Trạng thái ngủ đông mùa dịch của học sinh: Khắc phục thế nào?

(Sóng trẻ)- Trong mùa dịch Covid-19, hình thức học trực truyến – học online đã trở nên quen thuộc với nhiều phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên hình thức này vẫn tồn tại nhiều mặt trái. Sáng ngày 11/12, Vietschool kết hợp cùng Khoa Tâm lý Giáo dục Học viện Quản lý giáo dục tổ chức talkshow online “Đánh thức trạng thái ngủ đông mùa dịch của học sinh”.

"Ngủ đông mùa dịch" tức là trạng thái trì trệ trong học tập và sinh hoạt của học sinh trong suốt khoảng thời gian học tập trực tuyến tại nhà do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây là mối quan tâm và trăn trở của rất nhiều các bậc phụ huynh.

Buổi talkshow được tổ chức online
Buổi talkshow được tổ chức online

Buổi talkshow có sự tham gia của TS Hoàng Trung Học - Tiến sỹ Tâm lý học tại Liên bang Nga - Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo, Trưởng Khoa Tâm lý Giáo dục Học viện Quản lý giáo dục, Nhà giáo Nguyễn Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường Liên cấp THCS - TH Vietschool và các phụ huynh, khán giả theo dõi qua livestream.

Chia sẻ về phương pháp học online, cô Mai Thị Trang, Giáo viên chủ nhiệm Lớp 5, Trường liên cấp THCS-TH Vietschool cho biết: “Học online giúp các con có nhiều cơ hội tiếp cận với một số phần mềm công nghệ thông tin, khả năng tự học, tự nghiên cứu, nhưng bên cạnh đó vẫn có những thách thức như đường truyền kém, khả năng tương tác giữa thầy và trò giảm đi rất nhiều”.

Ngủ đông mùa dịch là gì?

Thực tế, lứa tuổi học sinh là lứa tuổi được đến trường, được vui chơi và học tập. Nhưng thay vào đó là sự kéo dài của Covid-19, khiến cho tư duy của trẻ bị ảnh hưởng. Theo đó, TS Hoàng Trung Học nhận định: “Về trạng thái ngủ đông mùa dịch, có những biểu hiện vô cùng rõ rệt. Đầu tiên là về mặt nhận thức. Nhiều trẻ trước đó nhanh nhẹn, thông minh nhưng bây giờ trí nhớ sụt giảm, học không vào. Có trẻ thì khả năng tư duy chậm lại. Khả năng phản ứng và nhận thức cũng chậm hơn khi học trực tiếp”.

TS Hoàng Trung Học - Tiến sỹ Tâm lý học tại Liên bang Nga - Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo
TS Hoàng Trung Học - Tiến sỹ Tâm lý học tại Liên bang Nga - Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo

Về mặt cảm xúc, Tiến sĩ cho biết nhiều trẻ em rơi vào tình trạng cảm xúc bị rối loạn, có xu hướng thu mình lại, phản ứng cảm xúc chậm đối với bố mẹ, dễ dẫn đến trầm cảm. Ngược lại, có những học sinh “hưng cảm”, nhạy cảm trước lời nói của bố mẹ, thầy cô, dễ nổi giận, tức tối.

Hành vi của học sinh trong thời gian học online kéo dài cũng có những thay đổi. Đối với trẻ tiểu học, nhiều học sinh có biểu hiện chậm chạp, lờ đờ, uể oải khi ở nhà. Tệ hại hơn là một số học sinh bị nghiện game, nghiện mạng xã hội, thậm chí vướng vào tình trạng bắt nạt qua mạng. Đây là những điều tiêu cực mà thời gian ngủ đông mùa dịch đem lại.

Nhà giáo Nguyễn Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường Liên cấp THCS - TH Vietschool cho biết: “Nhu cầu của học sinh là học tập, tương tác, vui chơi giải trí. Nhưng học online kéo dài, khiến các em không được tương tác, vui chơi, dẫn đến những hệ lụy về sức khỏe”.

Chị Linh lo lắng về tình trạng học tập của con mình
Chị Linh chia sẻ lo lắng về tình trạng học tập của con mình

Nhận thấy sự tương đồng giữa những chia sẻ của tiến sĩ và tình trạng con mình, chị Hồ Khánh Linh - công tác tại trường Đại học Hà Nội, có hai con học ở bậc phổ thông chia sẻ: “Hai bạn ở nhà có hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Bạn lớn thì lầm lì, ít giao tiếp với bố mẹ. Bạn ấy thu mình lại. Bạn bé hơn thì lại thừa năng lượng, không có chỗ xả năng lượng, luôn mè nheo, chơi game. Ảnh hưởng đến sinh hoạt của cả gia đình”.

Học online kéo dài: Đóng băng tinh thần học tập

Nguy cơ stress học đường rất cao. Đứa trẻ chán, buồn, lo âu, mắt vô cảm, mặt thất thần. Bên cạnh đó, trạng thái ngủ đông mùa dịch dẫn đến các hành vi sa ngã vào những mối quan hệ trên mạng xã hội, khiến trẻ không rút ra được. Năng lượng và nhu cầu giao tiếp của học sinh khi học trực tuyến phải tìm một nơi để cân bằng. Không thể trò chuyện với bố mẹ, không có bạn bè cùng chơi, các em học sinh dần sa vào các mối quan hệ không lành mạnh.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh cho biết: “Việc học online kéo dài không chỉ gây hệ lụy đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng lớn đến tinh thần. Việc đáp ứng nhu cầu học tập, học theo chương trình đào tạo chưa đảm bảo. Chủ trương của Ngành giáo dục là điều chỉnh, giảng dạy những gì cốt lõi, giảm tải chương trình học. Nhưng học online dài ngày, khi trẻ quay lại trường dẫn đến sự thiếu hụt tri thức”.

Theo cô Thanh, việc học online kéo dài khiến học sinh bị ảnh hưởng về cả thể chất lẫn tinh thần
Theo cô Thanh, việc học online kéo dài khiến học sinh bị ảnh hưởng về cả thể chất lẫn tinh thần

Không ít bậc cha mẹ nghĩ rằng bắt ép con ngồi vào bàn và ra một số bài tập, trước sau gì trẻ cũng phải hoàn thành. Trong khi đó, mang tâm trạng ức chế vào bàn học chỉ khiến trẻ càng ngày càng ghét việc học. Học trực tuyến, trẻ phải tương tác cùng những thiết bị vô tri, điều này vô hình chung dẫn đến sự thiếu nhanh nhạy, mất đi sự chủ động học tập, học sinh khi ấy trở thành nguồn tiếp nhận thông tin vô cảm đằng sau những chiếc điện thoại, laptop.

Tiến sĩ Hoàng Trung Học nhận định: “Chưa bao giờ giáo viên bị áp lực, căng thẳng đến thế. Cô dạy ngày nào cũng được phụ huynh dự giờ. Trước hết phải giảm stress của giáo viên, bỏ hết những áp lực không cần thiết. Khi đó tinh thần tích cực của giáo viên mới lan tỏa đến học sinh. Cơ chế tạo ra sự tương tác, nghiệp vụ giảng dạy online khác hoàn toàn với trước kia. Chính vì vậy, không thể dồn hết trách nhiệm lên nhà giáo”.

Tạo cảm hứng, đồng hành cùng trẻ là biện pháp tốt nhất

“Đối với trẻ, không được dạy quá ngưỡng tuổi và thời gian. Không tham thời gian với trẻ, càng nhồi nhét thời gian học tập thì các con càng mất đi sự hứng thú học tập. Phải biến giờ học trở nên thú vị, thu hút như xem một bộ phim”, ông chia sẻ thêm.

Trong thời kỳ đại dịch khó khăn nhất là tâm lý. Từ học sinh, phụ huynh đến giáo viên phải cùng gỡ cho nhau. Bậc phụ huynh nên hạ chỉ tiêu kỳ vọng đối với con mình, việc đòi hỏi nhiều vô tình tạo áp lực cho con, càng mệt mỏi càng học tệ. Một khi đánh mất ý thức, thái độ đối với học tập của học sinh thì kết quả sẽ ngày càng đi xuống.

Cố gắng dành thời gian cho trẻ, giao tiếp với con, lắng nghe và thấu hiểu cũng là một biện pháp tốt để giúp con trở lại trạng thái học tập ban đầu. Trong đó, nhu cầu vận động phải được cân bằng, như chơi thể thao, chơi trò chơi cùng trẻ, năng lượng phải được xả thì các con mới không cảm thấy uể oải, chán nản.

Ở nhà dù giãn cách thì vẫn là thời gian sinh hoạt hằng ngày. Phải đảm bảo nhịp sinh học, phải theo nề nếp để không ảnh hướng đến sức khỏe, tránh sự xáo trộn không cần thiết. Cân bằng lịch trình học, trẻ em càng nhỏ tuổi phụ huynh càng phải đồng hành cùng con. Tiến sĩ nhấn mạnh thêm: “Giúp trẻ có năng lực tự học, ý chí học, hứng thú học. Cô giáo phải động viên và đồng hành. Chúng ta cho trẻ cần câu để tồn tại chứ không cho con cá”.

Trong buổi talkshow, có nhiều câu hỏi được phụ huynh gửi về cho chương trình. Với thắc mắc “Tại sao trẻ chán học, lười học online hơn so với học trực tiếp?”, Tiến sĩ Hoàng Trung học đã đưa ra lời giải đáp: “Mỗi lần trẻ học phải có cảm xúc tốt. Xưa nay việc học luôn gắn với xúc cảm tiêu cực. Vì vậy phụ huynh phải lắng nghe, tìm hiểu, đặt niềm tin thậm chí là phần thưởng, gắn xúc cảm tích cực cho việc học. Phải ghi nhận, vinh danh, củng cố con. Hành vi gắn với xúc cảm tích cực thì con sẽ lặp lại điều đó. Phải chấp nhận trẻ nếu trẻ có kết quả không tốt”.

Với cô Nguyễn Thị Thanh, thầy cô và cha mẹ phải đồng hành. Bất kỳ điều gì khiến con cảm thấy khó chịu đều phải nhanh chóng giải quyết. Khi học sinh lười học thì chúng ta tháo gỡ khó khăn cho con, phụ huynh, thầy cô phải có mối liên hệ, liên lạc với nhau. Một đứa trẻ không giỏi hết mọi thứ. Trẻ lười học không có nghĩa là trẻ không giỏi. Giáo viên phải biết được nút thắt và tháo ra khó khăn cho học sinh. Không một thầy cô nào từ chối việc phụ huynh và học sinh cần câu trả lời.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN