Hồi hương: Chạy đói, không phải chạy dịch
(Sóng trẻ) – Con đường Nam - Bắc mấy nay bất đắc dĩ đã trở thành con đường một chiều. Từng đoàn lũ lượt đèo lái, chở theo hy vọng hồi hương. Với họ, hồi hương là để chạy đói, không phải chạy dịch!
Rời bỏ quê nhà, tha hương nơi miền đất hứa. Chưa trọn giấc mơ đổi đời thì nay miền đất hứa bỗng trở thành nỗi bi thương gấp nhiều lần cái nghèo cái khổ nơi quê nhà. Chẳng còn gì để mất, họ buộc phảy tháo chạy, vì không phải là những ngày đầu của dịch mà họ đã cầm cự gần hai năm.
Hầu hết họ là những lao động nghèo đưa cả vợ con vào làm công nhân hoặc lao động tự do mất việc. Hai năm cầm cự cũng đủ cho họ hiểu “có làm 10 năm hay 20 năm chỉ cần một trận dịch cũng khiến họ trắng tay” – anh Lâm Trần Đức (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chia sẻ, chưa kể sinh mệnh, con cái và gia đình của họ, không ai dám chắc Covid-19 sẽ trừ họ ra.
Hơn thế nữa, dân nhập cư như họ hầu như không được hưởng chế độ an sinh nơi chính quyền sở tại, có chăng là những món đồ cứu trợ nghĩa tình đủ giúp họ cầm cự qua cơn đói. Và cuối cùng, lực đã kiệt còn dịch bệnh thì chưa ai biết bao giờ mới kết thúc.
Ở lại thì không có cái ăn. Về thì không biết thế nào. Giữa hai lựa chọn một là chết đói, hai là hiểm nguy, họ chọn cái thứ hai. Anh Lâm Trần Đức chia sẻ: “Lựa chọn về quê trong thời điểm nhảy cảm này khiến bản thân phải đấu tranh rất nhiều. Vì cuộc sống khó khăn nên mới phải ôm quần chảy theo hoàn cảnh chứ thực sự bản thân không muốn về. 14 năm bươn chải, Sài Gòn như là quê hương thứ hai bây giờ phải tay không dứt áo ra đi, phía trước tương lai mịt mù. Buồn lắm, nhưng đành lòng vậy, cầm lòng vậy!”
Lo lắng về nguồn sống và dịch bệnh, anh cùng dòng người tự phát kéo nhau rời khỏi thành phố. Với họ mà nói, đường sá có điệp trùng, khúc khuỷu, có phải vượt rừng rậm núi cao…thì đơn giản đó cũng chỉ là cuộc sống.
Nói thêm về hành trình đáng nhớ, anh cho hay: “Về đến Quảng Nam người đã lả đi. Lúc đấy nằm bệt trên vệ đường chỉ ước sao bây giờ được tắm phát rồi leo lên giường ngủ thì còn gì bằng”. Đâu đấy trong giọng nói là sự chua xót, anh chia sẻ: “Mình thì đã đành nhưng nhìn đám con nít mới tay bồng tay bế đã phải ngược nắng ngược gió đỏ xé cả khóe mắt, rồng rắn ngoài đường mà thấy thương vô cùng!”
Hành trình hồi hương vẫn còn dang dở, vì chặng cuối là nhà, họ biết mình phải đi. Thế rồi nhọc nhằn tạm gác, con đường một chiều lại dày đặc tiếng động cơ xe máy, tiếng xèo xèo, xịt cả khói, hàng vạn cuộc đời lại lầm lũi đèo lái nhau mang theo hy vọng hồi hương. Có lẽ không bao giờ biết được, bao người ngã quỵ dọc đường, không về được quê nhà – “Đi qua nhiều con dốc, tận mắt thấy người ta ngã xe thương lắm mà không thể dường lại được” – Khánh Nhi (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) kể.
Cũng từ trong khó khăn, mới thay đau đớn khi đồng bào mình đùm nhau trong đói lả trên đường dài, trẻ già với hàng ngàn cây số bất chấp cả tính mạng để chạy đói, chạy dịch.
Tháng 7 của những cuộc hồi hương đi vào lịch sử. Sắp qua rồi! Hy vọng Lâm Trần Đức, Khánh Nhi và hàng vạn con người ngoài kia sẽ không vì bất cứ lý do gì mà chạy đói lần nữa. Mong sao những ngày tháng Tám cả nước sẽ lại dịu dàng mát nhẹ như mùa Thu.