Triệu phú thanh long trên đất nhã
(Sóng trẻ) - Từ bàn tay trắng, anh Vũ Văn Phóng( Vĩnh Xá- Kim Động- Hưng Yên) trở thành người tiên phong đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng trên mảnh đất Hưng Yên bằng công nghệ mới Israel. Trải qua nhiều khó khăn, hiện nay, mô hình này của anh ngày càng được nhân rộng, đạt hiệu quả kinh tế cao, đem lại nguồn thu nhập từ 400-500 triệu đồng/ năm khiến anh trở thành “triệu phú thanh long” trên đất nhãn.
Chinh phục thanh long ruột đỏ trên đất nhãn
Hưng Yên là mảnh đất được biết đến như “thủ phủ” của các loại nhãn. Nài ra, Hưng Yên còn phát triển một số loại cây trồng như: bưởi, cam. Còn thanh long ruột đỏ khi ấy vẫn còn là một loại cây trồng mới, chưa xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Bắc. Ở phía Nam, do điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, cây thanh long ruột đỏ được trồng phổ biến ở các tỉnh: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang...
Thanh long ruột đỏ là loại quả bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe cũng như sắc đẹp với hàm lượng nước cao(87,6%), các loại vitamin cần thiết cho cơ thể như: vitaminC, vitaminA, Glucid, Lycopen, các loại khoáng chất,... Vì vậy, đây là một loại quả được nhiều người tiêu dùng ưa thích, nhu cầu của thị trường ngày càng cao. Muốn mua thanh long ruột đỏ, người ta phải vận chuyển từ các tỉnh miền Nam ra.
Qúa trình vận chuyển này rất khó khăn, thanh long ruột đỏ còn rất dễ dập nát nên thương lái buộc phải sử dụng chất bảo quản, chi phí vận chuyển lại cao. Vì vậy, ra tới miền Bắc, thanh long ruột đỏ không những không ghi được điểm về chất lượng, mẫu mã mà giá thành lại cao. Có thời điểm, thanh long ruột đỏ được bán ở Hà Nội đắt gấp 30 lần giá thu mua tại các nhà vườn ở miền Nam. Nắm bắt được những điều kiện và nhu cầu của thị trường nông sản, lại đang loay hoay chưa tìm ra được hướng đi cho mình, anh Phóng quyết tâm trở thành người đi đầu trồng cây thanh long ruột đỏ ở quê hương.
Anh Vũ Văn Phóng đang cắt bỏ những mầm dại để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả, tránh nấm bệnh
Anh Vũ Văn Phóng, sinh năm 1984 trong một gia đình thuần nông ở xã Vĩnh Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Sau khi vào Nam lập nghiệp nhưng không thành công, năm 2007, sau một chuyến về thăm quê, anh Phóng quyết định ở lại quê hương gây dựng sự nghiệp nhưng phải đến tận năm 2011, chàng trai 23 tuổi mới tìm được hướng đi cho mình từ loại cây trồng này. Bắt đầu “bén duyên” với cây thanh long chỉ với vỏn vẹn 7 sào vườn và 1 loại giống còn sống sót trong số rất nhiều giống Long Định I được anh đem về từ vùng Bình Thuận, Long An.
Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm trồng và chăm sóc, chưa áp dụng những kĩ thuật canh tác mới cũng như khoa học công nghệ nên vườn thanh long của anh Phóng cho tỉ lệ thụ phấn thấp, sản lượng, chất lượng quả chưa đạt yêu cầu, tốn nhiều công chăm sóc. Quả nhỏ, vỏ không bóng đều, độ ngọt chưa đảm bảo, nhiều quả bị nấm bệnh hại. Chính vì vậy thanh long của anh chỉ bán được cho một vài tiểu thương ở địa phương với mức giá không cao, hiệu quả kinh tế đem lại còn thấp. Tự nhủ “Vạn sự khởi đầu nan”, anh Phóng bắt đầu tập trung nghiên cứu kĩ thuật canh tác mới của Nhật Bản, Hàn Quốc bằng cách tra cứu trên Internet, tìm hiểu những websibe về nông sản, liên hệ với các nhà vườn ở miền Nam để học hỏi về kĩ thuật trồng và chăm sóc...
Với số lượng gốc thanh long ngày một nhiều, giống cây này lại cần nhiều nước, anh Phóng nhận thấy không thể chăm sóc theo phương pháp thủ công được nữa vì tốn rất nhiều nhân công, hiệu quả không cao. Tình cờ, trong một chuyến đi vào Bình Thuận, anh biết đến mô hình tưới nước tự động của Israel. Áp dụng hệ thống này, thời gian tưới nước, phân bón chỉ mất 15-20 phút trên một diện tích lớn. Vì vậy, chỉ cần bỏ ra một số vốn không lớn nhưng anh Phóng đã tiết kiệm được đáng kể không chỉ công chăm sóc mà còn tiết kiệm được điện, nước. Nước được tưới sâu vào gốc nên bộ rễ rất phát triển, hơn nữa lại hạn chế được cỏ dại mọc xung quanh nhờ đó cây có điều kiện phát triển tốt hơn. Nài ra, anh Phóng cũng cung cấp nguồn canxi cho cây một cách tự nhiên bằng phương pháp rắc nhiều vỏ trứng đập dập quanh những gốc thanh long.
Sau khi ươm được giống tốt và vững vàng về kĩ thuật chăm sóc, anh Phóng bắt đầu nhân rộng mô hình trang trại của mình. Từ 7 sào vườn của gia đình, anh mở rộng lên đến 3,7 mẫu đất với trên 1100 gốc thanh long ruột đỏ. Đến nay, diện tích trồng thanh long mà chàng trai trẻ này sở hữu là 4,5 mẫu đất và gần 3000 gốc thanh long cho thu hoạch quả 2 lần mỗi tháng(từ 4-5 tấn quả/tháng).
Nhờ áp dụng công nghệ kĩ thuật cùng những thiết bị hiện đại, anh Phóng dần làm chủ được điều kiện trồng và chăm sóc, cho ra đời những gốc thanh long sinh trưởng tốt, ít bị ảnh hưởng bởi những biến động của thời tiết, khí hậu. Vì vậy, vườn thanh long của anh cho sản lượng và chất lượng cao, mẫu mã đẹp, quả thanh long đạt từ 600g- 1kg/quả, vỏ bóng đẹp, không bị nấm bệnh, độ ngọt và lượng nước được đảm bảo.
Mặc dù điều kiện khí hậu miền Bắc chưa hoàn toàn thích hợp với cây thanh long ruột đỏ nhưng vườn thanh long của anh vẫn cho ra quả có chất lượng tương với thủ phủ của thanh long là Bình Thuận, Long An, Tiền Giang...Người tiêu dùng ở phía Bắc vì thế mà tiếp cận được với loại quả này với mức giá ổn định hơn. Nài trồng thanh long ruột đỏ, anh Phóng còn kết hợp trồng nhiều loại rau màu, nuôi ba ba giống,... Mô hình trang trại này của anh cho tổng thu nhập từ 400-500 triệu đồng/năm.
Vợ anh Phóng đang phun thuốc thảo dược cho những cây có dấu hiệu bị nấm bệnh xâm nhập
Dù chỉ mới bước đầu thành công với mô hình này nhưng anh Phóng không giữ bí quyết cho riêng mình. Với mong muốn giúp bà con nông dân tại địa phương thoát nghèo, anh đã tận tình hướng dẫn kĩ thuật công nghệ, cung cấp giống, phân bón cho các hộ nông dân đang loay hoay với mô hình trang trại, đem lại cho họ nguồn thu nhập ổn định mỗi năm.
Hiện nay, những mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo công nghệ mới Israel mà anh Phóng hỗ trợ thành công đã lên tới con số 50 cả ở trong và nài tỉnh. Thời gian gần đây, trước khi cây thanh long vào vụ chín rộ( từ tháng 5- tháng 12 âm lịch) anh đã đem hơn 20000 giống cây lên các tỉnh Sơn La và Hải Dương để hướng dẫn họ kĩ thuật canh tác. “Mình làm được rồi thì mình hướng dẫn người ta để người ta cũng làm được như mình, cái gì cứ giữ khư khư thì không bao giờ phát triển được”- anh Phóng tâm sự.
Cùng với những mô hình mà mình tận tâm hướng dẫn, anh Vũ Văn Phóng mong muốn trở thành một người sản xuất có trách nhiệm, xây dựng một chuỗi sản xuất nông sản sạch, an toàn và bền vững bằng công nghệ sinh học, không sử dụng chất bảo quản.
Năm 2016, anh thành lập Hợp tác xã SXDV& TM Nông sản Học Phát tại địa phương và làm Chủ tịch hội đồng Hợp tác xã. Được đánh giá cao về năng lực. Năm 2017, anh đảm nhận chức vụ Chủ tịch Câu lạc bộ khởi nghiệp nông nghiệp cho thanh niên huyện Kim Động, liên kết với Học viện Nông nghiệp Việt Nam về nhiều loại cây trồng khác. Tháng 12/2017, Đồng chí Vũ Văn Phóng vinh dự được Ban chấp hành Huyện Đoàn Kim Động tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển Kinh tế- xã hội và bảo vệ Tổ quốc” . Thương hiệu nông sản Học Phát của anh ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Sản phẩm thanh long ruột đỏ được xuất đi trên 30 siêu thị lớn nhỏ toàn miền Bắc, được người tiêu dùng tin tưởng về chất lượng.
Câu chuyện đằng sau những thành công
Từ số nợ hơn 100 triệu đồng ban đầu, đến nay tổng thu nhập từ mô hình trang trại này đem đến cho gia đình anh từ 400-500 triệu đồng/ năm. Nhưng ít ai biết, đằng sau những thành quả chàng thanh niên trẻ tuổi năm ấy phải trải qua rất nhiều khó khăn.
Anh Phóng trong cơ ngơi khang trang của mình, chia sẻ về những khó khăn quá khứ
Năm 2002, sau khi học xong THPT, thi đại học nhưng không đạt kết quả, vì gia đình còn nghèo, không muốn phụ thuộc vào bố mẹ, anh Phóng quyết định vào Nam lập nghiệp. Một thân một mình nơi đất khách quê người, anh bắt đầu với công việc làm nhân viên cho một nhà sách ở thành phố Hồ Chí Minh trong 2 năm. “Ngày đấy ham đọc sách lắm nhưng lương thấp quá nên anh chuyển sang làm thạch cao, được một thời gian ngắn rồi cũng bỏ”- anh kể.
Bỏ nghề làm thạch cao, anh được một người cùng quê giới thiệu vào làm chân phục vụ ở một nhà hàng. Điều kiện sống khó khăn, vất vả, có đợt anh bị bệnh sốt rét hành hạ, không có tiền đi bệnh viện. Thế rồi không biết tại sao anh may mắn qua được trận sốt rét kinh hoàng ấy. Nhưng nhà hàng lúc này lại không ăn nên làm ra, anh bỏ ra nài làm nhiều nghề để kiếm sống nuôi bản thân. Chán chường vì không tìm được hướng đi mới, tự nhận mình bất tài vô dụng, anh nhất định không quay về quê hương. Bà Đào Thị Xít - mẹ anh Phóng kể: “Nó đi biền biệt 6 năm giời, có năm Tết cũng không về, bố mẹ nói mãi nó mới chịu về”.
Năm 2007, sau chuyến về quê ăn Tết, tình quê hương được thôi thúc, anh quyết định ở lại lập nghiệp. Tuy nhiên, vì đã quen với cuộc sống, cách tư duy của người miền Nam nên anh gặp phải vô vàn những trở ngại. Thời gian đầu, anh Phóng làm ruộng cùng gia đình. Nhưng hình ảnh bà Xít “đầu tắt mặt tối”, hái được 10 mớ rau, bán được vỏn vẹn 200 đồng một mớ khiến anh “ghét cay ghét đắng” nghề nông.
Không mặn mà gì với nông nghiệp, quyết tâm thoát khỏi cảnh nghèo, anh dồn chút vốn ít ỏi để làm nghề sơn nhưng thu nhập bấp bênh. Quá trình làm sơn, anh tình cờ biết đến nhiều người làm giàu từ trang trại. “Ghét của nào trời trao của ấy”, có sẵn vốn vay để làm sơn, anh quyết tâm quay lại với nông nghiệp, bắt đầu với mô hình trang trại. Vấp phải nhiều sự phản ứng tiêu cực từ gia đình, họ hàng, anh càng có quyết tâm làm việc.
Năm 2009, bước sang tuổi 26, anh lập gia đình nhưng trong tay vẫn chưa có gì. Mẹ vợ anh sợ con gái đun bếp rơm, bếp củi “toét mắt” nên mua sẵn cho một bình gas, bếp gas. Được tặng quà, anh vừa mừng nhưng cũng vừa lo vì không biết lấy tiền đâu ra mà “nuôi” nó. Năm 2010, vợ anh sinh cậu con trai đầu lòng, số nợ lúc này đã lên đến 100 triệu, áp lực lại đè nặng lên vai người chồng, người cha, người con trong gia đình. Anh sang Hà Tây mua 3 tạ cua, trạch giống đem về ao thả. Chưa có kinh nghiệm nuôi, ao chuôm chưa được đầu tư bài bản,... năm ấy, anh thu hoạch được 10 kg trạch, cua bò đi gần hết. Nợ lại càng chồng chất nợ.
Trong cái rủi có cái may, miền Bắc bước vào đợt mưa lũ, nuôi ba ba giống, cá giống lúc này rất phát triển. Vợ chồng anh bắt đầu có tiền trả nợ. Con ba ba lại cần một đối tượng cây trồng ít tán, không cớm lá để tạo ánh nắng. Anh bắt đầu “bén duyên” với cây thanh long từ đó. Tự mình vào thủ phủ của thanh long, tuyển chọn và đem về được 7 giống Long Định I.
Nhưng khó khăn vẫn chưa hết, chỉ có 1 giống trong số đó phù hợp với điều kiện khí hậu miền Bắc. Nghề nuôi ba ba giống lúc này cũng thoái trào, anh Phóng quyết định mở rộng trang trại, đầu tư vào trồng thanh long ruột đỏ. Có duyên với loại quả này cùng sự quyết tâm, không ngại khó, anh trở thành người tiên phong đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng trên đất nhãn, chứng minh được rằng thanh long ruột đỏ hoàn toàn có thể chinh phục được miền Bắc.
Dù không ai chắc rằng phía trước còn những khó khăn gì đang đợi. Nhưng so với túp lều nhỏ dựng tạm và cuộc sống khó khăn ngày trước, giờ đây gia đình anh đã có một cơ ngơi khang trang, thu nhập ổn định, cuộc sống đủ đầy. Anh Phóng vẫn vất vả, bận rộn, không phải tìm đường đi cho mình mà là chỉ đường cho những người nông dân còn đang loay hoay với “con trâu, cái cày”.
HH
Cùng chuyên mục
Bình luận