Văn Miếu - Công trình văn hóa đồ sộ trên đất Vĩnh Phúc
(Sóng trẻ) - Bên cạnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám tại Hà Nội đã quá quen thuộc, có một “Quốc Tử Giám" thứ hai hiện là một điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch tại thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Nằm tại Khu đô thị Hà Tiên, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên và được khởi công xây dựng vào tháng 6 năm 2012, Văn Miếu (Vĩnh Phúc) đến nay dù chưa hoàn thiện hoàn toàn, song đã được mở cửa cho du khách tham quan hơn một năm nay.
Cổng lớn Văn miếu (Vĩnh Phúc)
Trước đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã có Văn Miếu Phủ Tam Đới (sau được đổi thành Văn Miếu Phủ Vĩnh Tường) nhưng đã bị phá hủy. Văn Miếu xưa kia ở Vĩnh Phúc là một công trình trọng điểm biểu trưng cho truyền thống văn hiến và hiếu học của con người nơi đây. Nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của Văn Miếu trong lịch sử, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định xây dựng Văn Miếu mới để truyền tải những thông điệp văn hóa tới du khách thập phương.
Văn Miếu có diện tích khoảng 4,2 ha, trong đó tổng mặt bằng xây dựng (công trình kiến trúc, sân hành lễ) chỉ chiếm 1,1 ha - tức là tỷ lệ xây dựng 28%, phần chính còn lại là 3,1 ha chủ yếu là sân vườn, cây xanh, thảm cỏ và mặt nước. Từ nài vào trong, Văn Miếu gồm các công trình chính gồm: Tứ trụ, cầu đá, Văn Miếu môn, giếng thiên quang, nhà bia Tiến sĩ, Đại Thành môn, gác chuông, gác trống, tả mạc, hữu mạc, sân hành lễ và khu nhà thờ chính.
Văn Miếu (Vĩnh Phúc) là nơi thờ bài vị Khổng Tử, Chu Văn An và 393 vị khoa bảng ngạch văn và ngạch võ của tỉnh Vĩnh Phúc trải qua các thời kỳ từ thời Lý đến thời Nguyễn.
Sân hành lễ rộng 2000m2 có sức chứa khoảng 3000 người
Ông đồ viết chữ nho trong Văn Miếu
Mô hình trường thi thời xưa
Bia tiến sĩ khá giống ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)
Từng gây tranh cãi vì chi phí xây dựng quá cao (gần 300 tỉ đồng), nhưng đến nay Văn Miếu đã tiến gần đến việc hoàn thành toàn bộ các hạng mục. Dẫu sao, với quy mô hoành tráng, kiến trúc đẹp mắt và ý nghĩa biểu tượng cao đẹp, Văn Miếu xứng đáng là đại diện cho nền văn hiến Vĩnh Phúc.
Sơn Nguyên
Cùng chuyên mục
Bình luận