Về quê ăn Tết trong đại dịch - Kỳ 2: Quyết tâm trở về hay dằn lòng ở lại?
(Sóng trẻ) - Tết Nguyên đán vốn là thời gian cả gia đình quây quần, sum họp; giờ bỗng trở thành nỗi lo cho nhiều người lao động. Dịch bệnh căng thẳng, kéo dài khiến đường về nhà của những người con xa quê càng trở nên trắc trở.
Thấp thỏm chờ đợi cơ hội kịp về quê ăn Tết
Rạng sáng, khi hầu hết mọi người đang chìm vào giấc ngủ với chăn ấm đệm êm thì cũng là lúc chị Tuyết (36 tuổi), bắt đầu mưu sinh. Công việc của chị là bán đồ ăn đêm trên con đường nhỏ tại phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội.
Quê ở thôn Làng Ải, xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội nhưng hơn 6 tháng nay, chị chưa thể về nhà. Cả hai vợ chồng chị Tuyết đều làm công việc tự do, nhưng vì "tham công tiếc việc" nên đành cố gắng ở lại. Khi nhận được câu hỏi liệu có về quê ăn Tết không, chị Tuyết trả lời: “Phải về chứ. Nếu xã bắt cách ly, tôi sẽ về sớm để kịp ăn Tết, còn không thì sáng 28 tôi mới về. Dịch bệnh nên buôn bán khó khăn nhưng cố được đồng nào thì hay đồng ấy”.
Chị Tuyết tâm sự, Tết là dịp chị mong chờ nhất vì có thời gian chăm lo cho gia đình và ở bên cạnh các con sau cả một năm làm việc. Gạt bỏ những nỗi lo cơm áo gạo tiền, chị Tuyết vẫn thích Tết vì đó là niềm vui sum vầy.
Thêm một năm đón Tết xa nhà
Với chị Lê Thị Hạnh (42 tuổi, trú tại Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội), dù Tết sắp gõ cửa nhưng chị vẫn đang xa quê gần 600 km. Đã hơn 1 năm nay, kể từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, chị chưa có dịp về thăm quê lần nào.
2 giờ sáng, giữa tiết trời rét buốt của mùa đông Hà Nội, chị Hạnh vẫn miệt mài cùng cả đội thi công trên con phố Phan Văn Trường, Cầu Giấy. Chị chia sẻ, mới đây quê chị có văn bản hướng dẫn cách người từ địa phương khác về. Tại nơi chị sinh sống hiện ở cấp độ nguy cơ cao (vùng cam) được khuyến cáo người dân cam kết cách ly tại nhà 7 ngày kể từ ngày trở về địa phương. Bên cạnh đó cần thực hiện xét nghiệm PCR hoặc test nhanh 2 lần/tuần.
“Lâu rồi chưa về quê nên tôi rất muốn Tết này được trở về đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, khi đọc thông tin trên tôi có chút lo lắng. Tôi là lao động tự do lại làm việc không cố định nên xong công trình mới được về. Nếu nghỉ sớm thì cũng phải tới chiều 27 âm lịch nhưng trở về cách ly tại nhà 7 ngày thì cũng đã hết Tết. Thêm nữa, công việc của tôi phải đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người nên lại càng lo hơn, không dịch chắc còn về, chứ dịch như thế này đành chọn ở lại”, chị Hạnh tâm sự.
Được về quê vào dịp Tết không chỉ là mong muốn của những người lao động ngoại tỉnh mà đó còn là niềm mơ ước, sự chờ đợi suốt nhiều năm dài của những người con xa xứ.
Đã hơn 3 năm xa gia đình, mỗi dịp Tết đến, bạn Nguyễn Thị Thùy Anh (22 tuổi, lao động tại tỉnh Aichi, Nhật Bản) đều một mình đón Tết trong nỗi nhớ nhà. Đối với Thùy Anh, niềm mong mỏi lớn nhất bây giờ là có thể trở về bên vòng tay của bố mẹ, ăn một bữa cơm đoàn viên. “Mỗi dịp tết đến lại thấy nhớ nhà lắm. Bên này cái gì cũng có, chỉ thiếu mỗi gia đình thôi”, Thùy Anh nghẹn ngào tâm sự.
Vì là con gái, lại là con út trong gia đình nên việc sống một mình nơi xứ người đối với Thùy Anh không hề dễ dàng. Vào những ngày Tết, nhìn mọi người quây quần bên mâm cơm, bên người thân còn mình vẫn phải lầm lũi đi làm lại càng thêm tủi thân. Không thưởng Tết, không ngày nghỉ, dù nhớ bố mẹ nhưng Thùy Anh vẫn tự động viên bản thân phải mạnh mẽ, cố gắng hơn.
Năm nay sẽ lại là một cái Tết xa đối với cô gái ấy. Thùy Anh chia sẻ, bạn không trở về quê vì khi đi lao động theo diện thực tập sinh, việc về nước rất khó khăn. Thêm nữa, giờ đang dịch bệnh, chi phí đi lại cũng đắt đỏ hơn gấp nhiều lần, kể cả về được Việt Nam khi quay trở lại cũng không dễ.
Không chỉ thủ tục rắc rối, chi phí về quá lớn mà vấn đề dịch COVID-19 cũng là một gánh nặng níu chân Thùy Anh. Bạn ngậm ngùi: “Dịch bệnh không đoán trước được điều gì nên đi lại cũng lo lắm. Nhỡ chẳng may mang dịch về lại làm khổ bố mẹ”.
Bên cạnh những người đang cố gắng thu xếp trở về đón tết cùng gia đình thì ở đâu đó, vẫn còn nhiều lao động chấp nhận một cái Tết xa. Với họ, nỗi nhớ đành tạm gác lại sau nỗi lo dịch bệnh, cơm áo gạo tiền với đủ thứ chi phí cần chi trả.
Nhắc tới Tết là nhắc tới hai chữ “đoàn viên”, nhưng đối với nhiều người lúc này, sự đoàn viên chỉ đơn giản là được nhìn thấy những người thân yêu khỏe mạnh qua màn hình nhỏ. Những người lao động xa nhà đang chấp nhận nén lại nỗi nhớ, sự buồn tủi để chờ đợi một cái Tết bình an trong một dịp gần nhất…