Trút bớt "gánh nặng" vì đỗ xét tuyển sớm
(Sóng trẻ) - Những năm gần đây, xét tuyển sớm trở nên phổ biến và tạo ra nhiều cơ hội đỗ đại học cho các thí sinh, làm giảm bớt áp lực thi cử cho các sĩ tử.
Tăng cơ hội đỗ đại học
Xét tuyển sớm là các phương thức tuyển sinh không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh có nhu cầu đăng ký xét tuyển sớm vào trường đại học mình yêu thích sẽ thông qua các hình thức khác như: học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng…
Năm 2023 có khoảng 171 trường đại học công bố phương thức xét tuyển học bạ. Năm 2024, 105 cơ sở đào tạo đại học và cao đẳng trong cả nước sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển một phần chỉ tiêu tuyển sinh và có tới 224 trường ĐH xét học bạ năm 2024 tại Hà Nội và TPHCM. Số liệu trên cho thấy, phương thức xét tuyển sớm được nhiều trường đại học áp dụng trong quá trình tuyển sinh những năm gần đây.
Điều này tạo ra nhiều con đường để học sinh cuối cấp có thể tìm được bến đỗ mới sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Song, đây cũng là mặt thách thức cho các sĩ tử về sự chuẩn bị những điều kiện xét tuyển từ trước đó. Xét tuyển sớm vào những trường “hot” đòi hỏi thí sinh phải có học bạ “đẹp”, chứng chỉ ngoại ngữ, điểm đánh giá năng lực cao hay giải học sinh giỏi tỉnh …
Điểm chuẩn xét tuyển học bạ 2024 của Học viện Ngoại giao dao động trong khoảng 21,93 - 23,82. Để có thể hồ sơ xét tuyển học bạ, các thí sinh phải đạt một trong những tiêu chí sau: Đoạt giải Khuyến khích/giải Tư trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hoặc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển; Đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương lớp 10, lớp 11 hoặc lớp 12; Thí sinh là học sinh trường THPT chuyên hoặc trường THPT trọng điểm quốc gia chất lượng cao; Có một trong các chứng chỉ quốc tế/bài thi chuẩn hóa năng lực quốc tế đạt đủ điều kiện điểm số (theo quy định của Học viện) và còn giá trị sử dụng tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển.
An tâm hơn khi đã có đường lui
Đỗ xét tuyển sớm chỉ là tạm thời và có điều kiện. Kết quả này chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ngọc Mai chia sẻ thêm: “Để đạt được kết quả đó không phải dễ dàng, mình đã phải cố gắng chăm chỉ học Tiếng Anh từ những ngày đầu năm lớp 10 để thi chứng chỉ tiếng Anh, kết hợp cùng học tốt các môn văn hoá khác để điểm học bạ được cao”. Mai là người có định hướng từ sớm và đã dành thời gian chuẩn bị cho việc xét tuyển sớm, đây là lựa chọn “khổ trước, sướng sau”.
Phụ huynh Phùng Duy Hạnh (Hà Đông, Hà Nội) tâm sự: “Tôi thấy năm nay lứa học sinh 2006 phải chịu nhiều áp lực vì là kỳ thi cuối theo chương trình thi cũ, không chỉ việc thi tuyển mà còn cả việc xét tuyển sớm. Mức độ cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi các sĩ tử cần có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng về điểm học bạ hay chứng chỉ ngoại ngữ từ trước”.
Bạn Thuỳ Trang học sinh lớp 12, THPT Hoài Đức A (Hà Nội) gửi lời khuyên tới các học sinh khóa dưới: “Các bạn cần chú ý trau dồi kiến thức trên trường lớp để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, bên cạnh đó nên cố gắng chuẩn bị cho mình những chứng chỉ ngoại ngữ để có lợi thế hơn trong kỳ thi xét tuyển”.