Trống đồng Đông Nam Á qua góc nhìn của một nhà kinh tế
(Sóng trẻ) - Vẻ đẹp và giá trị vĩnh cửu của trống đồng Đông Nam Á đã “quyến rũ” Jacques de Guerny - Thạc sĩ Kinh tế học của trường Đại học Kinh doanh Harvard. Đến với Việt Nam, ông đã có dịp tổ chức một buổi hội thảo để chia sẻ niềm đam mê này đến đông đảo những người yêu thích trống đồng và cùng họ bàn luận về những điều bí ẩn, chưa có lời giải chính xác.
Ông Jacques de Guerny giới thiệu cuốn sách “Trống đồng Đông Nam Á” - công trình nghiên cứu, thu thập thông tin về trống đồng của ông từ khắp nơi trên thế giới
Tại buổi hội thảo “Trống đồng Đông Nam Á” được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, ông Jacques de Guerny đã chia sẻ những kiến thức về trống đồng do ông tự thu thập, một cách tràn đầy nhiệt huyết và say mê. Tình yêu của ông đối với trống đồng Đông Nam Á được thể hiện rõ qua cuốn sách ông viết, với những thông tin được chọn lọc từ những nguồn uy tín, hình ảnh chân thực và phong phú, cùng với đó là sự tổng hợp thông tin vô cùng đa dạng, chi tiết về trống đồng. Cuốn sách này là sản phẩm sau chuyến hành trình kéo dài nhiều năm vị Thạc sĩ Kinh tế, đến thăm từng quốc gia liên quan và gặp gỡ các chuyên gia uyên bác, các nghệ nhân giỏi nhất về trống đồng.
Trong cuốn sách, ông Jacques đề cập đến việc phân loại trống đồng và đã lập nên hệ thống 3 hệ trống của riêng ông. Cách phân loại của ông dựa trên niên đại và đặc điểm địa lý hình “chùm nho” phân bố xung quanh sông Hồng - vùng dân cư đông đúc thời cổ và các nhánh sông khác trong khu vực Đông Nam Á và phía Nam Trung Quốc. Đặc biệt hơn, khi thuyết trình, ông Jacques đã tỏ lòng biết ơn của mình đối với nhà khảo cổ học người Áo, ông Franz Heger - cố vấn trong hội nghị nghiên cứu về Viễn Đông ở Hà Nội năm 1902, vì những đóng góp của ông cho những nghiên cứu về trống đồng, và đã “truyền cảm hứng” cho Jacques xây dựng nên hệ thống phân loại 3 hệ trống.
(Infographic: Phụng Linh)
Thời đại đồ đồng tạo ra những đổi mới mang tính cách mạng. Trong đó, những chiếc trống bằng đồng với chất liệu bền và kiểu dáng mạnh mẽ đã được sản xuất với số lượng lớn hơn hẳn so với những loại trống bằng gỗ và da trước đó.
Trống đồng mang trong mình những giá trị văn hoá, lịch sử, nhân sinh, khoa học tự nhiên vô giá. Chúng được thể hiện ngay ở những biểu tượng trang trí được khắc trên mặt trống và thân trống. Những hình ảnh được này còn là một “tuyên ngôn” đối với người chủ sở hữu, thể hiện sự giàu sang, uy tín, địa vị xã hội. Trống đồng khi đó giá trị đến nỗi được chôn cả trong ngôi mộ của người chủ, hàm chứa những quan niệm tâm linh của người xưa.
Hình ảnh âm bản mặt trống đồng Ngọc Lũ - một kiệt tác văn hoá cổ xưa của nhân loại
Ý nghĩa những hình khắc trên mặt trống hoặc trên thân trống rất đa dạng, tùy thuộc vào cách giải thích, góc nhìn của mỗi nhà nghiên cứu; nhưng vẻ đẹp của chúng là không thể chối cãi. Cuộc phiêu lưu của trống đồng đã kéo dài hơn 2500 năm cho đến ngày hôm nay. Những địa điểm phát hiện trống đồng trải khắp một lãnh thổ rộng lớn, từ Trung Quốc đến Việt Nam và các đảo của Indonesia, bao trùm cả một vùng Đông Dương.
Đó là những gì sơ lược nhất trong các nghiên cứu của Jacques de Guerny.
Buổi hội thảo “Trống đồng Đông Nam Á” còn là dịp để những nhà nghiên cứu lịch sử, những người quan tâm và yêu thích trống đồng tại Việt Nam có thể cùng thảo luận và chia sẻ thông tin.
Trong buổi hội thảo, có ý kiến từ một nhà nghiên cứu ở Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng trống đồng có nguồn gốc từ miền Bắc Việt Nam với nhiều dẫn chứng cụ thể như các công trình nghiên cứu của các nhà khảo cổ học Việt Nam cùng các tiêu bản đã được xác định niên đại sớm nhất cũng nằm trong lãnh thổ Việt Nam; sau đó trống đồng mới được lan toả đến Vân Nam (Trung Quốc) chứ không phải có nguồn gốc từ Vân Nam.
Đáp lại lời khẳng định của nhà nghiên cứu, ông Jacques de Guerny cho rằng nguồn gốc của trống đồng thực sự đến nay vẫn chưa được xác định, đây là một vấn đề khiến giới khảo cổ học vẫn phải tranh luận bởi khi tham gia các hội thảo ở Vân Nam, chính ông cũng được nghe các nhà khảo cổ học Trung Quốc nói rằng nguồn gốc trống đồng là từ Vân Nam, Trung Quốc.
Nài ra, tại đây, vẫn còn nhiều câu hỏi khác được đặt ra về trống đồng nhưng vẫn chưa có lời giải đáp và còn nhiều bí ẩn như: Xét về vị trí địa lý quanh trục sống Hồng, liệu có mối quan hệ nào giữa đá cổ Sapa và trống đồng, văn hoá trống đồng hay không? Ý nghĩa của “hình sao” giữa mặt trống đồng là gì? Vì sao số cánh sao lại khác ở nhiều loại trống?..v..v..
Trịnh Thu Trang - trưởng nhóm, nhà sáng lập dự án “Hoạ Sắc Việt”
Buổi hội thảo còn có sự góp mặt của nhiều nhân vật có mối quan tâm lớn dành cho trống Đồng. Trong đó có chị Trịnh Thu Trang - trưởng nhóm, nhà sáng lập của dự án “Hoạ Sắc Việt”, dự án sáng tạo các thiết kế ứng dụng lấy cảm hứng từ hoạ tiết truyền thống của Việt Nam. Tại đây, chị Trang đã chia sẻ với ông Jacques về sự hứng thú của mình với các hoạ tiết trên trống đồng và ngỏ ý muốn cùng ông hợp tác nghiên cứu sâu để phục vụ cho các sản phẩm tiếp theo của dự án.
Phụng Linh
Cùng chuyên mục
Bình luận