúa Trịnh Khải (1940), Thiếp chàng đôi ngả (1941)…

“Nguyễn Triệu Luật là một Nhà văn, Nhà giáo và Nhà báo. Ông đã đặt hết tâm hồn mình vào từng sáng tác của mình để cổ vũ mạnh mẽ cho tinh thần dân tộc”, Nhà giáo Phạm Toàn chia sẻ. Ông còn cho biết Nguyễn Triệu Luật là một con người lạc quan, chính vì thế mà những yếu tố tưởng tượng trong những tiểu thuyết của ông mới có chất hài hước và thú vị như thế, khác với nhiều sáng tác cùng thời của ông. Và ngay chính Nguyễn Triệu Luật cũng từng nói trong tác phẩm “Vũ Trọng Phụng với tôi”: “Sa vào vòng hoạn nạn, tôi cười. Bị đời ruồng bỏ, tôi cười. Đối với hết thảy những lời huỷ báng, giọng chênh lệch, tôi chỉ lấy cười mà đáp lại. Ba mươi bảy tuổi đầu, tôi mới khóc có hai lần, trong khoảng hai năm liền…”.

a2963bb46_mylife5678.jpg

Những người tham dự lắng nghe chia sẻ của các diễn giả

Nài ra, nói về tác giả Nguyễn Triệu Luật, tại buổi Toạ đàm, một thầy giáo giảng dạy bộ môn Sinh học của trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương cũng tâm sự rằng thầy vô cùng may mắn khi được có cơ hội đọc Nguyễn Triệu Luật. Cụ là một tấm gương yêu nước sáng ngời, một Nhà giáo mẫu mực, một Nhà tiểu thuyết kiệt xuất và là một Nhà Văn hoá lớn.

Và chia sẻ với những người tham dự Toạ đàm, cô giáo Bùi Thị Chân Phượng (Đại học Hoa Sen – Thành phố Hồ Chí Minh) nói: “Ở Sài Gòn, có một con phố mang tên Nguyễn Triệu Luật từ trước năm 1975. Ở đó, chúng tôi đều biết đến Nguyễn Triệu Luật và bản thân tôi cũng rất ngưỡng mộ tài năng của ông. Chính tài năng và thời đã tạo nên một Nguyễn Triệu Luật như thế”

Một cuốn sách với những tư tưởng thời đại

“Nguyễn Triệu Luật – Tác phẩm đăng báo” có quyết định xuất bản vào ngày 29/12/2014. Cuốn sách bao gồm những sáng tác của cụ Nguyễn Triệu Luật đã được đăng báo trước kia được sưu tầm bởi cụ Nguyễn Triệu Căn – con trai của cụ Nguyễn Triệu Luật. 

“Tôi ít đọc bố tôi và từng cảm thấy xấu hổ vì bố tôi là một người của Quốc dân Đảng. Giá như tôi đọc ông nhiều hơn và sớm hơn thì có lẽ bây giờ tôi đã khác hơn rồi. Tôi thực hiện những công việc này – sưu tầm để xuất bản thành sách những sáng tác của bố tôi chỉ với một mong muốn lớn nhất – đó là để cho con, cháu học tập tấm gương tu thân của cụ”, cụ Nguyễn Triệu Căn tâm sự.

Cuốn sách gồm có 4 phần chính và một phần Phụ lục. Các phần chính đề cập đến các vấn đề: Văn hoá và Giáo dục (Phần I), Lý luận – Phê bình (Phần II), Ngôn ngữ (Phần III) và Tâm lý học (Phần IV). Là người viết lời nói đầu để giới thiệu cho cuốn sách, PGS.TS. Băng Thanh đã mang đến cho những người tham dự những nhận định sâu sắc về nội dung, giá trị đích thực của những sáng tác được sưu tầm. 

Trước hết, đó là ý tưởng gây dựng một nền văn hoá riêng cho dân tộc Việt Nam của Nguyễn Triệu Luật. Lúc bấy giờ, nước ta bị thực dân Pháp đô hộ nên nền văn hoá cũng bị văn hoá phương Tây của Pháp lấn át. Bên cạnh đó, tư tưởng sùng nại, sính nại phổ biến và gây ra những tác động tiêu cực trong đời sống xã hội. Bởi thế, Nguyễn Triệu Luật cũng đã nhấn mạnh rằng mỗi người Việt Nam cần phải có tinh thần tự ái dân tộc. Tư tưởng này của cụ được thể hiện rõ nét qua Phần I của cuốn sách.

a2963bb46_mylife5675.jpg

Cuốn sách “Nguyễn Triệu Luật – Tác phẩm đăng báo”

Phần II với những sáng tác như Bàn góp về truyện Kiều,  Văn Tản Đà, Vũ Trọng Phụng với tôi, Ông Phan Trần Chúc bôi nhọ quốc sử… đã thể hiện những quan điểm, góc nhìn của Nguyễn Triệu Luật với những vấn đề văn học Việt Nam, là những đóng góp to lớn của cụ cho mảng Lý luận – Phê bình văn học.

Trong Phần III, với Điển chế văn tự, Một ý kiến thô sơ về cách điển chế văn tự, Phương pháp làm quyển mẹo tiếng Việt Nam, Vấn đề cải cách chữ quốc ngữ, Vài điều nhận thấy trong ngữ pháp Việt Nam, Nguyễn Triệu Luật mong muốn, suy tính về sự chuẩn hoá Tiếng Việt. “Trong thời đại ngày nay, những điều đó rất có ý nghĩa trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, PGS.TS. Băng Thanh cho biết. Và trong Phần IV, những kiến thức về Tâm lý học mà cụ đã dịch sang tiếng Việt đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc dạy và học Tâm lý học hiện nay ở các nhà trường.

Tại buổi Toạ đàm, Nhà Văn hoá Nguyễn Khắc Mai đã nói Nguyễn Triệu Luật là cây cột chống giữa dòng hỗn loạn của xã hội lúc bấy giờ để giữ lại những gì tốt đẹp nhất cho dân tộc. Có thể nói rằng, tuy Nguyễn Triệu Luật qua đời từ sớm, nhưng những gì cụ để lại thì vẫn còn nguyên vẹn những giá trị lớn lao đối với sự phát triển của dân tộc. Và “Nguyễn Triệu Luật – Tác phẩm đăng báo” là một trong những minh chứng rõ ràng và “đẹp” nhất cho tài năng, tinh thần, tư tưởng, nguyện vọng của cụ.


Lê Loan
Báo mạng điện tử K33

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN